"Không có quốc gia nào không bắt đầu từ giáo dục để phát triển"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, với một xã hội học tập, chúng ta sẽ vươn ra biển lớn bằng con đường học tập, bằng trí tuệ của người Việt Nam. Từ đó, đất nước sẽ phát triển bền vững.

Trong những năm vừa qua, phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng lan rộng trong toàn quốc, thâm nhập tới mọi cộng đồng dân cư, được cán bộ và nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Xã hội học tập trở thành mô hình giáo dục tất yếu phải xây dựng, như việc xây dựng con đường tri thức đưa dân tộc Việt Nam phát triển vươn ra quốc tế, hướng tới tương lai. 

Việc xây dựng xã hội học tập với nòng cốt là công dân học tập, học tập suốt đời như hiện nay khi thành công sẽ đem đến những thành quả tích cực nào cho sự phát triển của đất nước?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam để có nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này.

Không có quốc gia nào không bắt đầu từ giáo dục để phát triển - 1

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Liên).

Thưa GS.TS Nguyễn Thị Doan. Chúng ta đang hướng tới việc trở thành đất nước có xã hội học tập với các tiêu chí cụ thể, hội nhập sâu vào mạng lưới toàn cầu. Xin bà chia sẻ, cần hiểu thế nào để đúng với khái niệm "xây dựng xã hội học tập"?

- Xã hội học tập là một xã hội mà ở đó ai cũng được học, ai cũng cần thiết phải học, ai cũng tự giác học, ai cũng có cơ hội học tập và học tập suốt đời. Xã hội học tập tạo điều kiện cho mọi công dân có cơ hội học, giúp người ta thấy muốn học, cần học và bắt buộc phải học. Để triển khai được xã hội học tập, có 3 yếu tố rất quan trọng.

Thứ nhất, phải có cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết về việc tạo điều kiện cho tất cả mọi người có cơ hội học tập. Trong lời kêu gọi thành lập Đảng tháng 2/1930, Bác Hồ đã ghi khẩu hiệu "Thực hành giáo dục toàn dân". Đây chính là tư tưởng về xây dựng xã hội học tập của Bác.

Tới nay, ta đã có Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; có Kết luận 49 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị. Từ năm 2005 đến nay, còn có các Nghị quyết của Chính phủ giao cho Hội khuyến học, Bộ GD&ĐT và các Bộ, Ban, Ngành về triển khai xã hội học tập.

Thứ hai, Nhà nước phải đứng ra huy động nguồn lực để mọi người có điều kiện đi học. Mà "đi học" ở đây là học theo hướng mở: học mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp, mọi phương tiện.

Ngày 20/2/1947, dạy về cách làm để xây dựng gia đình học hiệu, Bác Hồ từng nói: "Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân, Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động", tức cần xã hội hóa để cho nhân dân đi học. Nhà nước đóng vai trò tạo điều kiện về phong trào, còn sức dân là vô cùng quan trọng.

Thứ ba, tất cả  tổ chức chính trị xã hội phải vào cuộc, phải gương mẫu tham gia xây dựng xã hội học tập. Cả hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp, toàn dân phải tham gia. Để thực hiện điều này, Hội Khuyến học Việt Nam đến nay đã ký kết với 11 cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị xã hội, cùng nhau hợp sức xây dựng xã hội học tập. Đó là điều kiện tiên quyết thứ nhất để xây dựng xã hội tập.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tất cả chỉ tiêu trong Quyết định 1373 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030". Và từ cam kết chính trị, từ các tiêu chí Chính phủ quy định, phải đạt được kết quả là xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường phát triển tốt.

Xin bà cho biết, việc xây dựng xã hội học tập như hiện nay khi thành công sẽ đem đến những thành quả tích cực nào cho sự phát triển của đất nước?

- Thành quả tích cực của việc xây dựng thành công xã hội học tập là cả nước, cả hệ thống chính trị, từ Đảng cho đến Nhà nước, đến nhân dân ai cũng hăng hái đi học. Chúng ta có một hệ thống học tập toàn quốc, một không khí học tập sôi nổi trong toàn dân.

Ngoài ra, xây dựng xã học tập tốt sẽ hình thành hệ thống giáo dục, trong đó giáo dục chính quy kết hợp với giáo dục phi chính quy, giáo dục thường xuyên, người dân có thể tham gia bất cứ hệ thống giáo dục nào. Cả hệ thống khép kín này tạo cơ hội cho người dân đi học. Nếu có xã hội học tập đúng nghĩa, sự liên thông giữa các hình thức giáo dục sẽ phát triển rất tốt, tạo động lực cho những người không có điều kiện học chính quy.

Cuối cùng, nếu như xã hội học tập được xây dựng thành công, chúng ta sẽ vươn tầm quốc tế, hòa vào mạng lưới xã hội học tập của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) và vững bước phát triển bền vững trên con đường đã chọn.

Không có đất nước nào, không có quốc gia nào phát triển mà không bằng giáo dục. "Giáo dục" ở đây không phải cứ học đại học, học chính quy mà là giáo dục theo hướng mở, theo đúng Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương: mở về nguồn tài nguyên dữ liệu, mở về phương pháp học trực tuyến, trực tiếp; học qua bạn bè, học ở trung tâm học tập cộng đồng, học ở mọi nơi mọi lúc, cả xã hội học tập.

Với một xã hội học tập, chúng ta sẽ hòa nhập vào mạng lưới quốc tế và vươn ra biển lớn bằng con đường học tập của mình, bằng trí tuệ của người Việt Nam. Từ đó, Việt Nam sẽ phát triển bền vững, thực hiện được tất cả các chỉ tiêu đề ra.

Không có quốc gia nào không bắt đầu từ giáo dục để phát triển - 2

Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề bàn về công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tháng 5/2022 (Ảnh: Hữu Nghị).

Trên thực tế hiện nay, công tác triển khai, tổ chức xã hội học tập tại Việt Nam còn những khó khăn, hạn chế nào?

- Tôi cho rằng, chúng ta phần nào đó vẫn còn lúng túng trong tổ chức xã hội học tập theo đúng hướng, theo đúng 3 yếu tố tôi vừa nêu.

Chúng ta đã có cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước; các Bộ, Ngành đều hứa sẽ tham gia xây dựng xã hội học tập, thông qua việc kết nối của Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, việc tham gia phần nào mới trên văn bản, còn công tác triển khai của các Bộ, Ngành, các cơ quan lại chậm, nguồn lực thì thiếu.

Muốn xây dựng xã học tập đúng nghĩa để mang đến sự phát triển xã hội phồn vinh, chúng ta phải vào cuộc và phải có nguồn lực. Trong khi đó, yếu tố xã hội hóa còn đang phân tán, nguồn lực của một doanh nghiệp không chỉ tập trung cho giáo dục mà cho rất nhiều chương trình an sinh khác.

Chúng ta cần có kế hoạch để nguồn lực xã hội hóa vào giáo dục theo đúng nghĩa. Theo tôi, cả quốc gia phải có một chương trình riêng để xây dựng những quỹ học bổng cho trẻ em đi học.

Để làm được, phải tập trung nguồn lực, không phải xã hội hóa mà phân tán. Ngoài sự định hướng của Nhà nước, các ban ngành cũng cần thấy hết trách nhiệm của mình; nhận thức phải được nâng lên về tầm quan trọng của xã hội học tập, học tập suốt đời.

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung triển khai mô hình "Công dân học tập" và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng. Việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình "Công dân học tập" được đánh giá là khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Xin bà chia sẻ rõ hơn, việc phát triển tốt mô hình "Công dân học tập" sẽ đem đến những lợi ích như thế nào?

- Như tôi đã nói, không có một quốc gia nào phát triển lại không bắt đầu từ giáo dục. Sự nghiệp giáo dục này nhằm đến mọi đối tượng.

Nếu xây dựng thành công xã hội học tập mà nòng cốt là công dân học tập thì xã hội sẽ phát triển bền vững. Con người có tri thức hàng ngày qua đào tạo, qua giáo dục, qua học tập suốt đời. Từ tri thức được bồi đắp đó, con người sẽ có các kỹ năng: kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và cả kỹ năng ứng xử.

Như vậy, đối với mỗi con người Việt Nam, thông qua sự học này có thể làm thay đổi cả thân phận, địa vị của mình trong xã hội; giúp hình thành những nhân cách cần thiết trong bối cảnh mới. Chúng ta sẽ có những ứng xử rất văn minh, văn hóa trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ đó làm cho xã hội phát triển lên. Công dân học tập nếu thành công sẽ làm cho con người phát triển toàn diện như thế.

Và từ công dân học tập sẽ làm tăng năng suất lao động xã hội; thu nhập của người dân và toàn xã hội sẽ nâng lên, xã hội giàu có hơn.

Để trở thành một công dân học tập, cần 3 năng lực cốt lõi.

Thứ nhất, phải biết quản trị thời gian của mình, thể hiện qua việc biết lập kế hoạch cho bản thân, biết sử dụng thời gian hợp lý; biết sắp xếp các kế hoạch tự học, tự đào tạo, tự tham gia các câu lạc bộ, có thời gian tham gia các hoạt động xã hội; tức phải biết phân bổ thời gian trong một ngày. Vấn đề quản trị thời gian là hết sức quan trọng, là năng lực tốt nhất để thời gian không bị lãng phí, dù đi chơi cũng là có ích.

Thứ hai là năng lực sử dụng các công cụ phục vụ cho lao động như các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh, máy vi tính, điện thoại di động,… Năng lực ngoại ngữ cũng cần thật giỏi, là yêu cầu phải bắt buộc hiện nay, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bởi muốn hội nhập quốc tế, muốn sống hiện đại thì phải biết sử dụng ngoại ngữ, giao tiếp bằng ngoại ngữ, đọc tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ. Chúng ta cũng cần có kỹ năng sử dụng chính các kiến thức chuyên môn đã học được ở trường lớp, học ở mọi nơi để vận dụng vào công việc của mình.

Năng lực thứ ba của công dân học tập là giải quyết các vấn đề xã hội, quan hệ công chúng. Một người có học giỏi, làm giỏi đến mấy nhưng nếu không được quần chúng, nhân dân ủng hộ; luôn cạnh tranh với mọi người theo cách không lành mạnh thì cũng không có kết quả tốt.

Người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo, nhưng khác nhau chính ở cách ứng xử với mọi người, ứng xử với công việc, thiên nhiên, môi trường, bè bạn. Tất cả sẽ quyết định thành công của một con người.

Không có quốc gia nào không bắt đầu từ giáo dục để phát triển - 3

Hội Khuyến học Việt Nam ký chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Ảnh: Nguyễn Liên).

Xin bà cho biết, công tác triển khai mô hình "Công dân học tập" trong thời gian tới sẽ ra sao?

- Hội khuyến học Việt Nam luôn bám vào chủ trương của Đảng, các chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước để triển khai các mô hình học tập, trong đó có mô hình Công dân học tập.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam luôn triển khai lời dạy của Bác Hồ về công dân học tập Bác từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" hay "Trong điều kiện thế giới phát triển không ngừng, khoa học kỹ thuật luôn phát triển, ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình ra".

Sau khi có Kết luận 49 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Chính phủ đã có Quyết định 387 và Quyết định 677, giao cho Hội khuyến học 4 mô hình học tập (Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập).

Sau khi có chương trình, Hội khuyến học Việt Nam đã tập trung sức để xây dựng kế hoạch triển khai trên toàn quốc, đi kèm là các bộ tiêu chí được xây dựng rất cẩn thận thông qua các hội thảo phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, ngành có liên quan.

Sau khi bộ tiêu chí được ban hành, chủ trương Hội khuyến học Việt Nam là thực hiện số hóa tất cả tiêu chí theo chương trình của Chính phủ, thay vì thực hiện theo cách cũ là tập hợp hồ sơ sau đó cộng tay. Hội đã triển khai việc thực hành trên máy tính để nạp các thông tin về mô hình Công dân học tập; phân tích thông tin, đánh giá và tổng hợp, cho ra kết quả đạt hay không đạt.

Chúng tôi cũng làm tập huấn rất kỹ về bộ tiêu chí này, bằng phương pháp như "cầm tay chỉ việc". Bên cạnh đó, Hội xây dựng kế hoạch đi kiểm tra thật kỹ. Bắt đầu từ năm 2023 đã có các đoàn đi kiểm tra các địa phương.

Đến cuối năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam dự kiến sơ kết 1 năm thực hiện mô hình Công dân học tập để kịp thời rút kinh nghiệm, chỉnh sửa, để các địa phương tiếp tục thực hiện đến năm 2025.

Đến quý 1 năm 2026, các địa phương phải tổng kết xong; quý 2 năm 2026 phải gửi báo cáo về Trung ương. Đến quý 3 năm 2026 sẽ chuẩn bị đại hội biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc và đại hội Hội Khuyến học Việt Nam. Chúng tôi triển khai một quy trình rất chặt chẽ và phân ra nhiều bước như thế.

Ngoài ra, trong Kết luận 49 cũng ghi rất rõ, việc phát triển công tác khuyến học và nâng cao chất lượng khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Triển khai Kết luận 49 cùng các Quyết định 387 và Quyết định 677, Hội Khuyến học Việt Nam liên kết rất chặt chẽ với các địa phương, có văn bản tham mưu đến các tổ chức Đảng và chính quyền các tỉnh để họ đưa ra chỉ thị. Tất cả phải trở thành một khối thống nhất thì mới có thể triển khai được chương trình Công dân học tập.

Xin cảm ơn bà!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm