Hội Khuyến học qua 20 năm hoạt động (1996 - 2016):

Hội Khuyến học Việt Nam: 20 năm phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội học tập

(Dân trí) - Hội Khuyến học hoàn toàn không có mục đích tự thân, mà mọi hoạt động của Hội đều hướng vào mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, mọi công tác khuyến học, khuyến tài đều để phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội học tập.

Cuộc vận động thành lập Hội Khuyến học Việt Nam

Đầu năm 1995, trước yêu cầu chấn hưng nền giáo dục, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục tư tưởng đạo đức yếu kém và lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một bộ phận học sinh, sinh viên mờ nhạt, số học sinh phổ thông chán học và bỏ học ngày càng nhiều, số người mù chữ tăng lên…, Đảng chủ trương “huy động toàn xã hội làm giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng nền giáo dục dưới sự quản lý của Nhà nước…” . Ý tưởng về việc thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ các hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục học đường, vận động người dân đi học để nâng cao dân trí, phát triển sản xuất… đã chín muồi. Ban vận động thành lập một Hội có chức năng hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục đã hình thành và hoạt động.

- Ngày 30/4/1995, Ban Vận động gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam.

- Ngày 26/6/1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân có công văn số 4459/VP-BGDĐT lên Thủ tướng Chính phủ, ủng hộ việc thành lập Hội.

- Ngày 11/7/1995, Ban Vận động gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập Hội. Kèm theo tờ trình là Bản dự thảo Điều lệ Hội.

- Ngày 3/8/1995, Ban Vận động làm việc với Ban Tổ chức – Cán bộ của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ thành lập Hội và kế hoạch tổ chức Đại hội thành lập Hội.

- Từ 1/11/1995 đến giữa tháng 12/1995, Ban Vận động đã trình bày 3 chức năng cơ bản của Hội để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, cố vấn Chính phủ Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ.

Hội có 3 chức năng cơ bản đó là:

Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam không kể giàu nghèo, có quyền lợi bình đẳng trong học tập và không ngừng nâng cao kiến thức.

Hỗ trợ giáo viên, trước hết là những cơ sở đào tạo giáo viên những điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống, yên tâm với nghề, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn.

Tư vấn về phát triển sự nghiệp giáo dục cho các cơ quan chức năng và địa phương.

Ban Vận động thành lập Hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và khích lệ của các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự đóng góp ý kiến vào các văn kiện thành lập Hội của nhiều nhà quản lý giáo dục, nhiều nhà khoa học và văn hóa, nhiều cán bộ của các Bộ, Ban, Ngành. Nhân dân tại nhiều địa phương đã sẵn sàng gia nhập Hội bởi chấn hưng và đổi mới giáo dục là nguyện vọng của mọi người, khuyến học, khuyến tài là đại nghĩa của dân tộc. Đặc biệt, tại Quảng Nam – Đà Nẵng, năm 1991, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra Quyết định cho phép thành lập Hội Khuyến học tỉnh.

Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 122/TTg, duyệt y việc thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam).

Ngày 26/9/1996, Cố vấn Chính phủ Phạm Văn Đồng đã nghe Ban Vận động thành lập trình bày về chương trình hành động của Hội sau ngày thành lập. Ông đã căn dặn Ban Vận động nhiều vấn đề cơ bản và nhấn mạnh mấy điều sau:

Ngay từ đầu, cán bộ và hội viên của Hội phải giữ vững nhiệt tình trong hoạt động dù gặp phải những khó khăn. Hội phải góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết trong giáo dục, làm việc gì phải bảo đảm hiệu quả thiết thực của việc đó.

Ban đầu, điều kiện hoạt động của Hội còn hạn chế, tiềm lực hoạt động chưa nhiều, do vậy phải chọn việc cho trúng, vừa với khả năng của mình, ngay từ đầu phải tạo lòng tin của dân đối với tổ chức Hội.

Trong hoạt động, Hội phải nói ít, làm nhiều, làm từ việc nhỏ rồi dần dần làm những việc lớn hơn.

Hội phải liên hệ chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các cơ quan chức năng của Chính phủ, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Ngày 2/10/1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt đã được long trọng tổ chức tại Hà Nội. Sau đúng 110 năm thành lập Hội Đông Du và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục với khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, sau 78 năm phong trào Truyền bá Quốc ngữ với phương châm hoạt động “Chữ Quốc ngữ cho mọi người”, một tổ chức xã hội thời hiện đại đã ra mắt nhân dân để thực hiện ý tưởng “Giáo dục cho mọi người, mọi người vì giáo dục” nhằm mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, hướng đến một xã hội công bằng xã hội về giáo dục.

Hội Khuyến học qua các thời kỳ Đại hội:

Đại hội lần thứ I (Nhiệm kỳ 10/1996 – 6/1999)

Ngày 2/10/1996, Đại hội lần thứ I (Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam) được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (46- Tràng Thi – Hà Nội). Hơn 200 đại biểu, đại diện cho gần 100.000 hội viên thuộc 21 tỉnh, thành phố có tổ chức khuyến học đã về dự Đại hội.

Hội Khuyến học Việt Nam: 20 năm phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội học tập - 1

Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội, chương trình hoạt động nhiệm kỳ I và cử Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa I gồm 41 người trong đó:

- Chủ tịch Hội: GS.NGND Nguyễn Lân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội. Tại Đại hội, Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng. Ông nhấn mạnh:

“Thời đại của chúng ta là thời đại của những chuyển biến lớn lao về chính trị, xã hội, thời đại của những tiến bộ nhảy vọt về khoa học và công nghệ. Giáo dục là con đường cơ bản để phát huy tiềm lực của cộng đồng, của con người Việt Nam vốn có truyền thống hào hùng, tài năng sáng tạo, thông minh và hiếu học, biến những phẩm chất quý báu đó thành sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa lại sự phồn vinh cho đất nước và đời sống tốt đẹp cho mọi người.

Sự ra đời của Hội Khuyến học – một tổ chức tự nguyện của những người tha thiết với sự nghiệp giáo dục của đất nước – là sự tiếp nối truyền thống văn hiến nghìn năm của cha ông nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học của dân tộc”.

Đại hội lần thứ II (Nhiệm kỳ 6/1999 – 12/2005)

Ngày 16/6/1999, Đại hội II đã được tiến hành tại Hà Nội. Tham gia Đại hội có 152 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 500.000 hội viên thuộc 28 tỉnh, thành Hội trong cả nước.

Đại hội đã thông qua Chương trình hành động của nhiệm kỳ 1999 – 2002, thông qua Điều lệ sửa đổi và bổ sung Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa II gồm 86 ủy viên, trong đó có 31 vị là ủy viên thường vụ.

- Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Chủ tịch: Vũ Oanh


Đại hội lần thứ II (Nhiệm kỳ 6/1999 – 12/2005)

Đại hội lần thứ II (Nhiệm kỳ 6/1999 – 12/2005)

Đại hội chủ trương đẩy mạnh các hoạt động chính sau đây:

- Nhanh chóng phát triển các tổ chức của Hội ở các địa phương nhằm tạo ra một hệ thống hoạt động của Hội trên 63 tỉnh, thành trong cả nước;

- Phát triển mạnh số hội viên tại địa bàn cơ sở xã/phường, thôn/bản…

- Liên kết, phối hợp, vận động các Ban, Ngành, đoàn thể, các tổ chức nước ngoài hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, phần thưởng cho học sinh giỏi.

Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1/2006 – 9/2010)

Ngày 5-6/12/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hội đã được tiến hành tại Hà Nội. Tham gia Đại hội có 485 đại biểu chính thức và 150 khách mời.

Ban Chấp hành Trung ương Hội có 133 Ủy viên:

- Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cầm


Đại hội III - Hội Khuyến học Việt Nam

Đại hội III - Hội Khuyến học Việt Nam

Đại hội đã đón nhận bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt với dòng chữ:

HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT

KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

XÂY DỰNG CẢ NƯỚC TRỞ THÀNH MỘT XÃ HỘI HỌC TẬP

Đại hội cũng đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Nhà nước về những hoạt động xuất sắc của Hội trong 9 năm phát triển.

Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu tại Đại hội.

“Khuyến học, khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta, còn xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học trong cả nước, có nhiệm vụ chính trị là xây dựng học tập từ cơ sở xã, phường, thôn bản, thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đại hội lần thứ IV (Nhiệm kỳ 2/2010 - 2015)

Ngày 29/9/2010, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội được triệu tập tại Hà Nội. Tham gia Đại hội có 467 đại biểu chính thức, được cử từ 63 tỉnh, thành Hội, đại diện cho hơn 7.500.000 hội viên. Có 65 đại biểu là khách mời, đại diện cho các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể và nhiều tổ chức xã hội.

Đại hội đã đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng.

Đại hội đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IV gồm 115 ủy viên.

- Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cầm


Đại hội Khuyến học Việt Nam lần thứ IV

Đại hội Khuyến học Việt Nam lần thứ IV

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội.

Đồng chí Trương Tấn Sang đã đánh giá cao hoạt động của Hội qua 15 năm xây dựng và phát triển:

“… Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập là nhiệm vụ lớn lao và cao cả của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam có vai trò quan trọng và trách nhiệm to lớn. Những kết quả đạt được của Hội Khuyến học trong nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng, nhưng nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới là rất nặng nề”.

******

Trong 20 năm xây dựng và phát triển của mình, Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn được sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Hiếm có một tổ chức xã hội non trẻ nào như Hội có được nhiều các Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị của các cấp ủy và chính quyền các cấp.

Sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đã giúp cho Hội mau chóng phát triển và trưởng thành, từng bước đi lên chắc chắn, ngày càng đóng góp được nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng giáo dục, xây dựng xã hội học tập.

Nhiệm vụ chính trị của Hội đã sớm được Đảng xác định. Đảng và Nhà nước yêu cầu cao vai trò của Hội trong cuộc vận động nhân dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

Do thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, sau hơn 15 năm hoạt động, Hội đã được nhà nước công nhận là một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước.

Hội đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng hội viên và các tổ chức Hội lẫn về năng lực hoạt động. Kết thúc 20 năm hoạt động đầu tiên, Hội sẽ chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng những mô hình học tập từ cơ sở để góp phần từng bước đưa xã hội ta hòa nhập xã hội thông tin trên thế giới, chuyển nhanh nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và chuẩn bị điều kiện đi vào kinh tế tri thức.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm