Học từ doanh nghiệp, sinh viên HUTECH giàu kinh nghiệm ngay trước khi ra trường
(Dân trí) - Trong thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay, kinh nghiệm là yếu tố hàng đầu mà nhà tuyển dụng đặt ra để “sát hạch” ứng viên khi phỏng vấn. Nắm bắt yêu cầu đó, một số trường Đại học đã triển khai nhiều hình thức đào tạo thực tiễn để sinh viên có dịp tích lũy kinh nghiệm từ trước khi ra trường.
Thuộc nhóm những trường tiên phong và thành công với mô hình Đại học - Doanh nghiệp, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) điển hình cho phương pháp “học từ doanh nghiệp”, tăng cường tính thực tiễn của chương trình và phát triển năng lực làm việc cho sinh viên. Nhưng “học từ doanh nghiệp” với sinh viên HUTECH không chỉ đơn giản là... đi doanh nghiệp!
Mô phỏng doanh nghiệp - “bước đệm” đầu tiên để làm quen thực tế
Với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn mà còn vững kỹ năng nghề nghiệp, thích nghi tốt với môi trường làm việc, chương trình đào tạo của HUTECH được xây dựng hết sức tinh giản, cô đọng và chú trọng tính thực tiễn. Bên cạnh các phương pháp giảng dạy linh hoạt, HUTECH không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện tối đa để sinh viên trải nghiệm thực hành và sớm “thích nghi” với môi trường làm việc trong tương lai.
Chẳng hạn, nếu như sinh viên Kế toán, Tài chính - Ngân hàng sẽ là kế toán viên, giao dịch viên,... tại Ngân hàng thực hành HUTECH Bank hay Phòng thực hành nghiệp vụ, thì sinh viên nhóm ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn lại “biến hình” thành các đầu bếp, bartender, hotelier,... trong hệ thống thực hành nhà bếp - nhà hàng - khách sạn “chuẩn sao” ngay tại trường. Còn sinh viên các ngành như Công nghệ kỹ thuật ô tô hay Cơ khí, Điện tử thì sao? Tất nhiên là học tập tại garage ô tô, xưởng cơ khí, trung tâm thực hành điện - điện tử,... mô phỏng môi trường của các doanh nghiệp hiện đại rồi.
Học từ kinh nghiệm thực tế - khi doanh nhân là “giảng viên”
Song song với kiểu học mô phỏng để phát triển năng lực thực hành, sinh viên HUTECH còn được học với doanh nghiệp qua nhiều hình thức hấp dẫn khác - từ hội thảo, talkshow, workshop,... đến những cuộc chơi, cuộc thi. Như cuối tháng 5 vừa qua, các doanh nhân Nguyễn Phi Vân, Nguyễn Tuấn Quỳnh (CEO SaigonBooks) đã truyền cảm hứng học tập, chia sẻ kinh nghiệm đến đông đảo sinh viên HUTECH thông qua chuỗi tọa đàm định kỳ “Đối thoại cùng CEO”. Một “giảng viên” quen thuộc khác của sinh viên HUTECH là Giám đốc thương hiệu Trà sữa Toco Toco - người truyền cảm hứng hết sức hợp lý cho những môn học như Chiến lược kinh doanh, Xây dựng hệ thống bán lẻ,...
Điểm nhấn không thể bỏ qua của kiểu học này chính là sự cố vấn trực tiếp của các chuyên gia, các doanh nhân giàu kinh nghiệm để sinh viên có dịp học hỏi, có thêm cơ hội “hiện thực hóa” những ý tưởng tiềm năng. Học từ doanh nghiệp đối với sinh viên HUTECH không giới hạn ở kinh tế - quản trị hay công nghệ - kỹ thuật mà còn mở rộng đến những ngành mang “chất” nghệ thuật. Đầu tháng 6/2019, sinh viên Thiết kế thời trang HUTECH vừa trải qua kỳ học đáng nhớ khi những NTK tên tuổi, sở hữu thương hiệu riêng như NTK Hoàng Minh Hà, NTK Lê Thanh Hòa, NTK Đặng Thị Mỹ Dung (Midu),... vừa là mentor, vừa là giám khảo cuộc thi Thiết kế thời trang HUTECH Designer. Với tinh thần “chơi mà học” đó, nhiều tài năng sinh viên đã thành công nhờ “vườn ươm” kết nối Đại học - Doanh nghiệp.
Học kỳ doanh nghiệp - “thử lửa” để biết doanh nghiệp cần gì
Dù mỗi ngành học có một “xì-tai” riêng nhưng hầu hết sinh viên HUTECH đều có cơ hội “thử lửa” với Học kỳ doanh nghiệp - có thời lượng như một học kỳ chính thức, dưới sự hướng dẫn từ đại diện các doanh nghiệp đối tác của trường. Nếu như TMA Solutions, FPT Software HCM, CMC Telecom,... là “giảng đường” của sinh viên Công nghệ thông tin thì Bệnh viện Gia Định, Bệnh viện Thống Nhất, các công ty dược Amvipharm, Pharmaland, 3/2,... là địa điểm học tập của sinh viên ngành Dược. Tại đây, các bạn sẽ được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn và tham gia làm việc như một nhân sự chính thức, giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm ngay khi chưa ra trường.
Từ khía cạnh của nhà tuyển dụng, nhất là trong thời điểm tiêu chí tuyển dụng ngày càng nâng cao như hiện nay, dễ thấy rằng các doanh nghiệp sẽ “trải thảm” đón những sinh viên vừa giỏi chuyên môn vừa vững kỹ năng nghề nghiệp lại có vốn kinh nghiệm nhất định - những người có thể làm việc ngay mà không cần đào tạo lại! Về phía sinh viên, các bạn sẽ không phải e ngại về khoản “kinh nghiệm” trong yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, ngay cả khi vừa tốt nghiệp (hay thậm chí là chưa ra trường!). Mang tại lợi ích thiết thực cho cả sinh viên và nhà tuyển dụng, kiểu “học từ doanh nghiệp” cũng là “giải pháp” hiệu quả nâng cao chất lượng cho thị trường lao động Việt Nam.