Đạo đức một bộ phận học sinh xuống cấp: Có nên đổ lỗi cho xã hội?

(Dân trí) - “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, đó là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta trong việc nuôi dạy con cái từ bao đời nay. Thế nhưng, trong một xã hội đang đổi mới từng ngày về mọi mặt, kinh nghiệm đó cần phải xem xét lại khi xét đến tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh phổ thông hiện nay.

Trong những năm trở lại đây, bên ngoài trường học xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng như: học sinh đánh lộn, cư xử thiếu văn hóa, sử dụng các chất gây nghiện… Trong trường học, hiện tượng học sinh coi thường nội quy nhà trường, hỗn láo với thầy cô, có phản ứng tiêu cực trước sự nhắc nhở của nhà trường… diễn ra ngày càng phổ biến.

Tuy đây không phải là hiện tượng mới, nhưng có chiều hướng gia tăng ngày càng nhanh trong một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông hiện nay. Nó đòi hỏi cả xã hội phải nhìn nhận và có hành động cụ thể để khắc phục tình trạng này.  

Nhìn nhận một cách khách quan thì quá trình hình thành nhân cách của học sinh chịu tác động từ 3 môi trường chính, đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân cho sự suy thoái đạo đức ngày càng trầm trọng trong giới học sinh phổ thông hiện nay?

Lý giải cho tình trạng này, phần lớn dư luận hiện nay đổ lỗi cho “xã hội”. Người ta lập luận rằng, do sự mở cửa của kinh tế thị trường đã làm nảy sinh những tệ nạn, tiêu cực và nó tỉ lệ thuận với sự suy thoái đạo đức xã hội hiện nay. Vì vậy học sinh, sinh viên nói chung và học sinh phổ thông nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Thế nhưng, xã hội ở đây là gì?

Xã hội của trẻ chính là gia đình, là nhà trường, là bạn bè

Xã hội của trẻ chính là gia đình, là nhà trường, là bạn bè xung quanh các em. Các em hành xử như thế nào tuyệt nhiên không ngoài sự bắt chước những gì mà các em quan sát được. Các em học theo chính từ cách hành xử của những người xung quanh tiếp xúc chủ yếu hàng ngày với các em. Đó là người thân, là thầy cô giáo, là bạn bè của các em.

Việc người lớn cứ loay hoay đi tìm câu trả lời cho tình trạng bạo lực học đường mà quên mất hay cố tình quên mất họ cũng chính là chủ thể trong mối quan hệ với trẻ nhỏ.

Hàng ngày trẻ tiếp xúc nhiều nhất với bố mẹ, với thầy, cô giáo và với bạn bè. Trong khi đó, thầy cô ngày nay cũng có sự thay đổi rất nhiều so với trước đây. Giờ đây những đoạn ghi âm, ghi hình cảnh giáo viên thẳng tay đánh đuổi học sinh, lạm dụng học sinh, mắng chửi học sinh… phổ biến trên mạng xã hội như hiện nay.

Bên cạnh thầy cô giáo, bố mẹ chính là nhân tố giữ vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của các em. Hiển nhiên gia đình chính là nơi các em lớn lên, tình yêu thương của bố mẹ đối với con cái chính là yếu tố quyết định quá trình hình thành tâm hồn và nhân cách của trẻ. Nhưng cách thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của mỗi gia đình là không giống nhau. Nó tùy thuộc vào trình độ và nhận thức của mỗi gia đình, tính kiên nhẫn và cầu thị của mỗi ông bố, bà mẹ đối với con cái của mình.

Chắc hẳn ai cũng thấy được hoàn cảnh của những cô bé, cậu bé mặc đồng phục học sinh mà hành xử như giang hồ trong những câu chuyện đáng buồn gần đây, hầu hết chúng đều thiếu sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là bố mẹ. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các ông bố bà mẹ phải đi làm ăn xa mong sao cho con cái có điều kiện ăn học tốt hơn mà vô tình quên mất việc quan tâm đến tâm lý của trẻ thì có thể thông cảm. Nhưng ngay cả đối với những gia đình có điều kiện hơn, có điều kiện gần gũi con cái hơn, họ vẫn buông lỏng sự quản lý, giáo dục con cái mình.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp con cái vi phạm nội quy nhà trường, được mời đến làm việc lại tỏ ra không hợp tác, tìm mọi cách bênh vực con cái mình, khiến nhà trường rơi vào thế bị động và bế tắc trong việc hợp tác với gia đình để giáo dục trẻ. Cần phải nhìn nhận nghiêm túc rằng việc nuông chiều con cái mù quáng, thiếu định hướng và khuôn khổ là cực kỳ nguy hiểm đối với sự hình thành nhân cách của học sinh trong độ tuổi phổ thông.

Sự cẩu thả trong cách ứng xử với con cái của những bậc làm cha làm mẹ này đã khiến cho con em họ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Để rồi những cô bé, cậu bé ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới lại có những hành động, những cách cư xử lệch lạc, thiếu ý thức, thiếu văn hóa, thiếu nhân tính như những sự việc gần đây.

Chung quy lại, những đứa trẻ cũng chỉ là nạn nhân của môi trường mà các em lớn lên. Chính sự ích kỷ, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu tình thương của người lớn đối với trẻ chính là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc của trẻ.

Mong rằng người lớn sớm nhận thức được sai lầm và sửa chữa chính mình, chứ đừng đổ lỗi cho trẻ, đừng đối phó với những triệu chứng mà quên đi căn nguyên thật sự của hiện tượng giới trẻ xuống cấp về đạo đức này.
 
Nguyễn Hoàng
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm