Khi học trò nhởn nhơ trước nạn bạo lực học đường

(Dân trí) - Điều nguy hiểm của nạn bạo lực học đường không chỉ là việc học trò lao vào đánh nhau mà đáng sợ hơn là thái độ nhởn nhơ trước vấn đề này, xem đó là chuyện… bình thường.

Cười duyên, cổ vũ… bạn đánh nhau

Hàng loạt clip học trò đánh nhau tung lên mạng trong thời gian qua giúp "vỡ lẽ" phần nào thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra hiện nay. Qua các clip, không chỉ thấy hành vi ra đòn, đánh nhau của học trò mà còn lộ ra một thực tế nhức nhối và đáng ngại đó là thái độ nhởn nhơ, vô cảm của những học trò khác.

Quanh các vụ đánh nhau, hỗn chiến tuổi học đường, không thiếu những cô cậu học trò trong "tà áo trắng tinh khôi" đứng xung quanh hét hò, cổ vũ. Nhiều học trò còn tranh thủ làm duyên, tạo dáng khi những chiếc điện thoại chĩa vào để chụp, quay lại hiện trường.

Đằng sau cảnh tượng học trò đánh nhau là thái độ vô cảm đáng sợ (Ảnh minh họa)
Đằng sau cảnh tượng học trò đánh nhau là thái độ vô cảm đáng sợ (Ảnh minh họa)

Y như các em đang dự một lễ hội hay tham gia một hoạt động ngoại khóa vui chơi, giải trí nào đó chứ không phải đứng trước tình cảnh bạn bè mình đánh nhau.

Các em tưởng rằng mình đang đứng ngoài bạo lực nhưng thật ra đang hòa mình, đang đồng thuận và đang hả hê với bạo lực!

Có thể nói hiện nay, bạo lực học đường là biểu hiện sự tụt dốc của đạo đức, của lòng nhân ái. Nhưng thái độ vô cảm đến mức nhởn nhơ, cổ vũ bạo lực mới là sự tút dốc về nhân cách đáng sợ nhất. Thái độ đó chính là mầm mống nuôi dưỡng của bạo lực.

Theo một khảo sát của ThS Đinh Anh Tuấn (ĐH Quy Nhơn) với gần 500 học sinh (HS) bậc THCS và THPT cho thấy, khi chứng kiến bạo lực học đường chỉ khoảng 17,8% số HS chọn cách can ngăn. Còn cách hành xử an toàn nhất là bỏ đi nơi khác (gần 31%), các hành vi thờ ơ như đứng xem chiếm khoảng 22,6%, tiếp đó là đứng để quay phim, chụp ảnh và cả hô hào, cỗ vũ…

Theo ông Tuấn, điều đáng ngại không chỉ biểu hiện ở những em tham gia đánh nhau mà còn ở chỗ nhiều em cho rằng bạo lực ở trường là… bình thường! Các em gần như chấp nhận điều đó, cho đó là điều hiển nhiên nên có thái độ rất dửng dưng.

Giải pháp: tiếp tục cảnh báo!

Không phải chờ đến bây giờ, cách đây từ lâu, khoảng 10 năm nay, vấn nạn bạo lực học đường lúc bắt đầu manh nha đã được nhắc đến với những cảnh báo đáng ngại. Thế nhưng, năm này qua năm khác, các giải pháp vẫn chỉ được đề cập chung chung chứ chưa có tính hệ thống để có thể áp dụng vào các cơ sở giáo dục.

Việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh đang bị việc nhồi nhét kiến thức lấn át
Việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh đang bị việc nhồi nhét kiến thức lấn át.

Sự dửng dưng, thờ ơ của các em HS trước nạn bạo lực học đường âu cũng chỉ là biểu hiện của sự bàng quan của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Điều được “các bên” chú trọng nhiều nhất là chia phần “nguyên nhân” cho nhau, trong khi mỗi bên chưa thật sự làm hết vai trò của mình. Bạo lực học đường - biểu hiển đạo đức đáng ngại của học trò - lại đang ở trong thế “cha chung không ai khóc”.

“Tiên học lễ, hậu học văn” khẩu hiệu giăng khắp các trường học nhưng thực tế việc học làm người, đạo đức, lễ nghi cho trẻ đang bị xem nhẹ. Mọi mục tiêu, hiệu quả giáo dục vẫn tập trung cho việc nhồi nhét kiến thức, cho thi cử.

Thầy Nguyễn San Hà (giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản, TPHCM) cho rằng việc học với cường độ cao vượt quá giới hạn cho phép trở nên ép buộc đối với HS. Thời gian học tập quá nhiều dẫn đến việc các không còn thời gian để vui chơi, giả trí lành mạnh hay gắn kết trong những hoạt động tập thể, cộng đồng…

Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” do Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPTHCM tổ chức vào cuối năm 2014, hàng loạt các đại biểu tiếp tục lên tiền phàn nàn về việc giáo dục phổ thông nặng kiến thức, quên dạy làm người.

Có đại biểu phải nói rằng, cho dù ngành có nhiều chỉ đạo sẽ chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức nhưng… dường như chỉ nằm ở những lời phát biểu, thiếu những hành động quyết liệt. Không có những chủ trương, chính sách thật sự đầu tư cho vấn đề giáo dục đạo đức khi các nguồn lực giáo dục còn dốc hết cho thay đổi chương trình, đổi mới thi cử.

Năm này qua năm khác, phía trường học thay vì có những giải pháp mang tính giáo dục bền vững, vẫn chỉ quanh quẩn chờ bạo lực xảy ra thì xử lý luật đến mức HS đã “nhờn thuốc”. Nhà trường bận bịu với nhiều vấn đề được xem là cần kíp như thành tích học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh đỗ vào trường này trường nọ, kết quả thi đua...

Phương án đối với vấn nạn bạo lực học đường hiện nay dường như vẫn chỉ là: tiếp tục cảnh báo! Và đây chẳng khác nào đang nuôi dưỡng sự vô cảm trong giới trẻ - dường như các em sẽ ngày càng quen, càng tỉnh bơ và thích thú với bạo lực.

Hoài Nam
 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!