Kết nối quốc tế để xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng trong trường đại học
(Dân trí) - Trong 4 ngày, từ ngày 6 – 9/11/2019, tại Trường Đại học Ngoại thương sẽ diễn ra Diễn đàn quốc tế Đảm bảo chất lượng ASEAN - QA năm 2019 và các hội nghị có liên quan. Đây là lần đầu tiên một cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng về đến lĩnh vực đảm bảo chất lượng.
Năm nay với chủ đề “Kết nối để xây dựng và duy trì văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học” thu hút sự tham dự của hơn 250 đại biểu đến từ hơn 150 cơ sở giáo dục đại học của 15 quốc gia trong khu vực và thế giới.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án Đảm bảo chất lượng ASEAN-QA, dự án thành lập từ năm 2011 nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học.
Đây sẽ là nơi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng của hơn 150 cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài khu vực ASEAN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự hợp tác liên khu vực giữa ASEAN và châu Âu.
Tại buổi họp báo công bố thông tin ngày 4/11, PV Dân trí đặt một số câu hỏi đến các chuyên gia trong nước và quốc tế về đảm bảo chất lượng trong các đại học.
“Thực tiễn kiểm định chất lượng đại học tại các quốc gia trên thế giới khá đa dạng và phức tạp. Vậy khái quát hóa một quy trình kiểm định chất lượng tại các quốc gia là như thế nào?”, PV Dân trí đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, bà Barbara Michalk – Trưởng phòng Giáo dục Đại học ở Đức và Châu Âu, Hội nghị các Hiệu trưởng Đức (HRK) cho rằng: “Đảm bảo chất lượng đơn giản là cách các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá lại chính mình, chứ không phải là để người khác đánh giá mình.
Chính sự tự kiểm định, chiêm nghiệm, nhìn nhận các tiêu chí mà các trường rút ra được những gì cần phải thay đổi. Sự thay đổi có thể xuất phát từ dưới lên trên, nghĩa là chương trình học đầu tiên.
Các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục phải hiểu rằng, nếu trường muốn có chương trình tốt thì trường học phải thay đổi, từ những điều cơ bản nhất như kiểm định về học phí, nội dung giảng dạy phù hợp...
Các vị phụ huynh sẽ ủng hộ con em mình đi học chương trình đổi mới này, sau đó tiến lên cấp cao hơn là mảng học thuật thì rất cần sự tham gia của các thành viên trong nhà trường (khoa, viện)… Đây là quá trình rất dài nhưng việc đảm bảo và phát triển chất lượng là xu thế”.
“Nếu như để trả lời cho một quy trình kiểm định chất lượng chuẩn hóa nào đó mà PV Dân trí đặt ra, tôi nghĩ không có, bởi vì việc đảm bảo chất lượng được tùy chỉnh với từng trường đại học, từng chương trình và chúng ta chỉ cần hướng đến một cái chung là cùng phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, bà Barbara Michalk nhấn mạnh.
“Rất nhiều ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng không đồng nghĩa với chất lượng đào tạo. Vậy ban tổ chức hội nghị có quan điểm thế nào về vấn đề này và liệu có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này chưa? Việc xây dựng văn hóa kiểm định chất lượng trong các trường đại học, chúng ta có cần nghĩ đến sự trung thực của các cơ sở giáo dục đại học hay không?”, PV Dân trí hỏi thêm.
GS.TS Alyssa Alampay – Trợ lý Phòng hợp tác về các vấn đề học thuật, Đại học Philippines (Philippines) cho hay: “Để nói về sự linh hoạt và tự do tới công chúng và trách nhiệm công bố đảm bảo chất lượng với công chúng cho thấy kết quả tốt, minh bạch và có giá trị.
Đây là điều các nước ASEAN đang cùng nhau chia sẻ và nỗ lực để xây dựng nên. Tôi nghĩ đảm bảo chất lượng là vấn đề rất quan trọng, không chỉ là công cụ đảm bảo chất lượng mà còn là công cụ để hướng tới phát triển chất lượng.
Còn câu hỏi về đảm bảo tính trung thực trong công tác đảm bảo chất lượng, tôi quan điểm rằng, thực ra văn hóa trung thực là điều cốt lõi nhất trong công tác giáo dục và việc trung thực trong giảng dạy và học thuật đối với tôi là bắt buộc, không thể nào có câu trả lời khác được”.
Công tác đảm bảo chất lượng là mối quan tâm chung của tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới, đặc biệt là ASEAN cũng như Việt Nam.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương nhấn mạnh: “Đảm bảo chất lượng là vấn đề quan trọng sống còn đối với mỗi trường đại học. Trong suốt thời gian qua, các trường ĐH ở Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm định đảm bảo chất lượng và cũng đạt được những kết quả nhất định.
Đối với hoạt động khu vực, đặt biệt là tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực, các trường đại học Việt Nam trong đó có ĐH Ngoại thương đã cố gắng để triển khai thực hiện Hiệp định theo tiêu chuẩn ASEAN – QA.
Việc tham gia vào Hội nghị cũng thể hiện quyết tâm của các đại học Việt Nam trong đảm bảo chất lượng, tiêu chí quan trọng trong phát triển đại học trong giai đoạn hiện nay”.
Ông Frank Niedermeier - Trưởng dự án ASEAN – QA, Trưởng phòng nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Potsdam (Đức) chia sẻ: “Diễn đàn Đảm bảo chất lượng ASEAN – QA thể hiện sự nỗ lực hợp tác quốc tế cùng hướng đến xây dựng, phát triển năng lực, đảm bảo chất lượng trong giáo dục và đào tạo.
Tôi cho rằng, đây là vấn đề thú vị và quan trọng, không chỉ đối với ASEAN mà đối với châu Âu. Chủ đề năm nay “xây dựng và phát triển văn hóa bảo đảm chất lượng” là chủ đề quan trọng và mang tính bền vững trong chiến lược phát triển đại học ở mỗi quốc gia và khu vực. Diễn đàn năm nay là thành quả nỗ lực không ngừng trong 8 năm và cũng là kết quả tất cả học viên của dự án ASEAN – QA.
Đây là cơ hội để chúng ta cùng ngồi với nhau cùng thảo luận thẳng thắn, với sự góp mặt của các chuyên gia đại học, các sinh viên – đối tượng của sự học, các nhà tuyển dụng và bộ, ban ngành liên quan”.
Ông Frank Niedermeier (trái, ngoài cùng) - Trưởng dự án ASEAN – QA phát biểu.
Tại Diễn đàn ASEAN-QA, các đại biểu tham dự sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề: Vai trò của Mạng lưới đảm bảo chất lượng trong bối cảnh giáo dục đại học ở ASEAN đang có nhiều thay đổi; Sự tham gia của người học trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở ASEAN- Đối thoại giữa các bên liên quan; Số hóa trong giáo dục đại học và tác động đến công tác đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, tại các phiên hội thảo song song, một số nội dung trọng tâm trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng cũng được trao đổi và thảo luận như: Tính bền vững của các hệ thống và quy trình phát triển và đảm bảo chất lượng; Hệ thống phát triển và đảm bảo chất lượng tích hợp; Công cụ đánh giá và sử dụng dữ liệu trong đảm bảo chất lượng; Các bên liên quan và sự tham gia của sinh viên; Áp dụng các nguyên tắc đảm bảo chất lượng khu vực vào thực tiễn - Khung đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAF); Đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết đào tạo: Khả năng và thách thức…
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tham dự sẽ đề xuất các giải pháp nhằm liên kết các cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan cũng như đóng góp vào quá trình xây dựng sự tín nhiệm giữa các cá nhân và các tổ chức.
Lệ Thu