Dạy thêm học thêm - "sóng ngầm" chờ qua đợt kiểm tra

Trong giai đoạn kiểm tra gắt gao dịp đầu năm học, làn sóng dạy thêm, học thêm có vẻ như chìm xuống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình hình sẽ “êm ả” bởi nhu cầu thực từ phụ huynh học sinh và cái lợi của giáo viên.


Học thêm chưa hẳn xuất phát từ nhu cầu của học sinh

Học thêm chưa hẳn xuất phát từ nhu cầu của học sinh

Yên ắng trước giờ “G”

Đầu năm học mới, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang đã yêu cầu các trường học rà soát hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm tại đơn vị mình, không để xảy ra tình trạng ép buộc học thêm. Các phòng GD-ĐT phải rà soát, báo cáo Sở GD-ĐT Hà Nội số lượng giáo viên dạy thêm trong và ngoài nhà trường, học sinh đang theo học các lớp này, cơ sở nào đang dạy thêm, học thêm, có đăng ký và được cấp phép hay chưa…

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ cho biết, qua kiểm tra, phòng chưa phát hiện sai phạm nào trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quận. “Hiện Tây Hồ chỉ có 7 trường THCS triển khai dạy thêm lớp 8, 9. Tất cả học sinh lớp 6, 7 đều được bố trí học 2 buổi/ngày nên không tổ chức dạy thêm. Hoạt động dạy thêm trong các trường này đều được quản lý theo đúng quy định của UBND TP về thu chi cũng như cách thức tổ chức” – ông Vũ cho biết. Riêng về dạy thêm ngoài nhà trường, quận Tây Hồ hiện chỉ có Trung tâm Tràng An tổ chức dạy thêm cho học sinh THCS. “Chúng tôi thường xuyên quản lý, kiểm tra đơn vị này.

Giáo viên muốn tham gia dạy thêm ở đây bắt buộc phải có đơn đề nghị, được hiệu trưởng xác nhận. Hiệu trưởng có trách nhiệm nắm rõ giáo viên dạy thêm như thế nào” – ông Vũ chia sẻ.

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường theo hình thức nhà trường liên kết với trung tâm cũng khiến phụ huynh băn khoăn. “Thực chất, dù học ở trung tâm thì vẫn là giáo viên đứng lớp dạy con mình. Bởi nếu không phải các cô đứng lớp thì sẽ rất ít phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm ở trung tâm. Thường thì nhu cầu học thêm chỉ rơi vào những phụ huynh muốn cho con luyện thi vào những trường chuyên, lớp chọn. Còn học sinh yếu, trung bình thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi dưỡng miễn phí” – chị Nguyễn Mai Thanh, phụ huynh trường THCS Lê Lợi cho biết.

Không nể nang trong xử lý sai phạm

Tới thời điểm này, kết quả kiểm tra việc dạy thêm, học thêm ở các quận huyện trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện ra sai phạm nào. Tuy nhiên, có một thực tế là ngoài hình thức dạy thêm trong và ngoài nhà trường nói trên, việc dạy thêm tự phát tại nhà giáo viên hoặc trên danh nghĩa cơ sở phụ huynh đứng ra tự tổ chức nhóm lớp vẫn tồn tại. “Thời điểm  này, do kiểm tra thường xuyên nên cô giáo của con tôi chưa tổ chức dạy thêm nhóm lớp riêng. Sau thời điểm này, nếu gia đình, học sinh có nhu cầu học thêm, cô sẽ thu xếp” – một phụ huynh học sinh thuộc quận Ba Đình cho biết.

Thực tế, theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên đang hưởng quỹ lương của trường công lập, đặc biệt là giáo viên tiểu học thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, để có thêm thu nhập, không ít giáo viên vẫn chấp nhận nguy cơ bị kỷ luật để tổ chức các nhóm lớp học thêm ngoài nhà trường.

Mới đây, thông tin được nhiều phụ huynh quan tâm là việc phát hiện và đình chỉ một giáo viên tiểu học tại quận Tân Bình, TP.HCM đã mở lớp dạy thêm tại nhà dù trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày. Có thể thấy, việc kiểm tra là không đủ để ngăn chặn dạy thêm “chui” nếu không đi liền với chế tài xử phạt cá nhân vi phạm. Trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm trước tiên thuộc về hiệu trưởng các trường. Nhà trường có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, phê duyệt hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định, thậm chí được hưởng phần trăm từ việc phí học thêm để chi cho công tác quản lý.

Trước dư luận có hay không tình trạng xuê xoa, thiếu khách quan khi để nhà trường tự kiểm tra, xử lý sai phạm của giáo viên nếu phát hiện vi phạm quy định dạy thêm, học thêm, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để quản lý tốt, cần sự tham gia giám sát của xã hội, phụ huynh và học sinh. Việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định có thể ngăn chặn được nếu có phản ánh từ phụ huynh, học sinh, giáo viên. “Quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội là không bỏ qua hay coi nhẹ vấn đề dạy thêm trái quy định. Chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc khi có thông tin xác đáng” – ông Chử Xuân Dũng khẳng định.

Theo An ninh Thủ đô