Thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học tại Đà Nẵng:

Khó có đủ giáo viên đạt chuẩn

(Dân trí) - Việc triển khai thí điểm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học theo chủ trương của Bộ GD-ĐT tại Đà Nẵng không quá mới.Tuy nhiên, khó khăn ở đây là các giáo viên bộ môn cần phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ.

Tại Đà Nẵng, năm học 2010- 2011, có 4 trường tiểu học được chọn dạy thí điểm tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, gồm các trường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Như Khương và Huỳnh Ngọc Huệ.

Việc triển khai thí điểm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học theo chủ trương của Bộ GD- ĐT tại Đà Nẵng không quá mới. Do từ hàng chục năm trước, nhiều trường tiểu học trên địa bàn đã đưa chương trình dạy ngoại ngữ cho học sinh vào chương trình học ngoại khóa với 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, khó khăn ở đây, là các giáo viên bộ môn cần phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ.

Khó có đủ giáo viên đạt chuẩn - 1

thí điểm triển khai dạy tiếng Anh cho hs tiểu học vẫn  còn  khó khăn. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Ngưng, trưởng phòng Giáo dục quận Hải Châu, Đà Nẵng chia sẻ: “Trên địa bàn quận, có 1 trường được chọn thí điểm dạy tiếng Anh như một bộ môn bắt buộc trong chương trình cho học sinh từ lớp 3. Thực tế, đây là một tín hiệu mừng cho các giáo viên phụ trách môn ngoại ngữ tại các trường tiểu học trên địa bàn. Do lâu nay, tiếng Anh đã được đưa vào các trường tiểu học như một môn học ngoại khóa. Và vì là môn học ngoại khóa, nên mức lương của các giáo viên rất thấp, tính theo mức lương hợp đồng, chỉ khoảng 400- 500 nghìn đồng/tháng, từ tiền thu phí học ngoại khóa 3-4 ngàn đồng/tháng/học sinh. Mức này, chênh lệch hẳn so với mức lương của các giáo viên các bộ môn bắt buộc trong chương trình, được nhận lương theo biên chế.

Nay tiếng Anh là môn học bắt buộc, sẽ là cơ hội cho các giáo viên dạy hợp đồng ngoại khóa môn tiếng Anh lâu nay được vào biên chế chính thức, và hưởng mức lương tương xứng. Tuy nhiên, khó khăn là, các giáo viên phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ. Theo như chủ trương thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, ban đầu, Bộ quy định giáo viên bộ môn phải đạt điểm TOEFL từ 550 điểm trở lên. Nhưng qua khảo sát, với chuẩn này, khó tìm đủ giáo viên cho bộ môn, nên hạ chuẩn đạt điểm TOEFL từ 400 điểm. Thế nhưng trong đợt thi lấy điểm TOEFL, chỉ có duy nhất 1 giáo viên trong tổng số 34 giáo viên đang dạy tiếng Anh tại các trường trên địa bàn quận đạt chuẩn.

Để tháo gỡ vấn đề này, chúng tôi đã chỉ đạo giáo viên nỗ lực hơn trong chuyên môn để đạt chuẩn. Tuyển người có trình độ TOEFL đạt chuẩn không thiếu, nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên các giáo viên lâu nay vẫn phụ trách bộ môn tại các trường. Do họ là những người đã có kinh nghiệm sư phạm lâu năm, và lâu nay vẫn gắn bó với nghề, với học sinh, dù mức lương hợp đồng trước đây quá thấp".

Một kinh nghiệm từ thực tiễn thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học từ lớp 3 tại Đà Nẵng là cần cân đối chương trình dạy linh hoạt để tránh “quá tải” cho học sinh. Bà Trần Thị Phong, phó trưởng phòng GD quận Cẩm Lệ, cho biết: “Việc đưa tiếng Anh vào trường tiểu học không quá bỡ ngỡ với học sinh và cũng đã có nguồn giáo viên do đã tổ chức giảng dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học từ nhiều năm trước. Nhưng trước đây, vì là môn ngoại khóa, các em chỉ học 2 tiết/tuần. Nay, đã là môn bắt buộc, phải tăng thời lượng cho bộ môn lên là thiết yếu. Tại Trường tiểu học Hoàng Như Khương, trường học trên địa bàn quận Cẩm Lệ được chọn thí điểm dạy tiếng Anh như một môn bắt buộc từ năm học 2010- 2011, phòng GD đã chỉ đạo nhà trường cân đối lịch học linh hoạt giữa các bộ môn, đảm bảo tránh “quá tải” cho học sinh. Vì trước đây, các em học 2 buổi/ngày kể cả chương trình chính khóa, ngoại khóa, cũng đã vừa vặn thời gian học ở trường của các em rồi”.

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa cần tính đến khi triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 qua ghi nhận của PV là cần có chương trình dạy bộ môn tiếng Anh cho học sinh bắt đầu học thí điểm tiếng Anh từ năm lớp 3 phù hợp khi các em học lên các bậc THCS, THPT. Nếu không, sẽ xảy ra trường hợp, các em học tiếng Anh từ lớp 3 sẽ học chung lớp, và học lại chương trình tiếng Anh căn bản cùng các bạn học khác không học chương trình thí điểm này.

Khánh Hiền (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm