Thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học:
Không sợ chuẩn, chỉ thiếu cơ chế
(Dân trí) - Giáo viên và học sinh đều hào hứng với việc thí điểm dạy chương trình tiếng Anh ở bậc tiểu học. Tuy nhiên do chưa có cơ chế nên nhiều trường đều “bó tay” trong việc thu hút giáo viên dạy giỏi.
Thiếu cơ chế để hút giáo viên giỏi
Hà Nội là một trong 18 tỉnh, thành cả nước được Bộ GD-ĐT giao thí điểm dạy tiếng Anh bắt buộc đối với học sinh (HS) lớp 3. Để triển khai theo nhiệm vụ được giao, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chọn 9 trường tiểu học điển hình để tham gia mô hình, tuy nhiên vào phút chót một đơn vị đã xin rút khỏi danh sách do chưa thể bố trí được việc dạy thí điểm 4 tiết/tuần.
8 trường tiểu học còn lại tham gia thí điểm bao gồm Vĩnh Ngọc (H.Đông Anh), Thành Công B (Q.Ba Đình), Quỳnh Mai (Q.Hai Bà Trưng), Quang Trung (Q.Hoàn Kiếm), Tân Mai (Q.Hoàng Mai), Dương Quang (H.Gia Lâm), Dịch Vọng B (Q.Cầu Giấy), Thị trấn Trúc Sơn (H.Chương Mỹ).
Cô Phạm Thị Yến, hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội), chia sẻ: “Quy định mỗi trường có 1 GV tiếng Anh biên chế trong khi trường Thành Công B có tới 31 lớp học. Để có GV dạy chương trình thí điểm và chương trình tiếng Anh tự chọn, ngoài 1 GV biên chế, trường phải ký hợp đồng thêm với 2 GV khác. Nhà trường phải cố gắng cân đối các nguồn chi để trả mức lương thỏa đáng, giữ được các cô giáo gắn bó với trường. Tuy nhiên mọi việc chi trả này đều trông chờ vào nguồn thu học hai buổi/ngày (50.000đ/tháng - PV) nên nhà trường rất lúng túng”.
Đồng với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Loan - hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ngọc (Đông Anh) chia sẻ thêm: “Ngoài việc khó khăn trong việc giữ chân GV giỏi thì những đơn vị có cơ sở vật chất chưa đảm bảo cũng làm cho công tác giảng dạy giảm tính hiệu quả. Chẳng hạn như ở trường Vĩnh Ngọc thì chưa có phòng học tiếng Anh riêng, bên cạnh đó lại có đến 3 điểm trường vì thế GV rất vất vả trong việc chạy từ điểm này đến điểm khác”.
Là một trong những GV đủ điều kiện tham gia dạy tiếng Anh thí điểm, cô Kim Chi - giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Ngọc tâm sự: “Chương trình tiếng Anh thí điểm rất hay, HS rất hứng thú. Bên cạnh đó với nội dung chương trình này thì GV không quá khó để dạy, chỉ cần có trình độ tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên đều có thể đảm nhận được”.
Cũng theo cô Kim Chi, ngoài những mặt thuận lợi thì cũng có không ít khó khăn như để sau khi học hết lớp 5 HS phải đạt chuẩn A1 của Khung Tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ thì đỏi hỏi HS phải phát triển được kỹ năng nghe và nói. Trong khi đó đa số HS tiểu học hiện nay đều thiếu tự tin trong giao tiếp tiếng Anh. Chính vì thế đòi hỏi GV phải bỏ thời gian và công sức nhiều hơn trong việc tổ chức các hoạt động, các trò chơi… Tuy nhiên với việc chi trả thù lao thấp như hiện nay thì rất khó để các GV dạy hợp đồng có thể yên tâm giảng dạy.
“Cá nhân tôi là GV biên chế của nhà trường thì trách nhiệm phải làm hết mình. Tuy nhiên ngay cả GV biên chế còn gặp nhiều khó khăn với mức thu nhập thì làm sao có thể giữ chân được các GV dạy hợp đồng giỏi”, cô Kim Chi bày tỏ sự băn khoăn.
Gánh nặng đặt lên vai địa phương
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng giáo dục Mầm non - Sở GD-ĐT Hà Nội thì hiện nay mới là chương trình dạy thí điểm nên chưa có cơ chế bổ sung biên chế GV dạy tiếng Anh. Trong khi đó, trước đây việc dạy ngoại ngữ là môn học tự chọn nên theo thông tư hướng dẫn thì mỗi trường chỉ được phép tuyển 1 GV biên chế tham gia giảng dạy các lớp (đối với các trường có dạy ngoại ngữ). Chính vì thế khi đăng ký dạy chương trình Tiếng Anh thí điểm các trường bắt buộc phải hợp đồng thêm GV để dạy đủ theo quy định.
Cũng theo ông Tiến thì trong quá trình triển khai các đơn vị cũng cho biết, việc giữ chân GV giỏi đang là những khó khăn lớn của các trường. Với nguồn thu từ việc dạy hai buổi/ngày như hiện tại rất khó để trả lương xứng đáng cho GV, nhất là các GV ở diện dạy hợp đồng. Hiện nay nếu dựa vào nguồn thu này thì các trường chỉ có thể chi trả tối đa cho GV khoảng 17.000đ/tiết. Tuy nhiên trên thực tế Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chưa thế có cơ chế để giải quyết khó khăn hiện tại bởi đề án học phí mới vẫn chưa được thông qua.
Trước câu hỏi, việc thực hiện dạy tiếng Anh thí điểm ở bậc tiểu học có vội vàng khi đội ngũ lẫn cơ sở vật chất chưa đảm bảo, ông Tiến khẳng định: “Việc Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm vào thời điểm này là cần thiết. Chúng ta không thể cứ chờ đợi để chuẩn bị đầy đủ rồi mới cho tiến hành bởi như vậy là quá muộn so với quá trình hội nhập”.
Trách nhiệm đặt lên vai địa phương trong bài toán hút giáo viên dạy giỏi tham gia đề án. (Ảnh minh họa)
Chính vì thế trước khi triển khai thí điểm, Bộ GD-ĐT cho các địa phương đăng ký tập huấn và ít người đạt được tiêu chí đưa ra (chỉ có hơn 80 người đạt). Tuy nhiên do một số địa phương khẳng định trình độ GV đáp ứng được yêu cầu nên đề nghị được tham gia thí điểm và được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Vì lý do đó mà số tỉnh, thành tham gia mới lên đến con số 18 và cả nước có 92 trường tiểu học tham gia.
“Lộ trình thực hiện đề án này do địa phương hoàn toàn quyết định (trong giai đoạn từ nay đến 2020). Khi đã đăng ký tham gia thì có nghĩa địa phương đó phải đảm bảo về mặt nhân lực cũng như kinh phí để thực hiện. Hiện nay đã có sự phân cấp, Bộ GD-ĐT chỉ giúp các địa phương trong việc bồi dưỡng GV, cũng cấp miễn phí SGK, thiết bị giảng dạy…” - Vụ trưởng Lê Tiến Thành nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Thành thì kinh phí thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh sẽ được rót trực tiếp về cho các địa phương. Chính vì thế cơ chế chính sách làm sao để giữ chân được GV giỏi do địa phương cân nhắc. Hiện tại đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm nên Bộ GD-ĐT cũng chưa thể đưa ra chính sách gì cho GV dạy ngoại ngữ nhưng cái lợi của GV khi tham gia là được bồi dưỡng năng lực lên cao miễn phí.
Trước việc nhiều trường tham gia thí điểm cho rằng phụ huynh hoàn toàn đồng ý tham gia đóng góp để hỗ trợ GV nhưng Bộ lại không cho phép điều này, Vụ trưởng Thành chia sẻ: “Như với tất cả các môn học chính khóa khác, việc đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy thí điểm trong năm học này và trở thành môn học bắt buộc trong những năm học tiếp theo sẽ tuyệt đối không thu tiền đóng góp của phụ huynh. Đề án được đầu tư ngân sách nhà nước nên không có lý do gì để thu thêm tiền của phụ huynh. Bộ GD-ĐT không cấm càng trường thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục nhưng quan trọng vẫn là cách làm của các địa phương”.
Minh chứng về vấn đề này ông Thành cho hay, chẳng hạn như ở TPHCM thì từ năm 2003 đến nay họ đã tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần. Để nâng cao thu nhập cho GV tiếng Anh ở các trường dạy chương trình thí điểm, TPHCM đã cho phép những GV này dạy cả tiếng Anh thí điểm và tiếng Anh tăng cường (tiếng Anh tăng cường được phép thu tiền của phụ huynh nên có nguồn để chi trả cho giáo viên - PV).
Tuy nhiên, đó là những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt, GV giỏi thì họ có nhu cầu áp dụng các chương trình phù hợp với yêu cầu của phụ huynh. Còn những nơi khác thì đa số lại khó khăn?
“Chúng ta phải hiểu rằng, những vùng khó khăn luôn được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đề án này cũng vậy, việc cân đối tài chính cho từng địa phương là không đồng đều. Những nơi nào còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ GV… sẽ được phân bổ nhiều hơn, còn những nơi thuận lợi sẽ được phân bổ ít đi”, Vụ trưởng Thành nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng