Hội phụ huynh: Vài người nhiệt tình, cả tàu cùng khổ

(Dân trí) - Quy trình vận động đóng góp cho trường học của phụ huynh luôn bắt đầu với sự khởi xướng của một vài người trong Ban đại diện hoặc những người nhiệt tình. Từ đó, nhiều người khác bị mắc kẹt trong các khoản đóng góp "tự nguyện".

"Đầu năm, thầy cần những cái này, cái kia.... ", từ tin nhắn của một vị phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS), một cuộc vận động đóng góp được hình thành. Theo tính toán của phụ huynh này, chi phí đầu năm cho những thứ thầy giáo cần hết khoảng 7 triệu đồng, một phụ huynh sẽ ứng ra để sắm trước, đến ngày họp sẽ tính. 

Trong bối cảnh này, thật khó để phụ huynh nào lên tiếng phản đối dù họ có thấy vô lý đi chăng nữa. 

Hội phụ huynh: Vài người nhiệt tình, cả tàu cùng khổ - 1

Đầu năm học, phụ huynh mang nhiều gánh nặng tiền trường, kể cả các khoản được gọi là "tự nguyện" (Ảnh mang tính minh họa)

Hay tại một ngôi trường khác, một người trong BĐD CMHS còn cầm hẳn loa thông báo, phụ huynh chúng ta năm rồi đã đóng góp làm 4 mái che trong nhà trường, năm nay... sẽ làm thêm 4 cái vì con em. Người này cũng lên tiếng đề xuất việc thay rèm cửa trong lớp học. 

Sự "nhiệt tình" quá mức này kéo theo bao nhiêu cái khổ cho các phụ huynh đầu năm. Sau đó, nhiều phụ huynh bức xúc phản đối, phía nhà trường thì khăng khăng việc muốn làm mái che, thay rèm là việc do BĐD CMHS, chứ không liên quan... đến nhà trường. Trước phản ứng của phụ huynh, việc này đã phải tạm ngưng. 

Đối với việc đóng góp của phụ huynh trong trường học phải nói rằng "vài người nhiệt tình, cả tàu cùng khổ". Quy trình vận động đóng góp cho trường học của phụ huynh luôn bắt đầu với sự khởi xướng của một vài người trong BĐD CMHS hoặc những người nhiệt tình. Từ đó, nhiều người khác bị mắc kẹt trong các khoản đóng góp "tự nguyện". Không ít hạng mục, khoản đóng góp do một vài phụ huynh nhiệt tình đưa ra quá sức với nhiều phụ huynh khác. 

Có tình trạng "những phụ huynh nhiệt tình" trong trường học thường xuất phát từ hai nguyên nhân:

Thứ nhất, việc chọn, hoặc chỉ định thành viên BĐD CMHS thường đã được "chọn mặt gửi vàng", họ phần lớn là người có điều kiện tài chính nên nhiệt tình với việc làm sao để điều kiện học tập của con em tốt nhất. 

Nhiều khi BĐD CMHS còn được gọi là "Hội phụ huynh nhà giàu", với họ việc con được học trong điều kiện như lớp lót sàn gỗ, điều hòa, rèm cửa loại sang, lớp học hiện đại... là nhu cầu bình thường. Từ đó, họ đưa ra những tiêu chuẩn bình thường với bình nhưng "làm khó" những phụ huynh khác mà có thể còn sai quy định, không phù hợp với tiêu chuẩn mặt bằng chung của trường học. 

Thứ hai, có khi họ "nhiệt tình" cũng bởi bất đắc dĩ khi liên quan đến các khoản đóng góp, muốn hay không thì thực tế BĐD CMHS là "cánh tay nối dài" của nhà trường. Chứ đối với chuyện cơ sở vật chất trong trường học, không ai biết "chỗ nào ngứa mà gãi" nếu như không được chỉ tường tận. 

Năm trước, làm việc về các vấn đề thu chi, hoạt động của BĐD CMHS tại một số trường học ở địa bàn, bà Triệu Lê Khánh, Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TPHCM nhấn mạnh, phụ huynh bức xúc vì có nhiều nơi  BĐD CMHS đưa ra những công trình, những dự án về cơ sở vật chất vượt quá những yêu cầu cơ bản trong trường học. 

Có những nơi đưa ra việc lót sàn gỗ, lắp máy lạnh… , theo bà Khánh cái đó phải xem phù hợp thế nào và nếu thực hiện thì phải làm từ khoản thu tài trợ chứ “bổ đầu” chia đều cho phụ huynh không hợp lý. 

Hội phụ huynh: Vài người nhiệt tình, cả tàu cùng khổ - 2

UB MTTQ Việt Nam TPHCM kiểm tra vấn đề thu chi trong trường học ở TPHCM năm học trước

Đầu năm, Sở GD-ĐT ra văn bản nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT. 

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban. Không được thu các khoản bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, GV và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. 

Tuy nhiên, theo cách này hay cách khác, BĐD CMHS vẫn "can thiệp" quá sâu vào các hoạt động đóng góp tập trung đến tài chính, cơ sở vật chất trong trường học. 

 Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm