1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Phụ huynh Đà Nẵng "loay hoay" không biết cho con học trực tuyến ra sao?

Nguyễn Tri

(Dân trí) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh ở Đà Nẵng có con chuẩn bị vào lớp 1 thấp thỏm vì vẫn chưa mua được sách giáo khoa, đồ dùng học tập cũng như chuyện con sẽ học trực tuyến như thế nào.

Bỡ ngỡ dạy, học trực tuyến

Ít ngày nữa, Đà Nẵng sẽ tiến hành khai giảng và bước vào năm học mới. Tuy nhiên, thành phố này đang thực hiện giãn cách "ai ở đâu ở yên đó" để phòng chống dịch Covid-19. Nhiều phụ huynh đang chật vật không thể mua sắm sách vở, dụng cụ học tập cho con trước năm học mới.

Để chuẩn bị cho con học lớp 1 bằng hình thức trực tuyến, chị Hoàng Vĩnh Thư (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã lên mạng internet tải một số hình ảnh để cháu có thể làm quen với cách học này.

"Tôi phải nói với cháu rằng khi học trực tuyến, bàn ghế ngồi học sẽ như thế nào, cô giáo hướng dẫn ra sao, rồi cháu phải dậy sớm mặc đồng phục chứ không thể như hồi mẫu giáo. Nhưng thật ra, cả tôi và cháu đều không biết học trực tuyến là như thế nào, giờ cháu chỉ biết vào lớp 1 sẽ được mặc đồng phục, đeo cặp thôi", chị Thư chia sẻ.

Con trai chị Thư sẽ học ở trường tiểu học gần nhà, mọi thủ tục nhập học và phân lớp đã hoàn thành. Do tình hình dịch Covid-19 ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp từ khoảng tháng 5 đến nay, nên mọi công tác chuẩn bị cho con bước vào năm học mới đều bị hoãn.

"Chính quyền thông báo hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, nên tôi cứ nghĩ khi nào cháu gần nhập học thì mua đồ sách, vở và đồ dùng học tập vẫn không sao, nhưng giờ thì "bó phép" không đi đâu được", chị Thư nói.

Để chuẩn sẵn sàng cho con bước vào năm học mới trong tình hình giãn cách như hiện nay, chị Thư chỉ còn cách là tập hợp số lượng sách, vở, đồ dùng học tập cần mua để nhờ tổ trưởng Tổ dân phố đi mua "hộ".

Phụ huynh Đà Nẵng loay hoay không biết cho con học trực tuyến ra sao? - 1
Học sinh tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng đang ôn tập chuẩn bị cho năm học mới.

Nhưng điều chị lo lắng là Tổ trưởng chỉ được mua sách trong địa bàn phường, nhưng nhà sách trên địa bàn có lúc không đủ để cung ứng cho các hộ có con chuẩn bị vào lớp 1.

"Cô chủ nhiệm nói tôi mua sách theo tài liệu mà cô đưa, nhưng không biết sao mà mua. Còn về việc học trực tuyến, nếu được cô giáo có chuyên môn hướng dẫn cho cháu thì tốt. Phụ huynh ở nhà cũng chỉ có thể bảo ban cháu tham gia lớp đúng giờ, chứ muốn hướng dẫn kỹ cháu cũng khó", chị Thư cho hay.

Cũng như nhiều phụ huynh chuẩn bị có con vào lớp 1 khác, anh Nguyễn Văn Đông (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng chưa thể mua được sách, vở hay đồng phục cho con do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Vì bố mẹ công tác trên tuyến đầu chống dịch, nên không có thời gian kèm cặp con. Cộng với các cháu cũng đang độ tuổi hiếu động nên việc học trực tuyến khiến anh Đông rất lo lắng.

"Một khó khăn nữa là thiết bị cho con học như thế nào. Nhà có máy tính, điện thoại nhưng hai vợ chồng cũng chỉ có mỗi người một thiết bị để làm việc. Hai chị đều học tiểu học, gia đình tôi dự tính cũng phải tốn kém thêm một khoản để mua sắm. Chưa kể bây giờ không thể mua được vì những thiết bị này không nằm trong nhóm thiết yếu", anh Đông thở dài.

Dùng SGK "bản mềm", đề xuất mở lại nhà sách

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, đến nay, về cơ bản ngành GD-ĐT thành phố đã hoàn thành chương trình năm học 2020-2021 và công tác tuyển sinh cho năm học 2021-2022.

Sở GD-ĐT đang phối hợp chuẩn bị kịch bản khai giảng năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 vào 7h ngày 5/9.

Theo đó, 7h: phát sóng chương trình Chào năm học mới qua đài Phát thanh - Truyền hình TP Đà Nẵng, 7h30: chương trình Khai giảng trực tuyến do các trường thực hiện, 8h: chương trình trực tuyến giữa giáo viên chủ nhiệm với học sinh các lớp.

Phụ huynh Đà Nẵng loay hoay không biết cho con học trực tuyến ra sao? - 2
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đang phối hợp chuẩn bị kịch bản khai giảng năm học ngày 5/9 theo hình thức trực tuyến.

Theo Sở GD-ĐT, trong thời gian học sinh chưa đến trường, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tạo nhóm Zalo, Email, Facebook theo danh sách lớp... để trao đổi, tổ chức bầu Hội đồng tự quản (Ban cán sự lớp), phân chia tổ/nhóm; xây dựng nội quy lớp học, giao nhiệm vụ cho các thành viên ban/tổ/nhóm rõ ràng.

Ngoài ra, giáo viên thông báo tài liệu học tập của học sinh trong năm học, giới thiệu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; kiểm tra việc chuẩn bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập của học sinh, bảo đảm cho học sinh có sách, đồ dùng theo quy định tối thiểu.

Đặc biệt, đối với lớp 1, các trường sẽ tổ chức "Tuần lễ làm quen", lựa chọn những nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng vào học lớp 1 như: tư thế ngồi học, cách cầm bút, đặt bút, các nét cơ bản, cách nối nét, cách cầm sách đọc; làm quen với các loại sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập...; đọc các âm trong bảng chữ cái, đọc các số từ 0 đến 10...; hướng dẫn học sinh kỹ năng giao tiếp, cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè…

Sau 2 tuần làm quen, khi vào chương trình năm học mà học sinh vẫn chưa thể đến trường, các trường sẽ chỉnh kế hoạch, nội dung phù hợp, soạn bài dạy học qua internet phù hợp với thực tế, chú trọng đến đọc, viết và tính toán cho học sinh…

"Hiện, file PDF sách giáo khoa đã chuyển cho phụ huynh, học sinh tham khảo. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn đề xuất thành phố cho phép một số cửa hàng sách, dụng cụ học tập được hoạt động để phụ huynh đặt mua, shipper chuyển đến nhà", ông Mai Tấn Linh, Phó Giám Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho hay.