Hơn 2.000 thí sinh thi năng lực tranh suất vào trường ĐH Luật TPHCM
(Dân trí) - Ngày 3/8, 2.363 thí sinh có mặt tại 2 điểm trường THPT Nguyễn Trãi và Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM) để dự kỳ kiểm tra năng lực vào trường ĐH Luật TPHCM. Đây là trường ĐH đầu tiên ở TPHCM thực hiện đề án tuyển sinh riêng bằng cách tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy.
Ths Lê Văn Hiển - Phó phòng Đào tạo Đại học Luật TP.HCM cho biết, trường vừa tổ chức xong đợt kiểm tra năng lực cho 2.636 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chính quy. Đây là số thí sinh đã vượt qua giai đoạn sơ tuyển trước đó. Các thí sinh đã thi một cách nghiêm túc và đúng quy chế, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.
Chiều nay, nhà trường tiến hành chấm bài kiểm tra năng lực. Dự kiến vào ngày 5/8/26 (muộn nhất là ngày 6/8/2016), Trường sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển.
Muộn nhất là ngày 10/8/23016, các thí sinh trúng tuyển sẽ phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) cho Nhà trường thông qua đường bưu điện (theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên) hoặc trực tiếp tại Trường.
“Quá thời hạn này, thí sinh không nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi được xem như từ chối nhập học. Khi đó, căn cứ tình hình thực tế nhập học, Nhà trường có thể sẽ tiếp tục gọi các thí sinh khác trong danh sách đã tham gia kiểm tra năng lực theo nguyên tắc lấy từ điểm cao xuống điểm thấp, cho đến khi đủ chi tiêu”, ông Hiển cho biết.
Thí sinh dự kiểm tra năng lực phải làm bài với đề bao gồm 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); Kiến thức về pháp luật; Tư duy lôgic và khả năng lập luận.
Để làm bài kiểm tra năng lực, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào. Những kiến thức được sử dụng khi làm bài được thí sinh tích lũy trong quá trình trưởng thành của mình. Thang điểm của đề kiểm tra năng lực: theo thang điểm 30.
Kết thúc buổi kiểm tra, nhiều thí sinh nhận định đề kiểm tra khá khó với 100 câu hỏi nhưng đa phần không thể làm được trọn vẹn hết tất cả các câu hỏi.
Được biết, từ năm học 2016-2017, Đại học Luật TP HCM thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD-ĐT phê duyệt, theo hai giai đoạn xét tuyển.
Giai đoạn thứ nhất, trường sẽ sơ tuyển căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia của thí sinh (chiếm 60% tổng điểm xét tuyển) và điểm học bạ của thí sinh trong 3 năm học THPT (chiếm 20% tổng điểm xét tuyển). Kết quả, có 2.636 thí sinh vượt qua giai đoạn sơ tuyển này.
Trong đó, điểm thi THPT quốc gia các tổ hợp môn xét tuyển phải đạt số điểm tối thiểu theo quy định.
Ngành | Khối A | Khối A1 | Khối C | Khối D1,3,6 |
Quản trị - Luật (110103) | 21,5 | 21,0 | - | 21,0 |
Luật (380101) | 19,0 | 19,0 | 23,0 | 19,0 |
Quản trị kinh doanh (340101) | 19,0 | 19,5 | - | 19,2 |
Ngôn ngữ Anh (220201) | - | - | - | 20,0 |
Sau khi tính điểm theo công thức: 20% điểm học bạ cộng với 60 % điểm thi THPT quốc gia, thí sinh phải đạt mức điểm tối thiểu nhà trường quy định mới bước vào giai đoạn hai là kỳ kiểm tra năng lực.
Năm nay, ĐH Luật TP. HCM có tổng cộng 1.500 chỉ tiêu đại học chính quy.
Lê Phương