Không bắt buộc thi, thí sinh thoát cảnh "có tất cả nhưng thiếu tiếng Anh"?

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều người thấy "uổng" khi từ năm 2025, tiếng Anh không còn là môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT. Học sinh có thể thoát cảnh "có tất cả nhưng thiếu Anh" nhưng đi cùng đó không ít băn khoăn...

Bỏ môn ngoại ngữ, học sinh có thoát cảnh "có tất cả nhưng thiếu tiếng Anh"?

Tiếng Anh là nỗi ám ảnh của nhiều thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhìn điểm tiếng Anh hàng năm trong kỳ thi này, nhiều học sinh không khỏi khóc ròng "có tất cả nhưng thiếu... tiếng Anh". 

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của cả nước năm 2023 cho thấy, đây là môn có điểm trung bình thấp nhất với 5,45; điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm. 

Không bắt buộc thi, thí sinh thoát cảnh có tất cả nhưng thiếu tiếng Anh? - 1

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2023 (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Số thí sinh có điểm <= 1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).

Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, TPHCM dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh với 6,756 điểm. Sau TPHCM là Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu với mức điểm trung bình lần lượt 6,72, 6,19 và 6,19.

Ở top cuối, Hà Giang có điểm trung bình thấp nhất là 3,38, tiếp đó là các địa phương như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn, Đắk Nông, Lai Châu, Hòa Bình... 

Cô Nguyễn Thu Linh, giáo viên tại TPHCM cho rằng, với phương án thi tốt nghiệp 2+2, về mặt tích cực là giúp việc thi cử trở nên nhẹ nhàng hơn. Học trò có thể ngày càng chủ động trong việc học để hiểu, học để biết, không còn áp lực học chỉ để đáp ứng mục tiêu thi cử.

Với môn tiếng Anh cũng vậy, thay vì học để thi, các em sẽ tập trung vào việc phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, học để sử dụng, để giao tiếp, để làm việc. 

Tuy nhiên, cô Linh cũng thẳng thắn cho rằng về lý thuyết là vậy. Còn thực tế, cách dạy, cách học của thầy trò lâu nay của chúng ta vẫn chạy trên đường ray học để thi, thi thế nào học thế này... Thậm chí, không thi thì không học.

Việc dạy học của chúng ta đến từ động lực bên ngoài chứ không xuất phát từ bên trong. Lo ngại kỳ thi tốt nghiệp không còn "trói buộc" môn ngoại ngữ cũng có thể làm giảm đi động cơ, động lực học tập của học sinh, theo cô Linh không phải là không có cơ sở. 

Cô Nguyễn Thu Linh bày tỏ, học sinh học tiếng Anh không phải vì mục tiêu thi tốt nghiệp THPT. Quan trọng hơn kỳ thi này, nhiều em học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế, lấy các chứng chỉ quốc tế, nộp hồ sơ du học. Nhưng điều này chỉ mới tập trung ở nhóm học sinh thành thị, gia đình có điều kiện. 

Không bắt buộc thi, thí sinh thoát cảnh có tất cả nhưng thiếu tiếng Anh? - 2

Học sinh ở TPHCM trong chương trình học tiếng Anh tích hợp (Ảnh: Khánh Bình).

"Còn ở bình diện quốc gia, việc học ngoại ngữ cần phải xét trên diện rộng, chạm đến được học sinh ở các vùng miền. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay vẫn là cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của số đông học sinh, năng lực ngoại ngữ của các địa phương", cô Linh bày tỏ quan điểm. 

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 29/11 vừa qua, tiếng Anh sẽ là môn thi tự chọn.

Việc này tạo cơ sở để việc tiếng Anh đi vào thực chất hơn hay lo ngại tình trạng học trò bỏ bê ngoại ngữ, theo một chuyên gia giáo dục ở TPHCM, có thật sự hết khóc "có tất cả nhưng thiếu Anh" hay không cần chờ thời gian trả lời. 

"Tiếng Anh đã lẹt đẹt mà còn không thi thì chết dở"

Có hai con đang học phổ thông, chị Nguyễn Ngọc Hiền, ở Nghệ An cho hay chị lo lắng khi ngoại ngữ, mà phổ biến nhất là môn tiếng Anh không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Cho dù ở quê, không có nhiều điều kiện để học ngoại ngữ nhưng từ lâu chị đã xác định văn, toán, tiếng Anh là 3 môn thiết yếu, bắt buộc trong các kỳ thi quan trọng.

Không bắt buộc thi, thí sinh thoát cảnh có tất cả nhưng thiếu tiếng Anh? - 3

Thí sinh THPT trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).

Theo chị Hiền, các cháu ở quê như con chị, không có nhiều điều kiện cũng như động lực để học tiếng Anh như học sinh ở thành phố. Hai cô con gái của chị không thiết tha với học tiếng Anh nhưng lâu nay hiểu rằng đó là môn bắt buộc trong các kỳ thi nên vẫn dành một sự ưu tiên nhất định. 

Khi tiếng Anh không còn là môn bắt buộc, theo chị Hiền, các cháu sẽ "bỏ" ngoại ngữ, chọn môn khác theo thế mạnh hoặc khối thi của mình.

Người mẹ lo lắng, "bỏ" ở đây không chỉ dừng lại ở việc không chọn môn thi mà còn là: "Học tiếng Anh đã lẹt đẹt mà còn không thi thì chết dở. Con tôi không thi là không học!".

Không lo con không học tiếng Anh dù thi tốt nghiệp hay không nhưng chị Trần  Minh Thương, ở quận 3, TPHCM cũng thấy "quá uổng" khi kỳ thi quy mô quốc gia lại bỏ đi cơ hội để đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh. 

Chị Thương cho biết, các con chị học tiếng Anh từ bé, việc học không bắt nguồn từ mục đích thi tốt nghiệp THPT. Gia đình chị xác định rõ, ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc, phải được ưu tiên trong nền tảng phát triển con đường học hành.

Con gái đầu của chị học lớp 10 theo chương trình mới. Trước khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là 2+2 (hai môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) được chốt, cháu đã rất lăn tăn trong việc chọn môn thi.

Sở trường của cháu là môn lý và hóa nhưng cháu băn khoăn vì cháu rất thích tiếng Anh, xác định đây là môn học quan trọng, thiết yếu.

Về mong muốn, cháu muốn chọn một môn sở trường và tiếng Anh nhưng điều này lại không đáp ứng tốt nhất cho cháu trong mục tiêu xét vào đại học. Bởi vậy, nhiều khả năng, cháu sẽ phải bỏ chọn môn tiếng Anh trong tiếc nuối. 

"Với tôi, 3 môn toán, văn, ngoại ngữ nên là môn thi bắt buộc, còn 2 môn khác tự chọn để đảm bảo cho việc học và thi môn ngoại ngữ", chị Thương bày tỏ quan điểm. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, TPHCM - nêu, phương án tiếng Anh là một trong những môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là hợp lý.

Tiếng Anh không chỉ là môn học, tiếng Anh là ngôn ngữ và là công cụ để học sinh học tập, mở rộng nâng cao kiến thức, của cả những bộ môn khác và những lĩnh vực văn hóa, khoa học khác. Ngay trong những chủ đề, đơn vị bài học, học sinh sẽ có kỹ năng tiếng Anh đồng thời được mở rộng kiến thức trong nhiều lĩnh vực.

"Tiếng Anh không là môn thi bắt buộc thì vẫn là bộ môn rất quan trọng và cần thiết với học sinh", cô Thủy bày tỏ.

Nữ hiệu trưởng cho rằng, trong xu thế thời đại, tiếng Anh và tin học có giá trị bổ trợ rất lớn. Các đề án nâng cao năng lực tiếng Anh, tin học sẽ vẫn nguyên giá trị. Nếu có định hướng tốt, gia đình và học sinh sẽ biết cách đầu tư cho những chương trình theo chuẩn quốc tế một cách thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu, khả năng và điều kiện.