Thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học tại Thanh Hóa:

Thiếu giáo viên, thiếu thốn về cơ sở vật chất

(Dân trí) - Để triển khai chương trình thí điểm của Bộ GD-ĐT đưa môn tiếng Anh vào các trường tiểu học trên toàn tỉnh, Thanh Hóa cần hơn 1.000 giáo viên môn tiếng Anh. Nhưng hiện nay tỉnh này mới chỉ có 660 giáo viên bộ môn này.

“Dạy chay, học chay”

Đến nay, ngành giáo dục Thanh Hóa đang từng bước triển khai dạy thí điểm môn tiếng Anh tại các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng do khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy nên chương trình triển khai thí điểm môn ngoại ngữ vào các trường tiểu học chưa được mở rộng. Trong năm học 2010 - 2011, Thanh Hóa có 6 trường tiểu học đã triển khai chương trình thí điểm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học của Bộ GD-ĐT. Hiện nay môn tiếng Anh bậc tiểu học ở Thanh Hóa chủ yếu đang được dạy theo hình thức "dạy chay, học chay".

Cô giáo Mai Thị Thảo, hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Tân, huyện Quảng Xương, một trong 6 trường tại Thanh Hóa được chọn thí điểm dạy tiếng Anh trong chương trình bậc tiểu học cho biết: "Trường có 16 lớp chủ yếu từ lớp 3 - 5 học tiếng Anh theo chương trình thí điểm. Trường có 2 giáo viên có kinh nghiệm và trình độ phụ trách bộ môn. Sau một kỳ học triển khai, nhìn chung đã đạt với yêu cầu đề ra. Thiết bị dạy học cơ bản hoàn thiện, tuy nhiên chưa có phòng học dành riêng cho môn ngoại ngữ".

 

Thiếu giáo viên, thiếu thốn về cơ sở vật chất - 1
Việc dạy và học môn tiếng Anh ở các trường tiểu học Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn. 

 

Còn cô Lê Thùy Trinh, giáo viên trực tiếp phụ trách môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Quảng Tân, cho biết: "Tôi đã dạy môn tiếng Anh được 2 năm. Tuy nhiên yêu cầu của tiếng Anh tự chọn chưa cao, học sinh chủ yếu chỉ học để biết. Còn theo yêu cầu mới, học sinh học hết chương trình lớp 3 phải đạt được các khả năng: nghe, nói viết và đọc. Mỗi tuần đã tăng từ 2 lên 4 tiết, học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng hơn, tạo nhiều điều kiện và tiền đề cho học sinh sau này. Tuy nhiên còn một số khó khăn nhất là về khả năng tiếp thu của học sinh còn chênh lệch giữa các vùng nông thôn và thành phố. Đặc biệt phụ huynh và học sinh chưa quan tâm đến môn học này. Học sinh mới chỉ học trên lớp là chính, chứ ít được thực hành bên ngoài".

 

Thiếu gần 400 giáo viên để triển khai chương trình

 

Ngoài 6 trường tiểu học triển khai chương trình thí điểm dạy tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, hiện 558/720 trường tiểu học ở Thanh Hóa dạy tiếng Anh theo hình thức môn học tự chọn theo 3 loại giáo trình: Let’s learn, Let’s go, giáo trình tiếng Anh của Trung tâm Công nghệ giáo dục. 

 

Trên cơ sở này, các trường sẽ có nhiều thuận lợi trong thời gian tới khi áp dụng chương trình dạy thí điểm môn tiếng Anh của Bộ.

Thầy Đinh Văn Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Thành (TP Thanh Hóa), cho biết: “Trường đã đưa môn tiếng Anh vào chương trình giảng dạy chính thức cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 theo chương trình Let's learn 123 từ năm 2004. Tuy nhiên, những năm qua, trường đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy. Hiện trên địa bàn xã Quảng Thành có 3 điểm trường tiểu học nhưng chỉ có một giáo viên ngoại ngữ được biên chế chính thức. Do thiếu đội ngũ giáo viên bộ môn tiếng Anh nên chúng tôi đã hợp đồng thêm hai giáo viên để đảm bảo mỗi điểm trường là một giáo viên. Cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy như sách tham khảo, đĩa tiếng Anh, máy chiếu… còn thiếu nên chất lượng đào tạo chưa được nâng cao".

Tuy nhiên việc triển khai chương trình cũng còn nhiều khó khăn: Ở cấp tiểu học, Thanh Hóa mới chỉ có 660 giáo viên môn tiếng Anh (trong đó có 437 giáo viên được biên chế).

Trong khi đó theo kế hoạch cần có 1.042 giáo viên để triển khai chương trình dạy thí điểm môn tiếng Anh. Đồng thời, trình độ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu do chưa được đào tạo theo chương trình và phương pháp dạy học ngoại ngữ cấp tiểu học; giáo viên ít được tập huấn theo chương trình và sách tiếng Anh đang giảng dạy; năng lực sư phạm còn nhiều hạn chế….

Về cơ sở vật chất, chưa có phương tiện phục vụ cho việc dạy và học. Vì tiếng Anh là môn học không bắt buộc nên hầu như rất ít được đầu tư về cơ sở vật chất cũng như các phương tiện dạy học như. Trang thiết bị dạy học môn tiếng Anh như phòng nghe nhìn còn sơ sài và nghèo nàn, chưa có phòng học theo yêu cầu.

 

Ngoài ra, chương trình, sách giáo khoa dạy học tiếng Anh cấp tiểu học chưa thống nhất. Đội ngũ giáo viên, chuyên viên tiếng Anh ở các Phòng GD-ĐT còn thiếu về số lượng và chất lượng; chưa có quy định về tuyển dụng biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học; cán bộ quản lý không có chuyên môn tiếng Anh, chưa nhận thức hết vai trò và tầm quan trọng của bộ môn ngoại ngữ trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Xuân Đồng, giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết: “Hiện Sở đang xây dựng chương trình để trình UBND tỉnh phê duyệt. Cở sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng từng bước có thể khắc phục được. Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là đội ngũ giáo viên. Một thực tế đặt ra hiện nay là đội ngũ giáo viên dôi dư ở cấp tiểu học còn là bài toán nan giải. Sinh viên chuyên ngành tiếng Anh và đội ngũ giáo viên rất dồi dào, tuy nhiên số lượng biên chế đã đủ nên việc tuyển thêm giáo viên tiếng Anh là rất khó. Ngành cũng đang tích cực chỉ đạo xây dựng đề án để triển khai trong thời gian tới”.

 
Duy Tuyên - Lan Anh - Quỳnh Nga