“Không phải là “đạo văn” nhưng chưa xứng điểm 10”
(Dân trí) - “Không thể nói <a href=" http://www6.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/8/134747.vip">bài văn của Hoàng Thuỳ Nhi</a> là đạo văn. Nếu nói đạo văn thì phải chỉ ra đúng với bài văn mẫu nào. Và nếu đúng y nguyên như bài văn mẫu đó thì đó là lỗi của người coi thi... Nhưng với bài thi giống như văn mẫu thì không nên cho điểm tối đa vì với môn văn, nếu cho điểm tối đa thì phải có sự sáng tạo”.
“Theo cách chấm khách quan và kinh nghiệm chấm thi của tôi thì bài này có ưu điểm là làm cả 3 câu tương đối đều nhau, kiến thức đủ ý theo yêu cầu. Tuy nhiên, bài làm này cũng có nhược điểm là ý chưa phong phú, tổ chức luận điểm chưa rạch ròi.
Nếu tôi chấm bài thi này điểm tối đa là 9 điểm. Người chấm bài thi này đã chưa nắm vững việc dạy các tác phẩm”, trao đổi với Dân trí về bài văn duy nhất được điểm 10 trong kỳ thi ĐH năm nay, PGS.TS Văn học Lê Quang Hưng - giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết như vậy.
Thưa ông, việc người chấm bài thi này chưa nắm vững việc dạy các tác phẩm thể hiện cụ thể trong cách chấm từng câu như thế nào?
Câu 1: Là loại kiểm tra kiến thức của học sinh, câu này không khó nhưng trong bài thi của thí sinh này tuy đủ nhưng gọn quá, ngắn quá, nhạt quá, không sâu, chỉ đúng về lịch sử.
Phần hoàn cảnh ra đời đúng nhưng chưa đủ, chưa phải là bài hay. Vì câu không chuyển ý, đặc sắc nghệ thuật tương đối đúng đáp án và hay hơn hoàn cảnh ra đời. Kết cấu đối đáp không nhấn mạnh, không rõ ràng, vẫn còn có chỗ trùng nhau.
Nếu chấm chi li ra, tôi cho 1,5 điểm. Những bài kiểu này chúng tôi chấm rất nhiều.
Trong câu hỏi này, người chấm không đọc kỹ đáp án của Bộ.
Câu 2: Tương đối đúng đủ nhưng yếu trong phần cảm nhận, không có sáng tạo. Tại nhiều lò luyện thi, nhiều sách viết về bài Sóng của Xuân Quỳnh đều như vậy. Bài văn này chỉ là tổng hợp, tổ chức lại. Người chấm không đọc những sách tham khảo nên khi chấm thấy viết như thế thì cho là sáng tạo.
Trong cách phân tích và cảm thụ bài thơ Sóng của em này không có gì mới. Nhiều em cũng làm được như thế này. Ở đây không có sáng tạo, tư duy mới. Những vấn đề này, câu này đều rất cơ bản, khá quen thuộc với học sinh.
Câu 3: Tuy có cảm xúc hơn nhưng sự chia tách luận điểm không rạch ròi. Phần nghệ thuật miêu tả cây xà nu không rõ, lẫn vào phân tích.
Nhược điểm lớn nhất trong bài văn này là gì?
Trong nội dung 3 câu của bài, thí sinh không có chỗ nào thể hiện sự sáng tạo. Các ý của bài này cơ bản có trong những bài văn mẫu và ở các lò luyện thi đều nói hết rồi.
Nhiều thầy cô giáo đang có nhận xét đây là một bài đạo văn. Ý kiến của ông?
Không thể nói bài văn này là đạo văn. Tôi không dám khẳng định là mình đọc hết các bài văn mẫu nhưng học sinh đọc các quyển sách mẫu và biết cách lấy đúng ý và tổ chức cho bài làm của mình là được. Chứ không nên bắt bẻ theo sách này, sách kia. Không nên khẳng định là học sinh đạo văn vì học sinh đi học có quyền lấy từ quyển này, quyển khác vì nó học thuộc được vì đây là đề ra quen.
Nếu nói đạo văn thì phải chỉ ra đúng với bài văn mẫu nào. Và nếu đúng y nguyên như bài văn mẫu đó thì đó là lỗi của người coi thi, còn học sinh làm được đó là quyền của em đó chứ.
Nhưng với bài thi giống như văn mẫu thì không nên cho điểm tối đa vì với môn văn, nếu cho điểm tối đa thì phải có sự sáng tạo.
Như vậy, theo ông, bài văn này hoàn toàn không xứng đáng đạt điểm 10?
Tôi cảm thấy những người chấm bài văn này hơi đề cao vì bài văn này không có sáng tạo. Cho điểm 10 văn đối với bài này là hơi bất thường. Tôi hơn 26 năm chấm thi văn ĐH chưa bao giờ có điểm 10. Ngay bài văn của bạn Nguyễn Thu Trang năm trước ĐH Huế chấm điểm 10 tôi cũng không công nhận vì có nhiều cái không chính xác và không đáng được 10 vì có chỗ sai kiến thức, không chuẩn. Nếu so sánh bài này với bài văn của Thu Trang năm trước thì còn yếu hơn.
Qua cách chấm bài văn điểm 10 này, ông có nhận xét gì về việc chấm văn hiện nay?
Hiện nay, chấm văn đã thoáng hơn trước đây. Trước đây, văn mà được điểm 7, 8, 9 rất ít nhưng nay điểm văn cao thì điểm thi đại học cao hơn. Nhưng đặt bút cho điểm văn đại học phải thận trọng, không sẽ phản tác dụng. Nếu không chừng người chấm không nắm hết được vấn đề ấy lại vô tình cho điểm cao. Điều này rõ ràng phải dựa vào đáp án. (Bài này đã đủ ý đáp án đâu và cũng không có sáng tạo).
Người chấm phải có trình độ thẩm vấn vì đặt bút cho bài văn điểm 9, 10 phải cân nhắc. Không nên có phong trào cho 10 điểm văn.
Xin cảm ơn ông!
Mai Minh - Hồng Hạnh
(Thực hiện)