Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam:

“Đẩy mạnh xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời”

(Dân trí) - Hôm nay 2/10/2011 là ngày kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội Khuyến Học Việt Nam cũng là ngày Khuyến học VN, ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có bài viết quan trọng về vấn đề đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

“Đẩy mạnh xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời” - 1
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
 
Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế công nghiệp đang chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức trên phạm vi toàn thế giới trong điều kiện tri thức nhân loại phát triển vượt bậc, cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục đạt được những thành tựu kỳ diệu. Để có được bước chuyển biến vĩ đại đó, trong nhiều năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tạo nên ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó nhiều quốc gia đã có chiến lược xây dựng xã hội học tập trong đó mọi người dân đều có cơ hội, có điều kiện học tập và ai cũng học suốt đời. Vì vậy trong khoảng vài chục năm trở lại đây, xây dựng và phát triển xã hội học tập đã trở thành xu thế lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với các nước phát triển, việc phổ cập giáo dục bậc trung học coi như đã hoàn thành, vì vậy trong xã hội học tập, việc cung cấp những tri thức mới cho người dân có học vấn trung học và sau trung học là cơ bản.

Đối với các quốc gia đang phát triển thì việc học tập của người dân được thực hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau: từ thanh toán nạn mù chữ, bổ túc văn hóa tiểu học và trung học, đào tạo nghề, cung cấp học vấn đại học, sau đại học đến việc thường xuyên bồi dưỡng và đào tạo lại nhằm không ngừng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động, v.v… Để thực hiện các yêu cầu đó, các nước đang phát triển phải đổi mới nền giáo dục nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân đều được học và học suốt đời, một mặt coi trọng nâng cao dân trí, mặt khác phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Như vậy tất cả các nước trên thế giới, cả những nước phát triển và những nước đang phát triển đều có chung một yêu cầu là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo bước tiến không ngừng của tri thức nhân loại và của khoa học công nghệ. Từ đó giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia, trở thành quốc sách hàng đầu của nhiều nước, là động lực của sự phát triển, từ đó đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho sự phát triển. Phù hợp với xu thế đó, Đảng ta đã sớm khẳng định: ngay trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã phải xây dựng xã hội học tập.

Mười năm trước đây, khi mới bước vào thế kỷ 21, Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) đã quyết định phải tạo điều kiện cho mọi người dân đều được học theo hệ thống chính quy hoặc không chính quy, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Đại hội toàn quốc lần thứ X tiến thêm một bước khẳng định: “chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập”. Vừa qua Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời (Trích cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Bổ sung và phát triển năm 2011). Xã hội học tập và học tập suốt đời là hai yếu tố tác động lẫn nhau trong mối quan hệ nhân quả. Phải làm cho người dân nhận thức được sự cần thiết và tính chất quan trọng phải học tập suốt đời, có ý thức tự giác học tập và học tập thường xuyên mới xây dựng được xã hội học tập; có xây dựng được xã hội học tập thì người dân mới có cơ hội và điều kiện học tập suốt đời.
 
“Đẩy mạnh xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời” - 2
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương cho Nguyễn Việt Trung, một tài năng âm nhạc Việt tại Ba Lan.

Xây dựng xã hội học tập gắn liền với yêu cầu mọi người dân phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời đã trở thành một xu thế lớn. Có nhiều bài học thành công của xu thế đó. Xin đơn cử một vài ví dụ tiêu biểu:

Nhật Bản là nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945), bại trận nên phải chấp nhận những điều ước nghiệt ngã của phe Đồng minh. Nhưng chỉ sau hơn hai chục năm, nước Nhật đã hồi phục một cách nhanh chóng, trở thành một cường quốc có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ).

Nhiều người gọi đó là “Sự thần kỳ Nhật Bản” và đi tìm lời giải cho sự phát triển thần kỳ đó. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã đi đến kết luận Nhật Bản thành công là do đã giải quyết tốt bài toán chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với việc tổ chức tốt và nâng cao chất lượng đào tạo trong hệ thống các trường học chính quy, Nhật Bản đã có sáng kiến tổ chức học tập cho người lớn tại cộng đồng một cách rất có hiệu quả tại các Kominkan (dịch ra tiếng Việt là Trung tâm học tập cộng đồng). Đây là một thiết chế giáo dục được tổ chức tại khắp các địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân. Chính các Kominkan đã tạo cơ hội và điều kiện cho người dân Nhật được học và học suốt đời, không ngừng nâng cao hiểu biết, phát triển kỹ năng và tay nghề, nhờ đó làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo nên những đột phá về năng suất lao động và về chất lượng cuộc sống của người dân. Tổng Giám Đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Victor Ordonez, đánh giá “Trung tâm học tập cộng đồng có thể coi là phát minh quan trọng nhất về giáo dục mà bấy lâu nay thế giới đang tìm kiếm”. Chính đây là một thiết chế giáo dục quan trọng để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Nhật Bản đã thể chế hóa mô hình Kominkan và thành lập Ủy ban quốc gia về giáo dục suốt đời (1990), từ đó định hướng: cùng với việc nâng cao chất lượng của giáo dục bằng cấp trong hệ thống chính quy cần đẩy mạnh nền giáo dục đề cao giá trị và kết quả học tập trong hệ thống phi chính quy, đặc biệt là thông qua tự học, ở mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi phương tiện. Định hướng này đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng nhiều với hình thức học không chính quy và phi chính quy. Xin nêu một con số: Dân số nước Nhật hiện có gần 130 triệu, nhưng số người đến học tại hơn 18000 Kominkan năm 2010 là gần 250 triệu lượt người. Trong khi đó Việt Nam có gần 86 triệu dân nhưng mới có hơn 13 triệu lượt người đến học tại 10.696 Trung tâm học tập cộng đồng (số liệu của Bộ GD-ĐT tháng 5/2011).

Từ cuối những năm 1980, UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cố gắng phổ biến kinh nghiệm của Nhật Bản tới các nước trong khu vực. Nhiều nước đã vận dụng thành công như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Malayxia, Việt Nam và một số nước khác.

Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới; từ một nước có nền kinh tế phát triển chậm hơn nhiều nước, nhưng hơn 20 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã nhận thấy sự thua kém về trình độ phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là nguyên nhân chính của sự thua kém trong phát triển kinh tế, nên đã đặt ra yêu cầu: “Giáo dục phải có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ kinh tế”. và đã thực hiện ba chuyển đổi lớn trong giáo dục:

- Chuyển giáo dục nghĩa vụ sang giáo dục phổ cập cưỡng bức.

- Chuyển giáo dục nghề nghiệp sơ cấp, trung cấp sang giáo dục nghề nghiệp cao cấp.

- Chuyển giáo dục đại học tinh hoa sang giáo dục đại học đại chúng.

Để thực hiện ba chuyển đổi đó, Trung Quốc chú trọng dạy văn hóa và dạy nghề cho nông dân, tổ chức trung học nghiệp dư cho nông dân, công nhân, người lao động và nhân viên trong các cơ quan, doanh nghiệp; tăng cường mở các lớp đại học tại chức, đại học buổi tối cho công nhân, viên chức; mở rộng hệ thống đào tạo từ xa qua hệ thống phát thanh và truyền hình đối với bậc trung học và cao đẳng cho đông đảo nhân dân.

Tại cộng đồng thôn bản, trưởng thôn hoặc đội trưởng sản xuất phải tổ chức cho dân học các kiến thức, kỹ năng liên quan đến cuộc sống và lao động của cộng đồng.

Chính từ những việc làm cụ thể và bền bỉ đó, đến nay Trung Quốc đã phát triển vượt bậc và mới đây đã trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thay thế vị trí của Nhật.

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các quốc gia nêu trên cho thấy việc xây dựng xã hội học tập là rất quan trọng và là xu thế tất yếu của thời đại phát triển hiện nay. Nhân tố đầu tiên quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia chính là chất lượng nguồn nhân lực, là trình độ lao động sáng tạo của người lao động, là năng lực làm chủ tri thức mới và công nghệ mới. Điều đó chỉ có thể có được trên cơ sở phát triển giáo dục đào tạo, trên cơ sở đẩy mạnh sự học, “học, học nữa, học mãi” như Lê-Nin đã từng nói.

Đến nay nhiều quốc gia đã chủ động đổi mới nền giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở để tạo cơ hội và điều kiện cho người dân học tập suốt đời, đồng thời làm cho mỗi người dân nhận thức một cách sâu sắc rằng muốn có một việc làm tốt, ổn định, muốn cống hiến xứng đáng cho xã hội thì phải luôn cập nhật kiến thức, phải thường xuyên không ngừng tiếp cận với cái mới để có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang biến đổi khôn lường, đáp ứng đòi hỏi phát triển đất nước ngày càng cao.
 
“Đẩy mạnh xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời” - 3
Niềm vui của học sinh trong ngày khánh thành cầu Khuyến học & Dân trí ở Đắk Ang, Ngọc Hồi, Kon Tum.

Ở nước ta như trên đã nêu, Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chủ trương xây dựng Xã hội học tập. Chủ trương xây dựng xã hội học tập ban hành đã trên mười năm nhưng nhiều người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên vẫn chưa nắm được khái niệm xã hội học tập, chưa nhận thức được tính chất quan trọng và sự cần thiết của xã hội học tập do đó chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng xã hội học tập.

Xã hội học tập là một xã hội, trong đó, mọi người dân đều có nhu cầu và nghĩa vụ học tập, đều được tạo cơ hội và điều kiện học tập. Nhà nước đảm bảo cho ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất.

Trong xã hội học tập tất cả các lĩnh vực, các ngành, các tổ chức từ chính trị kinh tế đến văn hoá xã hội… đều có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu học của các thành viên, tạo điều kiện để từng người dân có thể tiếp cận việc học một cách dễ dàng và thuận lợi.

Trong xã hội học tập, mỗi người dân đều có nghĩa vụ tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Quá trình xây dựng xã hội học tập cần được thực hiện theo tinh thần xã hội hóa như chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, của tất cả các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, các đoàn thể quần chúng trong toàn xã hội.

Trong xã hội học tập, nền giáo dục được cấu trúc thành hai hệ thống giáo dục có sự liên thông với nhau, hỗ trợ lẫn nhau: hệ thống giáo dục ban đầu (hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường), chủ yếu dành cho thế hệ trẻ, và hệ thống giáo dục tiếp tục (hệ thống giáo dục không chính quy ngoài nhà trường), chủ yếu dành cho người lớn. Quá trình giáo dục gắn liền với toàn bộ đời sống con người, không phân biệt tuổi tác, ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, mọi người đều có điều kiện học và phải học.
 
“Đẩy mạnh xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời” - 4
Ông Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Nguyễn Mạnh Cầm - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, tặng hoa cảm ơn các nhà tài trợ học bổng "Vòng tay đồng đội".

Để có một tổ chức xã hội làm nhiệm vụ vận động toàn dân học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường và tạo điều kiện mở rộng các hình thức học ngoài nhà trường, Đảng và Nhà nước đã cho thành lập Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến Học Việt Nam). Ngày 2/10/1996 Hội Khuyến Học Việt Nam ra đời.

Đến nay, Hội vừa tròn 15 tuổi. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Hội Khuyến Học Việt Nam đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng có trên 8,5 triệu hội viên. Tổ chức của Hội đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành, 100% huyện, thị, quận, gần 100% xã, phường, nhanh chóng lan toả đến hầu hết các, thôn, bản, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, nhà chùa, xứ đạo… với gần 300.000 chi hội. Nhiệm vụ chính trị của Hội là đẩy mạnh các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.

Về công tác khuyến học, Hội đã tích cực động viên mọi người tham gia học tập, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa trong giáo dục, đặc biệt hỗ trợ các em học sinh nghèo có điều kiện học tập, thực hiện công bằng trong giáo dục. Hàng năm có tới trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên nghèo và học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi được nhận học bổng từ các quỹ khuyến học. Nhiều trường học, nhiều xã nghèo được Hội giúp xây dựng trường lớp, tủ sách hoặc thư viện, nhân dân nhiều địa phương đã góp tiền, hiến đất, góp vật tư xây dựng trường lớp bị xuống cấp hoặc bị hư hỏng do thiên tai. Nhiều học sinh nghèo được nhận thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều học sinh khuyết tật được trang bị phương tiện hỗ trợ điều kiện để có thể tới trường.

Đối với người lớn: nông dân ở nông thôn, lao động ở thành thị, Hội đã cùng ngành giáo dục và đào tạo xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng, một thiết chế giáo dục thực sự của dân, do dân và vì dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Đến nay đã có 10.696 Trung tâm, chiếm trên 96% số xã, phường, thị trấn trong cả nước. Mỗi năm, có hơn 13 triệu lượt người đến các trung tâm học tập cộng đồng để được tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ cần cho sản xuất, được nghe thông báo về thời sự, học tập chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được nghe phổ biến các luật lệ cần thiết v.v...

Về công tác khuyến tài, mỗi năm Hội đã có hàng chục nghìn phần thưởng dành cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, những thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, các học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, Hội đã tổ chức “Giải thưởng Nhân tài đất Việt” hàng năm, lúc đầu về Công nghệ - Thông tin, tiếp đó mở rộng sang lĩnh vực khoa học tự nhiên, y học và sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác , qua đó động viên được đông đảo người dân, nhất là thanh niên, đi sâu vào công tác nghiên cứu sáng tạo, kết quả là nhiều công trình được ứng dụng vào sản xuất và đời sống một số công trình được xuất khẩu ra nước ngoài, được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá là "vườn ươm nhân tài cho đất nước".
 
Thực hiện chỉ thị 11- CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội đã và đang nỗ lực thực hiện vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội... trong cuộc vận động toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các hoạt động của Hội đều được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng nên các cuộc vận động do Hội đề xướng như xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, thôn, bản, khu phố khuyến học... đều được mọi người tích cực tham gia thực hiện. Hiện nay, rất nhiều cơ quan, xí nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đã mở các lớp học thường xuyên để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, công nhân, chiến sĩ... Rất nhiều doanh nghiệp đã có những khoản ngân sách dành riêng cho việc hỗ trợ giáo dục. Các chi nhánh của Quỹ Khuyến học như Quỹ nhân ái, Quỹ vòng tay đồng đội... còn giúp xây dựng cầu, đường, cung cấp phao cứu hộ, xuồng... để cho trẻ em ở những vùng sông nước có điều kiện thuận lợi đến trường.

Tuy xây dựng xã hội học tập và yêu cầu học tập suốt đời là một xu thế lớn, xu thế chung của thế giới hiện đại, nhưng do mỗi nước đều có hoàn cảnh và điều kiện khác nhau nên không thể có một mô hình định sẵn để các nước noi theo, mỗi nước xuất phát từ xu thế chung đó phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình mà xây dựng xã hội học tập phù hợp. Đặc biệt đối với nước ta do có rất nhiều khác biệt giữa các vùng miền: giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền ngược, giữa đồng bằng, trung du và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, khác biệt không chỉ về trình độ học vấn, mà cả về trình độ dân trí, khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, khác biệt cả về điều kiện địa lý tự nhiên nên xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập không thể ngày một ngày hai có thể thực hiện được. Chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đi từng bước vững chắc, đi từ cơ sở đi lên. Trong sự nghiệp này, truyền thống hiếu học từ ngàn đời của dân tộc và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, là yếu tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thành công. Trong những năm trước mắt Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đào tạo, với sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội... quyết ra sức thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng “đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời” nhằm trong tương lai không xa đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái, đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm