Nhịp cầu lịch sử:
Hội thề Đông Quan - vì một nền hòa bình "tắt muôn đời chiến tranh"
(Dân trí) - Hội thề Đông Quan trong khởi nghĩa Lam Sơn là một minh chứng tiêu biểu của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã thuyết phục được Vương Thông đồng ý thương lượng để chấm dứt chiến tranh.
"Cổ lai nhân giả tư vô địch
Hà tất khu khu sự chiến tranh"
(Xưa nay nhân giả là vô địch
Lọ phải khư khư thích chiến tranh)
(Hữu cảm - Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Vạch trần âm mưu của Vương Thông
Việt Nam có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Đó là cội nguồn sức mạnh giúp ta đánh bại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập của mình. Song Việt Nam cũng là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Khát vọng ấy được thể hiện trong đường lối ngoại giao rất khôn khéo của ông cha ta ở giai đoạn cuối hoặc sau mỗi cuộc khởi nghĩa, kháng chiến.
Nhân dân Việt Nam luôn đấu tranh đến cùng để giành và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của đất nước mình, nhưng cũng có những biện pháp đối ngoại rất mềm mỏng, khôn khéo đối với kẻ xâm lược khi đã nắm chắc phần thắng, nhằm hướng đến một nền hòa bình lâu dài.
Đường lối ngoại giao thể hiện rõ thiện chí và khát vọng hòa bình đó được triều đại từ Lý, Trần, Hậu Lê thực hiện thông qua nhiều sự kiện tiêu biểu. Trong đó, Hội thề Đông Quan trong khởi nghĩa Lam Sơn là một minh chứng tiêu biểu.
Sau chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (tháng 11/1426), nghĩa quân Lam Sơn tấn công, vây hãm thành Đông Quan. Tình thế của quân Minh trở nên cùng quẫn.
Lúc này, quân của Vương Thông chỉ còn cách co cụm, cố thủ trong thành để chờ viện binh. Trong thời gian đợi viện binh đến ứng cứu, Vương Thông đã đưa ra việc thương lượng giảng hòa với nghĩa quân Lam Sơn, thực chất là để kéo dài thời gian làm kế hoãn binh. Để tỏ rõ thiện chí hòa bình, ta chấp nhận điều kiện thương lượng của Vương Thông đề nghị lập lại họ Trần để giữ thể diện cho triều đình Đại Minh bằng việc cho người sang Trung Quốc dâng Biểu cầu phong xin lập Trần Cảo làm vua.
Đồng thời, nghĩa quân Lam Sơn cam kết sẽ sửa sang đường sá, cấp lương thảo và phương tiện đi lại cho quân Minh khi rút về nước, thực hiện triều cống cho triều đình nhà Minh.
Đổi lại, phía Vương Thông sẽ rút quân về nước, trao trả lại các thành trì cho nghĩa quân Lam Sơn. Mục đích thương lượng để đi đến giảng hòa của phía ta nhằm "Nam Bắc từ nay vô sự. Đó không những là may mắn riêng của nước chúng tôi, mà cũng là nỗi may lớn cho cả thiên hạ vậy" (1).
Nhưng với bản chất ngoan cố của một tên tướng gian hùng, Vương Thông tìm mọi cách để lật lọng và vẫn trông chờ vào viện binh từ phía nhà Minh.
Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã vạch trần âm mưu của Vương Thông, chỉ cho quân Minh thấy những điểm yếu khó tránh khỏi bại vong của chúng.
Một mặt, thái độ của Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân đối với sự ngoan cố của Vương Thông rất kiên quyết và thẳng thắn nhưng mặt khác, ta vẫn chủ trương kết hợp yếu tố tranh luận mềm mỏng, có lý, có tình và trên hết là luôn thể hiện rõ thiện chí hòa bình của nghĩa quân.
Phương án nghị hòa
Đến cuối năm 1427, với chiến thắng Chi Lăng (10/10/1427), Xương Giang (3/11/1427) và việc đánh bại hoàn toàn hai đạo quân viện binh của nhà Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạch chỉ huy, sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn đã hoàn toàn lấn át quân Minh. Trong mối tương quan so sánh lực lượng lúc đó, xét cả về ba mặt thế, lực và thời, nghĩa quân Lam Sơn đều trội hơn hẳn.
Điều đó cho phép nghĩa quân Lam Sơn có thể tiến lên đánh bại hoàn toàn quân Minh ở các thành còn lại như Đông Quan, Tây Đô, Cổ Lộng…Tuy nhiên, chính vào lúc phải lựa chọn một trong hai con đường "đánh" hay "hòa", chủ tướng Lê Lợi đã đồng ý phương án nghị hòa của Nguyễn Trãi với tinh thần "chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh" (Phú núi Chí Linh - Nguyễn Trãi).
Mục đích việc giảng hòa là để cho quan binh nhà Minh được rút lui trong danh dự, bảo toàn "thể diện " của một nước lớn, không chỉ giảm thiểu được tổn thất xương máu cho sinh linh hai nước mà còn tạo mối hòa hiếu để chấm dứt nạn binh đao giữa hai nước.
Với sự phân tích sáng suốt mang tầm nhìn chiến lược, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã thuyết phục được Vương Thông đồng ý cuối cùng phải sai người mang thư đến giảng hòa "xin mở đường cho về" và thương lượng để chấm dứt chiến tranh.
Để làm tin, phía nghĩa quân Lam Sơn cử tướng Lưu Nhân Chú và con trai cả của Lê Lợi là Tư Tề vào thành Đông Quan; phía Vương Thông cũng cử Sơn Thọ, Mã Kỳ sang dinh Bồ Đề làm con tin.
Ngày 10/12/1427 (tức ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi), Hội thề Đông Quan với thành phần hai bên đã được tổ chức. Phái đoàn nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi cầm đầu và các tướng: Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bối, Lê Văn An, Bế Khắc Thiện, Ma Luân.
Phái đoàn quân Minh do Vương Thông cầm đầu cùng các tướng Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Trần Hựu, Chu Kỳ Hân, Quách Vĩnh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Chinh, Dương Thời Tập, Quách Đoan.
Hai bên tiến hành lập hội thề cam kết thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã được thống nhất.
Theo đó, Vương Thông cùng tướng lĩnh và binh lính thề sẽ rút quân về nước sau khoảng 20 ngày, không ngoan cố đợi viện binh và trên đường rút quân không được cướp bóc của dân. Về phía nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi bảo đảm tha cho toàn bộ quân Minh về nước và đối với triều Minh sẽ có Biểu cầu phong. Trên thực tế, cả hai bên đã chấp hành nghiêm chỉnh.
Ngày 17/12/1427, phía Lê Lợi đã cử một phái đoàn chính thức sang xin cầu phong nhà Minh và dâng một bản danh sách gồm số tù binh, viên tướng, quan lại, quân lính và số ngựa mà nghĩa quân sẽ trao trả cho quân Minh. Còn phía Vương Thông, đúng ngày 29/12/1427 đã rút quân về nước như lời hẹn.
Nghĩa quân Lam Sơn tha cho 10 vạn hàng binh về nước, cấp cho 500 chiến thuyền, mấy nghìn con ngựa cùng với lương thực tiến hành sửa sang đường sá, cầu cống cho quân Minh rút về nước. Chủ tướng Vương Thông hết mực cảm động. Cả chục vạn sĩ binh nhà Minh vui sướng tới dinh Bồ Đề lạy tạ ân đức của Lê Lợi và những người lãnh đạo đầy lòng khoan dung, nhân đạo của nghĩa quân Lam Sơn.
Trước cảnh rút lui của quân Minh, một số tướng sĩ và nhân dân vẫn chưa nguôi căm giận về tội ác của quân đô hộ đã đến xin Lê Lợi bắt giết để trả thù. Chủ tướng Lê Lợi - vị lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Lam Sơn đó giải thích cho mọi người biết về lập trường chính nghĩa và nhân đạo của nghĩa quân: "Trả thù báo oán là thường tình của mọi người nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng, mà mình lại giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng.
Nếu cốt để hả nỗi căm giận trong chốc lát mà mang tiếng với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho vạn người, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao?" (4).
Hội thề Đông Quan và sự kiện quan binh nhà Minh rút quân về nước (12/1427) đã đánh dấu sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập dân tộc của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi. Đất nước từ đây âm vang khúc ca khải hoàn chiến thắng - khúc ca về hòa bình, về sức mạnh vô địch của chính nghĩa.
Hội thề không chỉ biểu trưng cho sự toàn thắng của sự nghiệp Bình Ngô phục quốc ở Đại Việt trong thế kỷ XV mà còn chứa đựng khát vọng nhân văn cao cả: Mở nền thái bình muôn thủa, tắt muôn đời chiến tranh.
Từ lịch sử, Hội thề Đông Quan và những giá trị truyền thống hàng nghìn năm của Thăng Long, Đông Đô đã góp phần kiến tạo nền tảng để làm nên giá trị của Hà Nội hôm nay: Thủ đô ngàn năm tuổi - Thành phố vì hòa bình".
Chú thích:
1. Nguyễn Trãi. 2001. Toàn tập, Tân biên, tập 1. NXB. Văn học, Hà Nội, tr. 722.
2. Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Hậu Lê. 1998. Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.278.
3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Hậu Lê. 1998. Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, Sđd, tr.279.
4. Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Hậu Lê. 1998. Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, Sđd, tr.281.