Kết thúc kỳ thi tuyển sinh: “Nóng” chuyện thiết bị ghi âm, chụp hình

(Dân trí) - Việc Bộ GD-ĐT chưa nhận được phản ánh tiêu cực nào qua địa chỉ email cộng với chuyện đề thi Toán được “tuồn” từ phòng thi ra ngoài đã khiến cuộc trao đổi giữa Ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ với báo chí chiều ngày 10/7 trở nên “nóng bỏng”.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2009/Phat-tan-de-Toan-DH-len-mang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Phát tán đề Toán ĐH lên mạng</b></a>

Tái khẳng định trước báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Việc sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 theo hướng khuyến khích thí sinh tố cáo chống gian lận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trả lời rất rõ trên chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời. Để chống tiêu cực, Bộ GD-ĐT cho phép bên cạnh giám sát của cơ quan Nhà nước có giám sát của xã hội. Tôi không đồng tình với ý kiến triển khai quy chế này mất nhiều hơn được. Đây là việc mà Bộ GD-ĐT tăng cường công tác xã hội hóa trong giám sát sự trung thực của kỳ thi”.
 
Phần lớn thời gian trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề thí sinh được phép

Phần lớn thời gian trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề thí sinh được phép ghi âm, chụp ảnh.
 
Cũng theo ông Bằng, Bộ GD-ĐT không bắt buộc TS phải mang thiết bị vào để chống tiêu cực. Chính vì thế tuyệt đại bộ phận TS không mang vào. Việc quy định này nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý để nếu TS có mang vào với mục đích ghi lại các hình ảnh tiêu cực thì họ sẽ không bị xử lý.

“Năm 2013, sau khi Luật Giáo dục ĐH, những trường được tự chủ sẽ được tự chủ trong tuyển sinh, theo đó một số trường ĐH trọng điểm có thể tuyển sinh riêng, với điều kiện không để tái diễn luyện thi tràn lan; còn lại các trường khác vẫn sẽ theo 3 chung” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc quy định mới như vậy sẽ tạo áp lực cho cán bộ coi thi, ông Bằng khẳng định: “Tôi cho là không có chuyện áp lực ở đây, vì họ phải làm quen với sự giám sát của thí sinh, của xã hội. Bộ GD-ĐT chưa nhận được thông tin tiêu cực nào của kỳ thi ĐH năm nay, nhưng nếu có thông tin như Đồi Ngô thì Bộ sẽ xử lý kip thời. Nếu TS sử dụng thiết bị để tố cáo thì Bộ GD-ĐT hoan nghênh, nhưng nếu lợi dụng để làm kỳ thi lộn xộn thì sẽ bị xử lý”.

Với câu hỏi của PV Dân trí về việc tạo hành lang pháp lý như vậy thì TS có thể ghi lại bài thi của mình dẫn đến tình trạng “đánh dấu bài” công khai, điều này sẽ tạo những tiêu cực trong khâu chấm thi, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Quy trình chấm thi rất chặt chẽ nên sẽ khó có hiện tượng tiêu cực bởi hai cán bộ chấm thi hoàn toàn độc lập. Còn nếu bài thi có dấu hiệu bất thường sẽ được tổ chức chấm chung”.

Giải thích thêm về việc sửa đổi, bổ sung quy định vật dụng được phép mang vào phòng thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga bộc bạch: “Từ trước đến nay, xã hội không được biết về thực chất của kỳ thi ĐH đằng sau cổng trường thi. Việc này là nhằm minh bạch hóa kỳ thi, cho phép TS, quần chúng tố giác tiêu cực, có thể thu thập bằng chứng để tố cáo. Ý nghĩa của việc này là như vậy, cũng là điều kiện để tăng cường tính nghiêm túc của giám thị. Giám thị cũng không bị gây áp lực trong việc nhận diện các thiết bị của TS, cái gì rõ thì đình chỉ ngay, còn không rõ thì báo cáo Hội đồng tuyển sinh xem xét”.

Liên quan đến đề thi Toán được đưa lên mạng trước 2/3 thời gian làm bài, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Ở đây không nên nói lộ đề. Lộ là khi đề chưa sử dụng mà đề thi đã bị lọt ra ngoài. Việc đề Toán có bị đưa ra sớm trước khi 2/3 thời gian làm bài kết thúc hay không, hiện nay công an đang điều tra. Đến thời điểm này chưa có thông tin về TS việc lợi dụng quy định để gian lận, hoặc để đưa đề ra ngoài. Mỗi một quy định khi triển khai đều có thể diễn ra những sự cố không mong muốn, nhưng đến nay chưa phát hiện điều đó. Ngoài việc quy định cho phép TS mang thiết bị vào, quy chế cũng yêu cầu TS phải tuân thủ kỷ luật phòng thi”.

Ông Trần Văn Nghĩa tiết lộ thêm,với các thiết bị công nghệ cao hiện nay, việc chống tiêu cực là hết sức khó khăn. Không phải năm nay khi có quy định mới thì xảy ra việc đề thi bị tuồn ra ngoài sớm. Nhiều năm trước đã có như vậy. Năm nay phát hiện một số TS đeo tai nghe và đã đình chỉ. Chúng ta một mặt kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, một mặt nâng cao trách nhiệm của giám thị, vì nếu giám thị coi thi nghiêm túc thì không một TS nào có thể gian lận bằng cách sử dụng công nghệ cao.

Về việc đến khi nào sẽ có kết luận cuối cùng về vụ đề thi môn Toán được đưa ra ngoài, Thứ trưởng Ga nói việc điều tra vụ việc do Cục A83 - Bộ công an đảm nhận. "Việc khi nào công bố thì phụ thuộc vào đơn vị này", Thứ trưởng Ga nói.

Phổ điểm các môn thi sẽ là 4-5

Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa cho biết, yêu cầu của Đề thi ĐH 2012 là phải bảo đảm tính phân hóa cao, TS trung bình có thể làm 4-5 điểm, còn lại là để chọn HS khá, giỏi. Quan điểm này được áp dụng cho tất cả các môn thi.

Liên quan đến đề các môn xã hội đề có câu hỏi mở ông Nghĩa tiết lộ, hướng ra đề mở là việc mà Bộ GD-ĐT đã hướng tới nhiều năm nay và sẽ tiếp tục trong các năm tới, nhằm tránh cho học sinh học vẹt, học tủ, gắn với các vấn đề xã hội quan tâm.

Câu nghị luận của đề thi văn khối D hướng đến việc bình luận 2 chiều của TS. Đề mở nên chấm cũng sẽ mở. Trong hướng dẫn chấm của Bộ cũng nêu rõ, nếu có câu trình bày khác đáp án nhưng đúng vẫn có điểm. Khuyến khích những lập luận sáng tạo, có thể khác đáp án nhưng có lý lẽ thì vẫn được điểm.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc môn Địa lý năm nay liên quan đến biển và hải đảo có phải chăng Bộ chỉ đạo đề như vậy ông Nghĩa khẳng định: “Bộ không chỉ đạo cụ thể về biển đảo. Đây là việc ngẫu nhiên của Ban đề thi. Ban đề thi ra theo quy chế, bám sát chương trình, nhưng đặc tính của các môn Văn, Địa là bám sát các vấn đề xã hội”

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm