Kén việc, cử nhân tự loại mình

(Dân trí) - Từ nay đến năm 2020, mỗi năm TPHCM sẽ có 270.000 chỗ làm mới, trong đó như cầu trình độ lao động đại học chỉ chiếm 12%. Nếu cử nhân kén việc và không chịu khó thì sẽ tự loại mình khỏi thị trường lao động.

Nhu cầu nhân lực đối với lao động trình độ cao đẳng chiếm 13%, trung cấp 35%, còn lại là công nhân và sơ cấp kỹ thuật. Tỷ lệ lao động phân theo nhóm nghề: 35% nhóm ngành kỹ thuật công nghệ; Kinh tế, tài chính, ngân hàng, pháp luật chiếm 33%, còn lại là các ngành nghề khác như y dược, sư phạm, khoa học tự nhiên…

Kén việc, cử nhân tự loại mình
Ông Trần Anh Tuấn cho hay 70% sinh viên ra trường không đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho hay, nhu cầu nhân lực dành cho trình độ ĐH mỗi năm ở TPHCM không quá 33.000 chỗ làm việc. Nhưng có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH chính quy, từ các trường quốc tế, hệ vừa học vừa làm và cả sinh viên tốt nghiệp ĐH từ các tỉnh đổ về TPHCM xin việc. Tỉ lệ chọi để xin việc của cử nhân hiện nay là 1/3.

Dư thừa trình độ lao động cử nhân là thực tế nhưng trong cái thừa lại có cái thiếu. Doanh nghiệp vẫn không tuyển được người khi có đến 70% SV ra trường không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ.

Theo ông Tuấn, cử nhân ra trường thất nghiệp có 3 nguyên nhân. Kinh tế khó khăn, phát triển chậm nên việc làm bị thu hẹp; hoạt động hướng nghiệp chưa toàn diện, chưa giúp học sinh chọn nghề phù hợp dẫn đến hệ quả ngành thiếu ngành thừa. Đây còn là hậu quả một thời gian dài việc đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu cầu nhân lực, chúng ta tập trung đào tạo trình độ ĐH mà chưa chú trọng mảng nghề.

Kén việc, cử nhân tự loại mình
Đã đến lúc cử nhân phải nhìn vào năng lực thực sự của mình thay vì nhìn vào tấm bằng khi đi xin việc. 

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc học ĐH cho ứng viên lợi thế là kiến thức nền tảng vững, rộng, có nhiều cơ hội sau khi ra trường. Để tránh tình trạng thất nghiệp, cử nhân phải nhìn vào năng lực thực của mình chứ đừng nhìn vào tấm bằng khi đi xin việc. Họ cần xác định mọi xuất phát điểm đều thấp, hãy bắt đầu từ những công việc, vị trí thấp phù hợp với khả năng.  
 
Ở góc độ quản lý, theo ông Tuấn, nhà nước cần khảo sát về tình trạng thất nghiệp ở các địa phương để biết vì đâu mà các em không kiếm được việc làm. Họ thiếu kiến thức thức chuyên môn, kỹ năng hay vốn thì cần bổ sung, hỗ trợ để họ kiếm việc làm cũng như làm chủ tạo thêm nhiều việc làm.

“Đất nước chúng ta còn rất khó khăn, nếu cử nhân kén chọn việc làm và không thật sự chịu khó thì họ đã tự loại mình khỏi thị trường lao động. Đó là tự mình đào thải mình chứ đừng gọi là thất nghiệp”, chuyên gia nhân sự này bày tỏ.

Hoài Nam