Không học chữ trước, lo con thành “lạc loài”
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh hiểu tác hại của việc học chữ trước và không muốn con học chữ trước khi vào lớp 1. Vậy nhưng, họ lại không khỏi lo lắng con có thể trở thành “cá biệt” trong lớp học.
Điều tốt cho con nhưng có thể không phù hợp, thậm chí mâu thuẫn với yêu cầu từ thực tế, từ nhà trường là vấn đề được nhiều phụ huynh đặt ra tại chuyên đề “Cùng con trưởng thành” do tổ chức Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng của RBF thực hiện diễn ra cuối tuần qua tại TPHCM.
Con mới 3 tuổi đã lo chuyện học chữ
Chị Nguyễn Ngọc Giao ở quận 1, TPHCM, có con chỉ mới 3,5 tuổi nhưng đã lo sắp tới có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không. Bản thân chị Giao hiểu rõ, tuổi này con cần được vui chơi, để đầu óc tiếp nhận, học hỏi nhiều điều hay ho khác, chứ không cần phải học chữ trước.
“Tôi biết, cháu học trước, biết trước thì khi đi học sẽ mất hứng thú với học tập. Vậy nhưng, hầu như bạn bè quanh tôi đều cho con cái học chữ trước khi vào lớp 1. Rồi một số giáo viên tiểu học cũng mở lớp luyện chữ trước, mời gọi phụ huynh cho con đến học. Nếu tôi khăng khăng theo lập trường của mình, không cho con học trước liệu rồi cháu có thành “kẻ lạc loài” trong lớp không?”, chị Giao đặt câu hỏi.
Ý kiến của chị Giao chạm trúng “chỗ nhột” nhiều phụ huynh tham dự chương trình. Nhiều người bày tỏ nỗi băn khoăn chung, không hề muốn con học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng lại sợ khi vào tập thể lớp số đông học sinh đều biết chữ trước thì con mình sẽ rất khó bắt nhịp cũng như sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong việc dạy học.
Chuyện trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 đã được nói đi nói lại rất nhiều năm nay. Rất nhiều chuyên gia giáo dục đã cảnh báo về hậu quả về việc ép con chín sớm trước tuổi có thể ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng học tập lâu dài của con trẻ. Hơn nữa, việc quá chú trọng vào học chữ, kiến thức nên nhiều người bỏ quên việc chuẩn bị cho con những kỹ năng tránh sốc cần thiết cho trẻ khi thay đổi bậc học từ mầm non lên tiểu học.
Phụ huynh không phải không biết hệ quả này nhưng nhiều người đành “điếc không sợ súng”. Thực tế nhiều giáo viên ở trường tiểu học dạy theo cách mặc định trẻ đều đã biết chữ trước khi vào lớp 1. Những đứa trẻ không học chữ trước và cả phụ huynh có thể gặp phiền toái hơn như được cô yêu cầu phải chú ý, kèm cặp thêm, giao nhiều bài vở để luyện chữ hơn...
Chị Nguyễn Bích Thanh, ngụ ở quận 5, TPHCM kể trước đây chị chống lại cả nhà, cả bạn bè đồng nghiệp... quyết không cho con gái học chữ, làm toán trước. Sau đó, chị hối hận bởi quyết định này khi những ngày đầu đi học của con trở thành ký ức không mấy hay ho. Cháu chậm hơn các bạn, sĩ số đông nên cô không quan tâm được nhiều... Tối nào mẹ con chị cũng trầy trật học những con chữ, phép tính đầu tiên.
Chị từng giữ niềm tin không cho con học chữ trước sẽ tốt cho con nhưng con chị như toa tàu trật đường ray, mất một thời gian rất dài để bắt nhịp. Từng đó đã đủ khiến cháu ấn tượng không hay về việc học.
Phụ huynh cần tận dụng khoảng trống
Tại buổi nói chuyện, trước lo lắng của chị Giao và nhiều phụ huynh về việc cho cho học chữ trước khi vào lớp 1, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) chia sẻ, việc bắt trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 đã đẩy các em vào đường đua không cần thiết, xét về mặt tâm lý còn có hại cho trẻ.
Ông Trung cũng thừa nhận khi cả hệ thống vận hành theo cách như thế này thì đúng là rất khó cho những phụ huynh muốn điều tốt cho con. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào mỗi người đều có tự do, có khoảng trống của chính mình. Phụ huynh hoàn toàn có thể đối thoại với cô giáo, đối thoại với hiệu trưởng để bày tỏ suy nghĩ của mình để tạo ra điều tốt đẹp nhất cho con.
Theo ông Trung, mỗi người phải tận dụng khoảng trống của mình để hành động. Còn biết sai nhưng ai cũng im lặng mà không lên tiếng thì chính con mình gánh hậu quả. Và ai cũng im lặng sẽ không thay đổi được điều sai đang đang diễn ra.
“Trong khi chờ đổi mới từ trên xuống thì chính mỗi phụ huynh phải dám đổi mới bản thân mình trước, dám lên tiếng, đấu tranh vì con. Khi nhiều người cùng lên tiếng, cùng hành động, tôi tin sẽ tạo ra thay đổi”, ông Trung nhấn mạnh.
Trên góc độ một nhà nghiên cứu giáo dục, TS Nguyễn Khách Trung cũng trao đổi thêm, giáo dục trong nhà trường đang áp đặt rất lớn lên trẻ. Một chương trình, sách giáo khoa, cách đánh giá, tiêu chí, phương pháp... cùng áp lên hàng triệu đứa trẻ. Trong khi, bản chất của giáo dục phải giúp mỗi đứa trẻ phát huy hết khả năng, năng lực của mình. Mà mỗi đứa trẻ là một chủ thể độc lập, không giống bất kỳ ai, không có bản sao thứ hai.
Trước khi chờ những thay đổi trong hệ thống giáo dục, ông Trung cho rằng chính gia đình hãy tạo mọi điều kiện để con phát triển bản thân, đừng chạy theo tiêu chí, đòi hỏi lớn lao nào. Trong quá trình nghiên cứu giáo dục gia đình, ông nhận thấy phụ huynh Việt còn rất nặng tư tưởng, phương thức giáo dục áp đặt lên con.
Hoài Nam