Băn khoăn con học thuộc theo bài mẫu

(Dân trí) - Trong thời gian ôn luyện học kỳ, học sinh, nhất là ở bậc tiểu học thường được giáo viên giao đề cương ôn tập rồi yêu cầu học thuộc. Điều này làm không it phụ huynh băn khoăn không biết nên để con học theo mẫu hay học theo cách sáng tạo.

Chị Lê Lan Hương, có con học lớp 3 kể, trong kỳ thi học kỳ vừa rồi con chị và tất cả học sinh trong lớp được cô giao cho nhiều đề cương ôn tập của các môn. Như môn Văn có 4 bài văn mẫu, cháu chép sẵn ở trong vở về nhà chép đi chép lại để thuộc bài. Các bài Văn mẫu này theo chị được biết, cô chọn lọc từ những bài hay của các bạn trong lớp rồi... "phổ biến" xuống tất cả học sinh.

Không chỉ môn Văn mà phần Tiếng Việt, các môn học khác cô cũng cho đề cương, đáp sẵn yêu cầu phụ huynh về giúp con ôn bài. Chị Hương rất băn khoăn, không biết nên hướng cho con học thế nào vì chị sợ những bài học mẫu, cháu chỉ đọc như con vẹt sẽ ảnh hưởng xấu đến con, làm cháu mất đi sự sáng tạo, động não.


Nhiều học trò được ôn thi theo cách... chép học thuộc bài văn mẫu. (Ảnh minh họa)

Nhiều học trò được ôn thi theo cách... chép học thuộc bài văn mẫu. (Ảnh minh họa)

Nhưng nếu khuyến khích con học khác đi, nghĩ theo cách của mình cũng rất khó vì có thể ảnh hưởng đến kết quả thi cử của con. Chị tự đánh giá mình không có khả năng sư phạm nên cũng không biết hướng dẫn con cách nào thì tốt nhất.

Anh Ngô Minh Triệu, ở Gò Vấp (TPHCM) cho biết, mình rất khó chịu với cách học bài, ôn tập của con. Ngoài một số môn có sẵn bài cô giao chỉ việc đọc thuộc, còn lại cháu làm bài theo kiểu chép ra vở rồi đọc như con vẹt “hót” lại lời người khác, khi hỏi lại là ngắc ngứ.

Anh Triệu bức xúc kêu quá chán với bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục cũng như cách dạy học của giáo viên. “Tôi rất muốn khích lệ con học khác đi, viết khác đi... nhưng rất khó vì cháu cũng không diễn đạt, không tư duy được trôi chảy suy nghĩ của mình. Mà học thế này thì không khác nào cái máy đọc chép”, anh nói.

Chị Bích Thục, có con học ở quận 7 (TPHCM) kể, chị cũng hết hồn và bực tức khi cô giáo dặn chị về nhà nhắc con học thuộc ba bài văn trong tập vì sắp thi hết học kỳ. Nhưng khi đó, chưa hiểu rõ đầu đuôi nên chị cũng im lặng. Về nhà chị hỏi lại con thì cháu nói đó là những bài văn cháu tự làm, cô có chỉnh sửa lại một ít cho trôi chảy hơn.

Theo chị, thế này cũng không thoát được bệnh thành tích nhưng chị thấy còn tạm chấp nhận được.

Nhiều phụ huynh cũng cho biết, bài mẫu không chỉ là những bài trong sách mà bài do chính các em viết, được cô chỉnh sửa để thành bài mẫu để học sinh học thuộc. Việc chỉnh sửa bài viết cho học sinh là cần thiết nhưng chính giáo viên lại không thoát ra được “đóng khung” của bài văn mẫu, của tư duy áp đặt lên bài viết của học trò.

Có học sinh tả bố mẹ, ông bà... đúng như người thân của mình như mẹ em tóc tém, nhuộm vàng, ăn nói bô bô; bà em tóc nhuộm, mặc đầm, chạy xe ga vèo vèo... dễ bị giáo viên “chỉnh” lại theo bài văn mẫu. Mẹ phải là tóc dài, da trắng, giọng nói nhỏ nhẹ hiền lành; bà em thì phải tóc bạc trắng, nhai trầu, cưới móm mém, hiền lành... hình ảnh từ những bài văn mẫu được truyền từ nhiều thế hệ vẫn “hình tượng” ăn sâu trong nhiều nhà giáo.

Hay nói một cách khác, chính giáo viên cũng là sản phẩm của văn mẫu và giờ họ tiếp tục đào tạo theo con trẻ theo cách mình đã được học.

Một phụ huynh chia sẻ, năm học trước, con chị được giáo viên giao đề viết văn về anh chị em. Cháu viết về đứa em họ con dì nhưng khi đến lớp cô yêu cầu chỉnh lại thành em gái ruột, trong khi vợ chồng chị mới chỉ có mỗi cháu.

Chị bày tỏ: “Trước khi chuẩn bị thi học kỳ là cô cho các con học thuộc một số bài văn các con đã làm và đã được cô chỉnh sửa để thi. Nếu mình cố gắng làm khác đi thì cháu rất dễ nhận điểm thấp trong kỳ thi”.

Theo TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, cảnh đứa trẻ cầm bài văn về nhà đọc thuộc để hôm sau đến lớp chép lại, trẻ được học trước mỗi khi lớp có dự giờ là căn bệnh hình thức trong giáo dục nhưng gọi là bệnh giả dối còn chính xác hơn.

Bà Hương nhận được rất nhiều chia sẻ của phụ huynh về trường hợp cụ thể về việc học văn mẫu, văn học thuộc trong mỗi kỳ thi. Mà theo bà, thông qua cách học đó, những bài văn đó, người lớn giả dối và đang tiếp tay, dạy cho trẻ về sự giả dối.

Tình trạng vi phạm bản quyền, ăn cắp chất xám diễn ra một cách "hồn nhiên" ở ta cũng đã có nhiều lời cảnh báo đó là một phần hậu quả của việc từ nhỏ các em đã được làm quen, được dạy với việc chép lại bài văn của người khác rồi ngang nhiên ký tên mình.

Hoài Nam