Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Hội Khuyến học VN làm nòng cốt thực hiện xây dựng Xã hội học tập
(Dân trí) - Sáng 28/9, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 - 02/10/2011).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 11 CT/TW năm 2007, trong đó khẳng định: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lực chấn hưng và phát triển giáo dục nước ta”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2008 về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam được giao trọng trách làm nòng cốt phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các Ban, ngành, đoàn thể… để triển khai thực hiện phong trào này. Trong 15 năm qua kể từ ngày thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, với 100% quận, huyện, thị xã và hầu hết xã, phường thị trấn đã có tổ chức Hội. Trong quá trình hoạt động, Hội đã lấy việc “xây dựng Xã hội học tập từ cơ sở” làm mục tiêu và nội dung hoạt động của Hội”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 4 vấn đề về hoạt động của Hội trong thời gian tới. Cụ thể, Hội Khuyến học Việt Nam cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục về chiến lược giáo dục - đào tạo trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, làm cho toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ “đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân được học, học suốt đời”. Đó chính là công việc nâng cao dân trí chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn vốn quý quyết định cho xã hội phát triển.
Quán triệt sâu sắc hơn nữa các Chỉ thị của Bộ Chính trị và của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, làm cho mọi người nhận thức đầy đủ đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để quan tâm hơn nữa việc học tập của nhân dân lao động, của đối tượng ngoài nhà trường, làm cho ai ai cũng được học hành, học tập suốt đời theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học, cụm dân cư khuyến học gắn với nhà trường, gia đình với xã hội. Các phong trào phải thực sự góp phần đổi mới các dạy, cách học trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Hội cần phát triển thêm các hình thức học tập cho người lớn, phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng thêm các Trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương trong cả nước.
Phát hiện kịp thời các năng khiếu, tài năng trong thế hệ trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.
Từ việc xây dựng Quỹ Khuyến học, các cấp hội cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn, tật nguyền. Quỹ Khuyến học không chỉ dừng ở công tác khuyến học mà cần góp phần tạo động lực cho công tác khuyến tài, phát hiện và chăm sóc tài năng của đất nước, mang lại sự công bằng và điều kiện phát triển cho mọi trẻ em Việt Nam.
Tại buổi lễ, lần đầu tiên TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tặng Giải thưởng Khuyến học cho 17 tập thể và 24 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, trong đó có đồng chí Vũ Oanh nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và 2 Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam là GS.TS. Trần Xuân Nhĩ và GS.TS. Phạm Tất Dong. Bên cạnh đó, TƯ Hội cũng đã tặng Bức trướng lưu niệm tới 63 tỉnh, thành có Hội khuyến học.
Thu Hà