GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

Không thể bỏ thi tốt nghiệp!

(Dân trí) - Qua sự việc quay cóp trong thi tốt nghiệp ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Nam, Bắc Giang), GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Cần xử lý nghiêm giáo viên vi phạm quy chế nhưng không thể vì thế mà bỏ thi tốt nghiệp”.

Trao đổi với Dân trí, GS.TSKH Phạm Tất Dong cho biết: “Tôi rất đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là phải xử lý nghiêm hiện tượng quay cóp này vì quay cóp trong phòng thi là phạm pháp”.
 
GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Là người nghiên cứu và hoạt động trong ngành giáo dục nhiều năm, ông nghĩ thế nào về hiện tượng quay cóp trong thi cử, đặc biệt là sự kiện quay clip trong thi tốt nghiệp vừa qua tại trường THPT dân lập Đồi Ngô?

Thời nào cũng có quay cóp nhưng quay cóp trở thành phong trào và tinh vi như hiện nay thời xưa không có. Theo tôi, nếu học sinh học tốt sẽ không quay cóp. Vấn đề quay cóp là do không học nhưng không học thì không là học sinh. Vì vậy, cái khó nhất là làm sao cho học sinh học. Đó là biện pháp quan trọng các nhà giáo dục phải nghiên cứu.

Tâm lý của người dân là sợ con mình trượt, học sinh cũng sợ trượt nên xảy ra tiêu cực, đút lót để đỗ, kéo theo các thầy, các cô cũng cuốn theo. Nếu dân không đòi hỏi thì làm gì có chuyện tiêu cực xảy ra.

Không chỉ sau sự kiện quay cóp tại Bắc Giang và từ nhiều năm nay, nhiều ý kiến các nhà giáo dục, nhà quản lý cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp để tránh căng thẳng cho học sinh, phụ huynh, ý kiến của ông thế nào?

Theo tôi khi hết cấp phải thi để học sinh có ý thức ôn tập, nắm chắc kiến thức chứ không có gì ghê gớm. Nhưng không thể tổ chức thi căng thẳng để các em học sinh tìm cách quay cóp thì mới thắng được. Sở dĩ học sinh mang phao vào phòng thi vì sợ bài thi khó quá. Do vậy, bài thi cần ra đúng trong sách giáo khoa, nếu học sinh làm được là đã nắm chắc kiến thức.

Quan điểm của tôi, thi tốt nghiệp là cần thiết để nhắc các học sinh biết mình đã trải qua 12 năm đèn sách. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần nhận định, đây không phải là kỳ thi đánh trượt học sinh mà là để các em biết kỳ thi kiểm tra kiến thức bình thường.

Trước đây khi mới triển khai phong trào chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục tỷ lệ đỗ tôt nghiệp rất thấp gây nhiều tranh cãi và phong trào này chỉ được một vài năm. Nay tình trạng đỗ tốt nghiệp ở các địa phương cao trở lại? ông nghĩ thế nào?

Nói chung thi tốt nghiệp phổ thông là kiểm tra một trình độ nhất định nào thôi. Đề thi đưa ra chỉ nên ở mức độ trung bình để các em đỗ. Bởi không tổ chức thi hay tổ chức thi thì cũng phải có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao trên 90% chứ lấy đâu ra lớp học để cho những học sinh lưu ban này học. Bên cạnh đó, bố mẹ thấy con học 12 năm mà không có kết quả thì cũng buồn, không tin tưởng vào cách dạy của nhà trường.

Còn vào đại học mới là quan trọng. Ở Việt Nam mình đầu vào đại học lại quá chặt trong khi đó đầu ra lại quá lỏng khác hẳn với nước ngoài. Đáng nhẽ nên mở rộng đầu vào đại học và thắt chặt đầu ra khi đó học sinh nào học được thì tốt nghiệp. Chính cách thực hiện của Việt Nam hiện nay mới dễ dẫn đến tiêu cực trong thi cử.

Qua hiện tượng quay cóp ở Bắc Giang, ông nhận định thế nào cách quản lý giáo dục hiện nay?

Theo tôi, cần xử lý nghiêm để làm gương cho ngành giáo dục. Thầy còn làm vậy thì trò nghiêm thế nào được. Giáo viên đã phạm pháp thì không còn tư cách là giáo viên. Đối với các học sinh, sau vụ việc này cần phải có biện pháp răn đe.

Chúng ta không nên đổ hết cho nhà quản lý giáo dục vì nhà quản lý giáo dục có nghiêm nhưng ở dưới làm không nghiêm thì cũng chịu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm