"Khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt

Mỹ Hà Quang Trường

(Dân trí) - Các doanh nghiệp trong nước đã cạnh tranh với nhau khốc liệt về nguồn nhân lực, chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng dùng mọi cách để "câu" các nhân sự tốt từ các doanh nghiệp trong nước.

Trên đây là nhận xét của nhiều doanh nghiệp về thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay khi trao đổi với Dân trí. 

 "Khát" nhân lực chất lượng cao

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Vũ Quang Huy, phụ trách đào tạo kỹ thuật của Motor MG cho biết, nhìn chung khối ngành kỹ thuật đều "khát" nhân lực chất lượng cao.

Trong khối ngành kỹ thuật, có thể chia ra khối kỹ thuật nặng nhọc và khối thương mại, designer, chuỗi cung ứng và logistics…

Ở cả hai khối này đều cần nhân lực chất lượng cao nhưng riêng khối kỹ thuật nặng nhọc sẽ khó tuyển lao động hơn bởi xu hướng nguồn lao động đều hướng đến các ngành dịch vụ, bán hàng, chăm sóc khách hàng vì việc nhẹ lương cao.

Khát nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt - 1

Ông Huy (áo đen) cho biết, nhìn chung khối ngành kỹ thuật đều "khát" nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Q.H).

Ông Nguyễn Thành Lưu, Trưởng Ban Marketing & Truyền thông - Tập đoàn Công nghệ CMC cho PV Dân trí biết, các tập đoàn công nghệ trong nước hiện rất thiếu nhân lực chất lượng cao.

Ở tập đoàn này, mỗi tháng tuyển dụng khoảng vài trăm nhân sự là bình thường nhưng việc tuyển dụng không hề dễ.

"Bản thân các doanh nghiệp trong nước đã cạnh tranh với nhau khốc liệt về nguồn nhân lực, chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng dùng mọi cách để "câu" các nhân sự tốt từ các doanh nghiệp trong nước.

Điều này có ưu điểm tạo ra nhu cầu rất lớn cho nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo công ăn việc làm cho lao động, thu nhập tốt hơn nhưng ngược lại, nó gây áp lực ngược cho các doanh nghiệp đổ xô đi "săn đầu người".

Đặc biệt tình trạng các bạn trẻ nhảy việc sau khi được doanh nghiệp đào tạo khiến không ít doanh nghiệp lao đao và tạo nên cơn sốt ảo về nguồn nhân lực", ông Lưu nói.

TS. Hoàng Xuân Hiệp - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho hay, giai đoạn từ nay đến 2030, khoảng 850 nghìn lao động, bao gồm cả lao động mới phát sinh và lao động đang làm việc trong ngành dệt may cần đào tạo chuyển đổi.

Khát nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt - 2

Các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau khốc liệt về nguồn nhân lực, chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài (Ảnh: Đ.N).

Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến 2030, nhu cầu đào tạo cho nguồn nhân lực trong ngành này rất lớn. Cũng theo chuyên gia này, hiện nay ngành dệt may Việt Nam có khoảng 84% là nhân lực có trình độ THPT, 12% nhân lực có trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên.

Như vậy, so với mức bình quân của cả nước, rõ ràng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong ngành này còn thấp.

Trong giai đoạn tới, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tập trung đào tạo nhân lực là một trong những hạng mục ưu tiên nếu ngành này muốn gia tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Nhật Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhật Thành cũng nói rằng, đơn vị này có nhu cầu khá lớn về số cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề trong những lĩnh vực chuyên biệt như hóa sinh, nông nghiệp.

"Trước dịch Covid-19, để phát triển một thương hiệu sơn, chúng tôi đăng tuyển nhiều vị trí kinh doanh và sản xuất nhưng số người lao động có tay nghề vốn không nhiều, lại đều đang làm việc cho các doanh nghiệp khác nên rất khó kiếm nhân tài.

Đại dịch diễn ra khiến nhiều người ở các công ty khác nghỉ việc do bị nợ lương. Chớp thời cơ này, chúng tôi mời lao động đó về, trả 75% lương ngay trong thời gian giãn cách xã hội, đến khi công ty hoạt động bình thường thì trả đủ 100%. Nhờ vậy, tập đoàn đã thu hút được nhiều lao động có tay nghề", ông Linh nói.

Khát nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt - 3

Yêu cầu về nguồn năng lực cũng đang dần thay đổi theo xu hướng mới (Ảnh: Đ.N).

Thay đổi kỹ năng trong tình hình mới

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành mới, tác động đến cung cầu lao động và sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động tại Việt Nam.

Trong khi một số ngành bị tác động tiêu cực như năng lượng, chế tạo, dệt may, điện tử,… thì nhiều ngành khác lại có những tác động tích cực, có thêm cơ hội để phát triển như du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng,…

Những yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới cũng có nhiều thay đổi, nếu như tiêu chuẩn thường được đưa ra trước đây với người lao động như người tốt, trung thành, chăm chỉ, có trách nhiệm,… đã và đang có xu hướng chuyển thành có tính linh hoạt cao, có tính sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề và có khả năng làm việc với nhiều người,…

Ông Hoàng Xuân Hiệp cho hay, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành dệt may trước và sau Covid-19 có sự thay đổi tương đối lớn.

Dịch Covid-19 tạo ra hai điểm: Một là các doanh nghiệp và đối tác, khách hàng hạn chế tiếp xúc, như vậy phải thúc đẩy công nghệ số phát triển; hai là, tác động của Covid-19 khiến giá thành sản phẩm giảm xuống, vì vậy tất cả đối tác đề nghị giảm chi phí sản xuất.

Từ đó, công tác đào tạo nhân lực cho ngành dệt may phải đảm bảo hai việc: Một là, nhân lực có thể làm việc trong môi trường số; hai là, nhân lực có thể đảm nhiệm được những khâu khó như phát triển mẫu. Đây là những sự thay đổi về chất lượng đào tạo nhân lực mà ngành dệt may và các trường đào tạo cần hướng tới.

Với lý do đó, ông Hiệp đưa ra đề xuất, về chính sách của Nhà nước, chúng ta nên tạo dựng ở khu vực nông thôn những hạng mục, danh mục đầu tư giúp thu hút lao động khu vực nông thôn.

Thứ hai là, Nhà nước nên hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia vào quá trình đào tạo thích ứng với công việc mà do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chẳng hạn người lao động muốn làm việc được ở các doanh nghiệp dệt may, họ phải qua quá trình đào tạo có thể mất 3 - 6 tháng tùy vị trí công việc, thậm chí người lao động nông thôn có trình độ Cao đẳng, Đại học khi muốn đảm nhiệm những vị trí có yêu cầu kỹ năng, năng lực cao như khâu thiết kế, chỉ đạo điều hành.

Thứ 3 là, Nhà nước nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thuế, doanh nghiệp được giảm thuế nếu tham gia vào quá trình đào tạo cho người lao động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 để làm việc cho các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Như vậy, chúng ta có thể thu hút nhân lực từ khâu tuyển dụng, đào tạo đến đưa họ vào doanh nghiệp để có việc làm bền vững.

Khát nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt - 4

Các đơn vị đào tạo vừa hàn lâm vừa pha trộn kỹ năng thực hành, nguồn lao động ra trường dễ dàng kiếm việc làm hơn (Ảnh: Đ.N).

Dưới góc nhìn này, ông Linh cũng đề xuất các cơ quan thực sự quan tâm đến việc đào tạo nghề cho người lao động trước khi đi làm tại các khu công nghiệp. Việc đào tạo đó ngoài trang bị cho người lao động trình độ, kỹ năng nghề, còn phải đảm bảo cho người lao động có những kiến thức, kỹ năng để đứng vững trước các biến động lớn như đại dịch Covid-19.

 Các trường nghề nên đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được phép tham gia vào quá trình đào tạo, chấm điểm kỹ năng nghề để chọn được những lao động ưng ý nhất.

Trước thực tế này, về phía các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng phải thay đổi phương thức đào tạo để nguồn nhân lực phụ hợp với thực tế hơn.

Ông Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng bộ môn Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Thủy Lợi cho rằng, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và có việc làm ngay sau khi ra trường, nhà trường không chỉ chú trọng truyền thụ lý thuyết hàn lâm như trước đây.

Thay vào đó, ngay từ năm nhất, sinh viên đã phải mặc đồng phục, phải thao tác thuần thục tháo lắp động cơ. Trong quá trình đào tạo, nhà trường mời các doanh nghiệp đến để cùng tham gia vào công tác đào tạo.

Có như vậy, học sinh vừa học vừa thực hành nên nhiều em chưa ra trường đã có lương.

Một giám đốc nhân sự cũng cho biết, nguồn lao động trẻ có lợi thế hơn trong việc tiếp thu rất nhanh nhạy với các công nghệ mới. Các chương trình học hiện nay đã mang tính ứng dụng và thực hành nhiều hơn, không còn nặng tính lý thuyết như trước đây.

Tuy nhiên, thách thức mà họ gặp là thị trường luôn thay đổi nhanh chóng và vì thế họ cần thêm những kỹ năng mới phù hợp với công việc, kỹ năng này thay đổi liên tục.

Tại trường Đại học, người học chỉ được trang bị kiến thức nền tảng chuyên môn, có những kỹ năng mà các bạn không thể học được mà phải tự bản thân rèn luyện và tích lũy, đơn cử như kỹ năng tự học hỏi; kỹ năng luôn hướng đến giải pháp; tư duy đổi mới sáng tạo, kỹ năng vận dụng công nghệ vào công việc,…

Về điều này ông Huy cho rằng, hiện một số trường đại học vẫn giảng dạy theo hướng hàn lâm, mang tính nghiên cứu nên các em đầu vào điểm cao nhưng đi làm thời gian đầu chưa đáp ứng được, các doanh nghiệp phải đào tạo thêm về kỹ năng.

Vì thế các trường đào tạo vừa hàn lâm vừa pha trộn kỹ năng thực hành, nguồn lao động ra trường dễ dàng kiếm việc làm hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Lưu cũng nhận xét, hiện nhiều trường đại học, cao đẳng đang nặng về đào tạo hàn lâm nhưng thiếu thực tế.

Do đó, doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các trường và các trường liên kết với doanh nghiệp để có các khóa trải nghiệm, triển khai các dự án giúp các em làm quen và học việc.

Xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp lớn thường liên kết, đặt hàng, mở các trường đào tạo nhân lực cho đơn vị mình. Đặc biệt, một số tập đoàn liên kết hẳn với một số khoa hoặc có trường ĐH mang tên doanh nghiệp để đào tạo nhân lực cho chính mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm