"Kiểm định không phải tấm áo khoác hay để tăng học phí"
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, kiểm định không phải tấm áo khoác cho sang, hay để tăng học phí.
Chiều 1/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) trao chứng nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế về cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của HCERES. Kết quả kiểm định sẽ có giá trị trong vòng 5 năm từ năm 2023 đến năm 2028.
Như vậy, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là trường thứ 6 của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí của HCERES và là trường đại học thứ 10 được công nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, việc kiểm định không phải tấm áo khoác cho sang. Nhà trường cũng không làm kiểm định để tăng học phí.
"Đối với một cơ sở giáo dục đại học, việc kiểm định phải trải qua nhiều bước đi chắc chắn. Nếu việc kiểm định không thực chất, về lâu dài chắc chắn các cơ sở giáo dục sẽ đánh mất uy tín, chất lượng đào tạo.
Vì vậy khi sinh viên lựa chọn trường, các em cần tìm hiểu kỹ các cơ sở giáo dục đại học để tránh chuyện vàng thau lẫn lộn", bà Mai Thanh nói.
Trước đó, tháng 11/2022, đoàn công tác của HCERES đã đến Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội khảo sát sơ bộ và kết luận trường đủ điều kiện thực hiện kiểm định.
Đơn vị này cũng hướng dẫn trường tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn và quy trình kiểm định của HCERES.
Hồi tháng 5 vừa qua, đoàn chuyên gia đánh giá của HCERES đã tiến hành đánh giá chất lượng tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.
Đoàn đã làm việc, phỏng vấn độc lập hội đồng trường, hội đồng nội trị, hội đồng khoa học và đào tạo, Ban giám hiệu, đại diện các phòng, ban, khoa, đại diện giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên, cựu sinh viên, đại diện các đối tác trong nước, quốc tế của trường và đại diện các nhà tuyển dụng để làm rõ hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu…
Theo bà Amélie Bensimon, Đại diện HCERES, trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học Việt Nam đang phải thực hiện tự chủ đại học, việc một trường đại học đạt kiểm định nước ngoài nhằm thích nghi với thay đổi trên.
HCERES là cơ quan kiểm định độc lập, là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu (ENQA), sử dụng Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ thống giáo dục đại học châu Âu (EHEA).
Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES thực hiện đánh giá và kiểm định quốc tế đối với các trường đại học nước ngoài, các tổ chức giáo dục của Pháp ở nước ngoài, các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp quốc tế.