Học Văn và bệnh thành tích
(Dân trí) - Nhân đọc bài “Băn khoăn con học thuộc theo bài mẫu” của tác giả Hoài Nam, bản thân tôi là một giáo viên dạy Văn cảm thấy sao mà đúng với thực trạng hiện nay vậy. Đây là những băn khoăn, trăn trở của phần lớn giáo viên trực tiếp dạy Văn bây giờ.
Là một giáo viên dạy Văn cấp 2, bản thân tôi nhận thấy hiện nay có một bộ phận không nhỏ học sinh “xem thường” môn học. Hầu hết các em chỉ tập trung vào các môn tự nhiên. Ngay cả như một số phụ huynh cũng cho rằng: Môn Văn chỉ cần đọc nhiều sách tham khảo là được cần gì học nhiều; học Văn sau này không có tương lai… Mà văn mẫu thì bây giờ thì bán tràn lan. Hầu hết nhà sách nào cũng sẵn có. Hay muốn bài nào mở mạng là sẽ có ngay.
Với quan điểm đó nên một bộ phận học sinh không mặn mà lắm với môn học. Hầu hết khi làm bài các em thường dựa vào văn mẫu hoặc dựa vào các ý trong đề cương hay trong dàn ý thầy cô cho sẵn mà viết lại nên rất hạn chế về mạch cảm xúc (không chân thật, còn gượng ép). Rất ít học sinh chịu tìm tòi khám phá ra các ý mới, ý riêng, sâu sắc, ý hay do chính bản thân các em cảm nhận.
Ngay cả con trai tôi, cháu đang học cấp 1 cũng vậy, các cháu làm văn theo kiểu học thuộc theo bài mẫu. Gần đến thi là thầy cô cho những dàn ý chính để các em dựa vào đó làm bài. Sau khi các em hoàn chỉnh thành bài văn thì học thuộc để đến ngày thi mà viết. Tôi góp ý lại với cháu rằng làm văn cần có sự sáng tạo, con cứ suy nghĩ và tưởng tượng sao thì viết vậy. Thế nhưng cháu nhất định không nghe mẹ mà cứ quan điểm “Cô con bảo thế”. Khi tả về bà thì nhất định bà phải già, tóc bạc phơ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Hay tả bạn cứ theo mô típ mũi dọc dừa, môi trái tim... Tình trạng này khiến các em làm văn cứ na ná giống nhau (điều này đã có rất nhiều người phản ánh).
Bây giờ có rất nhiều học sinh không biết làm văn, các em thường có tình trạng sao chép. Nhất là những bài viết cho làm ở nhà. Hầu hết các em sao y bản mẫu. Còn khi làm bài kiểm tra ở trên lớp nếu ra đề khác một chút là các em không biết làm. Hoặc có làm cũng viết một cách chung chung. Vì thế bài văn thường nhạt nhẽo, đơn điệu.
Giáo sư Lê Trí Viễn từng có lời nhắn nhủ: “Dạy văn lấy cảm làm đầu”. Người giáo viên dạy học sinh làm văn không thể nghèo cảm xúc. Cho nên hướng gợi ý học sinh làm bài phải xuất phát từ những rung cảm chân thật. Làm sao để các em phát huy được tính tích cực, sáng tạo, không gò ép theo khuôn mẫu. Hãy để các em viết theo suy nghĩ của mình.
Người ta bây giờ đổ tại bệnh thành tích trong giáo dục không phải không có lý. Cha mẹ muốn con cái phải giỏi, thầy cô muốn đạt chỉ tiêu. Chính vì vậy mà vấn đề này cứ nói mãi, nói hoài không hết.
Tôi rất tâm đắc nhận định của TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) trong bài viết của tác giả Hoài Nam: “Trẻ cầm bài văn về nhà đọc thuộc để hôm sau đến lớp chép lại, trẻ được học trước mỗi khi đến lớp có dự giờ là căn bệnh hình thức trong giáo dục nhưng còn gọi là bệnh giả dối”. Học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải được uốn nắn nhân cách. Sao chép ý tưởng của người khác từ bé sẽ dẫn đến những hệ lụy rất lớn sau này. Do đó chúng ta những người làm công tác giảng dạy nói chung và trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn nói riêng cần có sự đổi mới lại trong cách dạy học.
Đầu tiên là việc ra đề kiểm tra và đề thi cần có tác dụng gợi tư duy sáng tạo. Khi chấm bài, giáo viên cần phê cụ thể những lỗi sai của các em, không nên phê chung chung. Giáo viên cũng khuyến khích các em mạnh dạn trong việc trình bày ý kiến, suy nghĩ riêng của mình về bài văn. Các tiết trả bài giáo viên cũng sửa những lỗi sai, đọc bài văn hay để các em tham khảo, rút kinh nghiệm. Nhưng để làm được điều này thiết nghĩ ngành giáo dục cần phải “cởi và bỏ” căn bệnh thành tích ra khỏi chỉ tiêu đăng kí thi đua từ đầu năm.
Đây là vấn đề không mới chút nào nhưng nói mãi vẫn không hết.
Trần Thị Loát
(GV trường THCS Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!