Khi phụ huynh “khoán trắng” việc dạy con cho nhà trường
(Dân trí)- Đã hơn 6 giờ chiều, tại một trường tiểu học, vẫn còn 4-5 HS đang chờ bố mẹ đến đón. Cùng đó, một giáo viên đang ngồi đọc báo trước phòng bảo vệ canh chừng HS. Chỉ khi nào trò về hết, cô mới kết thúc ngày làm việc của mình để về nhà với con.
Trẻ về hết mới đến lượt thầy cô cũng là tình cảnh chung mà giáo viên (GV) các trường mầm non, tiểu học gặp phải. Khi học sinh (HS) chưa có phụ huynh (PH) đến đón thì GV của trường buộc phải thay nhau ở lại để trông chừng các em nên lịch làm việc, sinh hoạt của GV cũng bị động theo PH.
Nếu gọi điện thoại giục giã, may mắn PH bốc máy thì sẽ là tiếng năn nỉ: “Cô trông giùm chút, tôi đến ngay”, mà có khi cái đến ngay đó là cả tiếng đồng hồ sau. Còn với những PH “nhờn thuốc” chẳng dại gì mà nghe máy, khi nào xong việc thì họ đến vì đã tin chắc có người trông con mình. Thế nên, mang tiếng giờ làm việc hành chính nhưng không ít GV đến 7 - 8 giờ tối mới có thể ra về trong khi họ cũng còn hàng núi việc nhà chờ mình với bao lo toan như tất cả những PH khác.
Một GV mầm non ở Q.3, TPHCM kể, khi có việc riêng, nhiều PH đưa con đến trường trước giờ nhận trẻ hàng tiềng đồng hồ như thể cô giáo phải có trách nhiệm trông con mình mà không quan tâm giờ đó các cô còn phải thu dọn, chuẩn bị cho ngày học mới.
“Từng có PH khi gửi con còn xách theo một bịch quần dơ của trẻ để nhờ cô... giặt giùm vì ở nhà hết đồ sạch, họ chuẩn bị không kịp. Lúc đó, GV vẫn phải giặt để trẻ có đồ mặc nhưng thật sự không hiểu PH coi mình là GV hay là người giúp việc của họ”, GV này bức xúc.
Bà Võ Thị Xuân Liên, hiệu trưởng Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TPHCM), chia sẻ trong những năm gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả việc tổ chức đổi mới bữa ăn, trẻ rất hứng thú với những bữa ăn ở trường. Về nhà trẻ không chịu ăn, có PH còn hồn nhiên lên gặp GV nhờ… nấu luôn bữa chiều tối cho con mình. “Tất nhiên là chúng tôi từ chối và cũng lưu ý PH việc để trẻ cùng ăn uống với các thành viên trong gia đình rất quan trọng đối với sự phát triển các em mà nhà trường không thể thay thế được. Vì thế PH cần phải đầu tư cách chế biến đồ ăn, tạo hứng thú cho con ăn uống... theo cách của riêng mình”.
Cô Phan Thúy Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp, TPHCM), cho biết GV mang tiếng làm việc giờ hành chính thực ra công việc của họ “dôi” ra rất nhiều so với quy định. Ngoài công việc chuyên môn, GV đang phải ôm đồm rất nhiều việc khi mà không ít PH… gửi cho đến trường thì cho rằng tất cả việc chăm sóc và dạy con thuộc về nhà trường.
Mời PH cùng dạy con
Cô Huỳnh Thị Thanh, GV tâm lý Trường Tân Thới Hòa (Q. Tân Phú, TPHCM) cho hay, trong quá trình tư vấn học đường, cô gặp rất nhiều trường hợp các em HS gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc học, tâm lý. Không ít ca cần phải có sự phối hợp của gia đình mới có thể giúp các em nhưng khi liên hệ thì PH… từ chối tham gia cùng gỡ rối cho con họ vì bận việc, hoặc có PH hẹn lần này đến lần khác nhưng không đến.
“Có PH tỉnh bơ đến mức nói rằng cô giúp cháu nó đi chứ tôi là bó tay, không làm được gì rồi. Cô muốn xử lý thế nào, cô cứ làm, không cần phải hỏi ý kiến gia đình vì gia đình không thể giúp được gì. Họ cho rằng đó là việc của nhà trường, không liên quan gì đến mình nên nói thật đôi lúc mình cũng ngại… tìm đến PH để cùng hợp sức giúp con họ. Mà một mình GV tự bơi thì cực kỳ khó khăn”.
Trao đổi về vấn đề này, TS Đinh Phương Duy, phó hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM, cho rằng thực hiện tế hiện nay, ngành giáo dục, mà cụ thể là nhà trường, đang phải ôm hết mọi việc, ngoài cả phạm vi dạy và học”. Điều vô lý nhất là có việc nhà trường còn phải mời PH cùng hợp sức để dạy dỗ con của họ vì họ phó mặc toàn bộ việc chăm sóc và con cho nhà trường. Trong khi, nhiệm vụ chính ở trường học là dạy kiến thức, cách sống… còn môi trường gia đình mới là nơi tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của con trẻ.
Tình trạng GV phải ôm đồm quá nhiều việc “bên lề”, dẫn đến quá tải trong công việc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chuyên môn. Cùng với điều kiện sống còn khó khăn GV là một trong những đối tượng dễ bị căng thẳng, mệt mỏi và đó cũng là nguyên nhân họ dễ bị sai sót trong công tác.
Điều buồn hơn, trút hết trách nhiệm dạy con về học hành, ăn ở, lối sống, tâm lý… cho GV nhưng khi con mình có chuyện gì thì PH lại hùng hổ đổ lỗi cho GV mà ít ai nhìn lại trách nhiệm của mình đối với con đến đâu.
Hoài Nam