Khảo sát tại Sóc Trăng: Giáo dục công cấp THPT có chỉ số hài lòng thấp nhất
(Dân trí) - Khảo sát ở một số địa phương trong tỉnh Sóc Trăng về chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục công của tỉnh năm 2019, cho thấy cấp THPT có tỷ lệ hài lòng thấp nhất.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, vừa qua, Sở thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập bằng cách lấy ý kiến (qua phiếu khảo sát) của học sinh và phụ huynh tại một số trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú và huyện Trần Đề, với các nội dung (đối với 4 cấp học): tiếp cận dịch vụ, cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.
Kết quả cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục công của tỉnh năm 2019 tuy giảm hơn so với năm 2018 (96%) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao, trên 90% (đạt 94%).
Cụ thể, người dân hài lòng nhất đối với 2 tiêu chí về tiếp cận dịch vụ và kết quả giáo dục (cùng tỷ lệ 96%); tiêu chí hoạt động giáo dục 94%; tiêu chí môi trường giáo dục 91%. Riêng tiêu chí về cơ sở vật chất đạt thấp nhất là 86%.
Trong số 4 cấp học được khảo sát, thì cấp THCS đạt tỷ lệ hài lòng tuyệt đối 100%; cấp Tiểu học 96%; cấp Mầm non 95%; còn cấp THPT chỉ đạt 72%.
Bên cạnh việc đánh giá tỷ lệ hài lòng của người dân về chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục công của tỉnh năm 2019, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cũng ghi nhận thêm nhiều ý kiến góp ý bổ ích, thiết thực của phụ huynh học sinh ở một số cấp học và ý kiến của học sinh cấp THPT để cải thiện chất lượng giáo dục công lập.
Để cải thiện chỉ số hài lòng, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập cần tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá về việc cung cấp các dịch vụ giáo dục ở đơn vị; xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, trong đó chú trọng tăng cường liên hệ với cha mẹ học sinh trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; cung cấp thông tin của nhà trường đến cha mẹ học sinh và học sinh thường xuyên, nhanh chóng.
Cần xây dựng các quy định, quy trình quản lý, sử dụng, sửa chữa, bảo quản tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tham mưu với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; kết nối mạng Internet phục vụ cho công tác quản lý và dạy học; trồng thêm cây xanh bóng mát; tăng cường công tác vệ sinh, nhất là nhà vệ sinh an toàn, sạch sẽ.
Phối hợp với địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trong và ngoài nhà trường; có giải pháp giáo dục học sinh cá biệt và phòng chống bạo lực học đường.
Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp; chú ý đổi mới phương pháp dạy học; cần có biện pháp hữu hiệu trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phẩm chất của người học, nhất là những học sinh yếu kém.
Sở đề nghị các địa phương ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi trong quy hoạch phát triển, quy hoạch đô thị cho các trường học, đặc biệt là các trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học; sắp xếp đảm bảo đủ biên chế công chức, viên chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập theo đề án vị trí làm việc được phê duyệt.
Cao Xuân Lương