Khổ vì “văn bằng”, “chứng chỉ”

(Dân trí) - Chuẩn bị đầy đủ mọi giấy tờ cần thiết, Nguyễn Thu Hà - cựu sinh viên khoa Ngữ văn - ĐH Sư phạm Hà Nội yên tâm tới một nhà xuất bản có tiếng nộp hồ sơ. Với kinh nghiệm hai năm làm công tác biên tập, Hà đinh ninh mình sẽ có cơ hội cao. Nhưng đến nơi nộp hồ sơ thì Hà hoàn toàn thất vọng.

Cách đây không lâu, khi Đài Truyền hình Việt Nam tuyển Biên tập viên, Hà đã hăng hái đi nộp hồ sơ nhưng không ngờ, hồ sơ của cô chưa ai nhìn đã chối đây đẩy chỉ vì “Không có chứng chỉ tiếng Anh nộp làm gì”. Câu chuyện tiếp tục lặp lại một lần nữa ở nhà xuất bản này.

 

Hà chỉ còn biết than thở: “Mình dịch tốt, biên tập cũng không có vấn đề gì vậy mà chỉ thiếu chứng chỉ lại đâm khốn đốn. Không hiểu họ cần cái “thẻ” vô nghĩa ấy làm gì. Mua mất 300.000 thôi mà”.

 

Không chỉ Hà mà có khá nhiều bạn trẻ không thể vào cửa các công ty, cơ quan lớn vì thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mặc dù trình độ của các bạn còn hơn xa những người có “thẻ”.

 

Cùng chung nỗi bức xúc với Hà, Lê Đình - cựu sinh viên ĐH Thương mại cũng kể rằng, có lần cậu xin làm PR ở một công ty chứng khoán của Hà Nội, sau khi phỏng vấn xong xuôi, người tuyển dụng chợt hỏi cậu về chứng chỉ PR. Cậu ngớ người vì cứ nghĩ rằng làm PR kinh nghiệm là chính chứ chứng chỉ chả có ý nghĩa gì. Kết quả là cậu rớt dài.

 

Đỗ Thùy Linh và Đỗ Thu Trang học khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội thì lại có nỗi khổ khác. Linh học ra trường cách đây hơn 1 năm, chạy khắp nơi ở Hà Nội mà không có cơ quan nào tuyển dụng tiếng Anh. Cực chẳng đã, cô chuyển sang làm nhân viên trực điện thoại tổng đài ở một công ty viễn thông lớn.

 

Hơn một năm nay, Linh đã buộc phải thi và học văn bằng 2 tiếng Anh ở trường. Không những thế cô còn “cố” học để lấy được cái chứng chỉ kế toán để sau khi ra trường có nhiều cơ hội hơn.

 

Thu Trang cũng là dân khoa Nga. Trang học lớp chất lượng cao, năm nào cũng được nhận học bổng. Nhưng ngay sau khi vừa ra trường, biết khó lòng xin được việc liên quan đến thứ tiếng mình đã được học bao nhiêu năm nay, cô lại lích kích đi học tiếp văn bằng tiếng Anh. Hiện Trang vẫn vừa làm bán thời gian cho một công ty xuất nhập khẩu vừa tu luyện tiếng Anh.

 

Khổ nỗi những người học ngoại ngữ lâu ngày không dùng thì vốn liếng cũng sẽ bị mai một, bốn năm đại học trở thành con số 0.

 

Hồ Vân Dung (Khoa Pháp, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) than thở: “Đi học nghĩ về tương lai, công việc nhiều khi cũng buồn. Hầu hết bạn bè trong lớp mình đều phải học thêm tiếng Anh hoặc tiếng Trung để sau này ra trường dễ kiếm việc. Chứ những người học các môn không được dùng nhiều vất vưởng lắm”.

 

Gần đây đã có khá nhiều trung tâm thi “bán” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã bị phanh phui. Tuy nhiên, những hạt sạn vẫn còn tồn tại rất nhiều. Hơn nữa, nhiều công ty, doanh nghiệp tuy miệng nói rằng bằng cấp không phải là yếu tố quyết định nhưng trong yêu cầu tuyển dụng bao giờ cũng là những đòi hỏi ngất ngưởng: Tốt nghiệp ĐH loại khá, giỏi, giao tiếp, dịch và viết tốt tiếng Anh, thành thạo vi tính…

 

Chính những áp lực từ “đầu ra” mà không ít các bạn trẻ đã cố sống cố chết kiếm được những tấm văn bằng, chứng chỉ “vừa ý” nhà tuyển dụng. Trong khi đó, nhiều văn bằng, chứng chỉ thực ra chỉ là thứ giấy tờ lộn xộn, không thể nào chứng minh được thực lực của bản thân.

 

Nguyễn Thu Hà sau bao lần thất bại ở những cơ quan lớn đành ngậm ngùi: “Mình chịu thua họ rồi. Phen này chỉ có cách kiếm cái chứng chỉ cho nó đầu xuôi đuôi lọt thôi”.

 

H.P

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm