Học trực tuyến: Thầy cô "tham" kiến thức sẽ làm trẻ mất tập trung
(Dân trí) - Mỗi giờ dạy, giáo viên cần hết sức chú ý đến ngưỡng tập trung của học trò. Nếu thầy cô quá "tham" kiến thức, kéo dài thời gian học online thì trẻ sẽ mất tập trung và suy giảm hứng thú học tập.
Tăng tương tác, tối ưu hóa nội dung bài giảng
Để hướng đến tính hiệu quả lâu dài của hình thức dạy học trực tuyến, TS. Hoàng Trung Học - Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, đưa ra một số lời khuyên cho đội ngũ giáo viên.
Theo Tiến sĩ, mỗi giờ dạy, giáo viên cần hết sức chú ý đến ngưỡng tập trung của học trò. Nếu thầy cô quá "tham" kiến thức, kéo dài thời gian học online thì trẻ sẽ mất tập trung và suy giảm hứng thú học tập. Thông thường, khi học online, thì khả năng chú ý của trẻ thậm chí còn thấp hơn so với ngưỡng tập trung chú ý trung bình của lứa tuổi.
Để gia tăng hiệu suất học trực tuyến, nhà giáo cần cố gắng tạo ra sự tương tác tối đa với học trò thông qua các câu hỏi và nội dung các hoạt động dạy học.
Trong quá trình dạy học, thầy cô cũng có thể khuyến khích trẻ bằng cách dành tặng cho các em những ngôi sao, sticker, những lời khen, tích lũy điểm số… để đảm bảo luôn hút được trẻ về phía mình.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần giao cho trẻ nhiệm vụ học tập vừa sức, và kiểm tra sát sao việc hoàn thành nhiệm vụ ấy.
"Trong quá trình dạy học online, các thầy cô cố gắng hạn chế sự dàn trải, cần tập trung dạy những nội dung quan trọng nhất. Những nội dung khác có thể hướng dẫn học sinh tự học ở nhà và giáo viên có biện pháp phù hợp để kiểm tra mức độ hoàn thành nhiệm vụ này" - TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhà giáo Vũ Thu Hương (Hà Nội) đề xuất các địa phương và nhà trường nên tiến hành tổ chức thời khóa biểu học tập phù hợp với lứa tuổi và khả năng tiếp thu của học sinh.
Cụ thể, thay vì bê nguyên một tiết học 45 phút, các nhà trường cần giảm thời lượng một tiết học xuống 35-40 phút, giữa giờ có giải lao 10 - 15 phút, mỗi buổi chỉ nên 3 tiết, ngày 2 buổi, thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học linh hoạt, phù hợp với thời gian sinh hoạt gia đình học sinh hiện nay. Điều này sẽ giảm bớt phần nào cảm giác mệt mỏi cho cả thầy và trò.
"Covid-19 làm đảo lộn những thứ tưởng chừng không thể thay đổi trong ngành giáo dục. Việc triển khai dạy và học trực tuyến vẫn tồn tại vô vàn khó khăn, tuy nhiên, dưới một góc nhìn tích cực, đây cũng chính là cơ hội để cả giáo viên và học sinh tiếp cận phương pháp học tập và nguồn học liệu mới.
Chuyển sang học trực tuyến, học sinh có thêm một phương pháp, kỹ năng. Do đó, phụ huynh, giáo viên và học sinh cần tìm cách bắt nhịp, thích nghi, thay vì có tư tưởng loại bỏ và chỉ xem học trực tuyến là một giải pháp tạm thời, ứng phó vì dịch".
Cha mẹ cần chuẩn bị cho con tâm thế học trực tuyến
TS. Hoàng Trung Học cho rằng, không có phương pháp, hình thức dạy học nào tối ưu. Việc vận dụng phù hợp các biện pháp, hình thức dạy học sẽ tạo ra hiệu quả trong những điều kiện cụ thể. Dạy học trực tuyến, nếu biết tổ chức tốt sẽ là phương pháp đạt hiệu quả tối ưu trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện tại.
Trên thực tế, học sinh có độ tuổi càng nhỏ thì việc học trực tuyến càng khó khăn do những đặc điểm tâm lý như: khả năng tập trung, năng lực tương tác với công nghệ kém và những đặc điểm cụ thể của mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học với từng cấp học. Đây là vấn đề các nhà giáo và cha mẹ học sinh cần đặc biệt lưu tâm.
"Để nâng cao chất lượng học trực tuyến cho học sinh, phụ huynh cần lưu ý. Thứ nhất, cần đảm bảo phương tiện, kỹ thuật học tập, đường truyền internet tốt. Nếu trong quá trình học, mạng liên tục bị ngắt quãng, máy móc gặp trục trặc… sẽ gây phân tán chú ý, ảnh hưởng đến việc tiếp thu và động cơ học tập của các em.
Thứ hai, cha mẹ cần chuẩn bị tâm thế học tập thật tốt cho con trẻ. Để làm được điều này, cha mẹ cùng với thầy cô cần làm công tác tư tưởng, giúp để trẻ hiểu rằng học trực tuyến vẫn là học, cần sự nghiêm túc và đầu tư tâm sức thực sự.
Ngoài ra, cha mẹ cần sát sao trong việc quản lý thời gian và mục đích sử dụng công nghệ của con; trước khi vào giờ học cần nhắc nhở chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, phương tiện học tập, ngồi vào bàn học nghiêm túc, đúng giờ.
Thứ ba, phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ một không gian học tập yên tĩnh, đủ ánh sáng, bàn ghế học tập đảm bảo vệ sinh học đường. Điều đặc biệt quan trọng là cha mẹ cần trở thành người thầy thứ hai để đồng hành, tiếp sức con trong quá trình học trực tuyến".
Tiến sĩ Hoàng Trung Học cũng lưu ý, trong quá trình học online, hoạt động tự học của học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một đứa trẻ không có tinh thần tự giác sẽ không thể học tập trực tuyến hiệu quả.
Vì vậy, bố mẹ cần rèn cho con khả năng tự học bằng cách thường xuyên hỏi, nhắc nhở con hoàn thành bài tập và trao đổi với thầy cô về những vấn đề, khó khăn mà con mắc phải trong quá trình học để giáo viên có thể điều chỉnh hoặc hỗ trợ học sinh kịp thời.