Từ đề xuất miễn học phí con giáo viên, nhìn về độ "hot" của ngành sư phạm

Hoài Nam

(Dân trí) - Không phải ngành kỹ thuật máy tính, thiết kế vi mạch hay trí tuệ nhân tạo liên tục được nhắc đến trong thời đại số, sư phạm mới là ngành hút thí sinh nhất trong mùa tuyển sinh 2024.

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. Bên cạnh nhiều luồng ý kiến trái chiều về đề xuất trên, sự quan tâm của dư luận còn xoay quanh ngành sư phạm, ngành học trước đây bị ví như "chuột chạy cùng sào".

Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là mùa tuyển sinh 2024, sư phạm là ngành hấp dẫn thí sinh nhất chứ không phải các ngành kỹ thuật máy tính, thiết kế vi mạch hay trí tuệ nhân tạo liên tục được nhắc đến trong thời đại số.

Từ đề xuất miễn học phí con giáo viên, nhìn về độ hot của ngành sư phạm - 1

Sư phạm là một trong những ngành, nghề thu hút nhiều thí sinh nhất trong mùa tuyển sinh năm 2024 (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Mùa tuyển sinh 2024, sư phạm lọt top 4 lĩnh vực thu hút nhiều thí sinh nhất cùng với các nhóm kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin.

Trong đó, ngành sư phạm có số lượng đăng ký nguyện vọng tăng mạnh nhất so với năm 2023, tăng đến 85%.

Số nguyện vọng đăng ký vào các trường sư phạm, ngành sư phạm từ các trường càng thể hiện sức hút của ngành này với thí sinh.

Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường của năm 2024 là hơn 31.000 thí sinh, tăng 100% so với năm 2023 (hơn 15.500 thí sinh). Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường là gần 52.000, tăng đến 120% so với năm 2023 (hơn 23.300 nguyện vọng).

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng nhận "bão" nguyện vọng đăng ký vào trường trong mùa tuyển sinh vừa qua.

Trường có 1.300 chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên nhưng có số nguyện vọng đăng ký lên đến 32.900, tương đương hơn 22.500 thí sinh đăng ký xét tuyển, tăng gấp đôi so với năm 2023. Năm 2023, tổng số nguyện vọng đăng ký vào các ngành sư phạm của trường chỉ mới 16.700, với trên 11.400 thí sinh.

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có khoảng 40.000 nguyện vọng đăng ký vào trường, tính cả các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Chỉ tính riêng kỳ thi đánh giá năng lực năm nay của trường đã thu hút hơn 11.500 thí sinh dự thi, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023.

Từ đề xuất miễn học phí con giáo viên, nhìn về độ hot của ngành sư phạm - 2

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM trong một chương trình ngoại khóa (Ảnh: Hoài Nam).

Tại Trường Đại học Đồng Nai, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm của trường tăng gấp 1,5 lần với hơn 5.000 thí sinh đăng ký. Riêng ngành giáo dục mầm non, số thí sinh đăng ký dự thi tăng gấp 3 lần so với năm 2023.

Không chỉ có sức hút về số lượng thí sinh mong muốn được theo nghề giáo, những năm gần đây ngành sư phạm cũng là một trong những ngành có điểm chuẩn đầu vào ở top đầu. Ở nhiều trường, ngành sư phạm, thí sinh đạt đến 9 điểm/môn vẫn... rớt.

Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, các ngành đào tạo giáo viên có điểm chuẩn năm 2024 dẫn đầu và bỏ xa các ngành còn lại với mức điểm chuẩn theo điểm tốt nghiệp THPT từ 23,9 đến 28,6.

Trong đó, cao nhất là ngành sư phạm lịch sử và sư phạm ngữ văn với 28,6 điểm, thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn trên 9,5 điểm. Sư phạm địa lý có điểm chuẩn 28,37; sư phạm hóa 27,67; sư phạm toán 27,6…

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn năm 2024 theo điểm tốt nghiệp THPT dao động từ 22 đến 29,3 điểm. Sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử có điểm chuẩn cao nhất với 29,3 điểm, thí sinh phải đạt trung bình mỗi môn gần 9,8 điểm mới trúng tuyển.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, sư phạm cũng là ngành có điểm chuẩn dẫn đầu trong tất cả các ngành nghề. Sư phạm lịch sử lấy cao nhất với 28,43 điểm; sư phạm địa lý lấy 27,9; sư phạm ngữ văn 27,83… bỏ xa các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ thông tin…

Trong mùa tuyển sinh năm 2024 cũng ghi nhận, hàng loạt thủ khoa trong cả nước cũng chọn học sư phạm.

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào tháng 8 vừa qua, một trong những nguyên nhân ngành sư phạm thu hút thí sinh là nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.

Cụ thể với Nghị định 116/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời, sinh viên sư phạm còn được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Lãnh đạo một trường sư phạm dự báo, ngành sư phạm sẽ tiếp tục có sức hút với thí sinh trong những năm tới. Sức hút này đến từ nhiều yếu tố như hỗ trợ về chi phí học tập, nhu cầu việc làm và đặc biệt là chính sách lương dành cho đội ngũ nhà giáo.

Theo Kết luận 91-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Cùng với việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (công tác từ 5 năm trở lên).

Từ đề xuất miễn học phí con giáo viên, nhìn về độ hot của ngành sư phạm - 3

Sư phạm là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất trong những năm gần đây (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

"Với chính sách này, người thầy hoàn toàn có thể sống được từ thu nhập của mình. Đây là những chính sách hợp lý và cần thiết để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, để giữ chân người thầy. Thực tế đã cho thấy những tín hiệu tích cực cho ngành sư phạm, cho giáo dục", nhà quản lý này cho hay.

Tuy nhiên, ở góc độ người học, ông cho rằng thí sinh nên cân nhắc khi chọn ngành sư phạm hay bất cứ ngành nghề nào, ngoài năng lực, cần quan tâm đến sở thích, đam mê và lý tưởng của mình.

Nếu chọn nghề sư phạm chỉ vì miễn học phí hay các chính sách ưu tiên trong nghề mà không xuất phát từ đam mê, người thầy có thể rơi vào nghịch cảnh "làm nghề không yêu", vừa bi kịch cho bản thân vừa để lại hệ lụy trên các thế hệ học trò…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm