Hơn 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học: Mừng hơn lo!
(Dân trí) - Con số hơn 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học làm nhiều người hoang mang nhưng nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng đây là tín hiệu "mừng hơn lo".
Lo thí sinh rớt oan
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống. Nhưng vậy, có đến trên 325.000 thí sinh (chiếm hơn 34%) không nhập nguyện vọng lên hệ thống để đăng ký xét tuyển đại học. Những ngày qua, con số này đã làm nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng.
Thật ra, ngay từ trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều ý kiến đã lo ngại khi tuyển sinh 2022 có nhiều thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển. Quy trình tuyển sinh khá phức tạp, thí sinh có thể bị "rớt oan" nếu không nắm rõ và thực hiện đúng.
Trước kỳ thi, để gia tăng cơ hội trúng tuyển, nhiều thí sinh đã sử dụng thêm các phương thức xét tuyển sớm từ các trường đại học như xét học bạ, xét kết quả đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng…
Theo quy định năm nay, những thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác cũng phải đăng ký nguyện vọng, xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ.
Nhiều ý kiến lo ngại, các thí sinh không kịp cập nhật quy định này, đinh ninh mình đã trúng tuyển... Rồi ngay cả việc thu lệ phí đăng ký xét tuyển đại học qua các nền tảng thanh toán trực tuyến cũng là vấn đề khó khăn của không ít thí sinh.
Đến ngày 23/8, thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, phản hồi đến Vụ Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT qua Email pvluong@moet.gov.vn.
Trước khó khăn thí sinh gặp phải, Bộ GD&ĐT đã phải giải quyết bằng cách hạn thêm 3 ngày để thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển.
Đối với việc thu phí, Bộ cũng thông báo lùi lịch thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học 3 ngày so với kế hoạch ban đầu do sự cố kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến.
Thí sinh chủ động lối đi khác
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh tại TPHCM chia sẻ khoảng chục năm đổ lại đây, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chỉ chiếm khoảng 2/3 hoặc 3/4. Năm nay, có hơn 325.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng trên hệ thống không phải là điều ngạc nhiên mà đó còn là tín hiệu đáng mừng.
Công tác phân luồng định hướng nghề nghiệp nhiều năm gần đây luôn nhấn mạnh "Đại học không phải là con đường duy nhất", ông Cường đánh giá đã có tác động, nhiều em chủ động học nghề, trung cấp, cao đẳng... và có một số học sinh đi du học.
Có điều, năm nay Bộ yêu cầu thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác vẫn phải đăng ký trên hệ thống. Điều này dẫn đến có thể có nhiều em học sinh không nắm rõ quy trình xét tuyển nên không đăng ký tham gia.
Theo ông Cường, con số này không nhiều. Đối với trường hợp thí sinh thật sự gặp khó khăn trong thực hiện quy trình xét tuyển, cơ quan quản lý cần có cách can thiệp hỗ trợ.
Nếu xem xét trên con số thì số lượng 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng xét tuyển đại học tương đối phù hợp với chỉ tiêu đầu vào của hệ thống đại học.
Được biết, năm 2020, có 441.913 thí sinh nhập học vào đại học chính quy, năm 2021 có số lượng thí sinh nhập học chính quy cao nhất từ trước đến nay là 501.455 thí sinh.
Cùng góc nhìn trên, ThS Phạm Thái Sơn, GĐ Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, hàng trăm ngàn thí sinh không đăng ký vào đại học là tín hiệu "mừng hơn lo".
"Tôi vẫn thường xuyên nói là học cao đẳng, trung cấp xong là có việc làm ổn định. Tôi nghĩ những lời nhận xét, định hướng nghề nghiệp, học để làm việc của nhiều chuyên gia đã có tác dụng trong kỳ tuyển sinh năm nay. Đây là một tín hiệu đáng mừng", ông Sơn nói.