Quảng Ngãi:

Học sinh vùng cao nỗ lực ôn thi để “vượt vũ môn”

(Dân trí) - Điều kiện học tập không bằng học sinh ở đồng bằng, vì vậy học sinh các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi xác định phải nỗ lực hết mình để có thể "vượt vũ môn" trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Đồng hành với các em trong thời gian qua là những thầy cô tâm huyết với giáo dục vùng cao.

Đinh Thị Thái là học sinh lớp 12C1 trường THCS&THPT Phạm Kiệt (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Gần 2 tháng qua, Thái đều đặn đạp xe vượt quãng đường hơn 15 km từ nhà đến trường để ôn tập với trên 100 bạn học khối 12.

Đối với những học sinh vùng cao như Đinh Thị Thái thì môn tiếng Anh chính là môn thi "chua" nhất. Chính vì vậy, Thái dành nhiều thời gian hơn cho môn học này.

"Gia đình làm nông rất nhiều việc nhưng ba mẹ không cho em tham gia để có thời gian ôn thi. Em xác định mình yếu môn tiếng Anh nên tập trung nhiều thời gian hơn cho môn này. Ngoài thời gian ôn tập cùng thầy cô em còn dành toàn bộ thời gian ở nhà để bổ sung thêm kiến thức. Tụi em phải nỗ lực hết mình mới mong có kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới", Thái chia sẻ.

Học sinh trường THCS&THPT Phạm Kiệt huyện Sơn Hà nỗ lực ôn tập dưới sự hỗ trợ của giáo viên
Học sinh trường THCS&THPT Phạm Kiệt huyện Sơn Hà nỗ lực ôn tập dưới sự hỗ trợ của giáo viên

Trong quá trình ôn tập tại trường, học sinh trường THCS & THPT Phạm Kiệt được sự chỉ bảo tận tình của thầy cô giáo. Tùy vào năng lực, nguyện vọng đăng ký dự thi của học sinh mà nhà trường bố trí thời gian ôn tập và giáo viên phụ trách phù hợp.

Thầy Đinh Văn Siếu - giáo viên môn Toán cho biết, đối với số học sinh có học lực tương đối thì ngoài việc ôn tập những kiến thức cơ bản giáo viên còn khuyến khích các em thử sức với bài tập nâng cao. Riêng những học sinh có học lực yếu, trung bình được giáo viên kèm cặp sát sao hơn để có thể đạt điểm trên trung bình ở các môn thi.

"Việc ôn tập được thực hiện theo từng chủ đề, bám sát các đề tham khảo. Đồng thời giáo viên cũng dựa vào năng lực của từng học sinh để có hướng ôn tập phù hợp. Mục tiêu đầu tiên là giúp các em đạt mức điểm trung bình trong kỳ thi sắp tới", thầy Siếu nói.

Thầy Lê Đức Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Phạm Kiệt, cho biết: hầu hết học sinh của nhà trường chọn tổ hợp khoa học xã hội. Đối với tổ hợp này thì hạn chế lớn nhất của các em chính là khả năng cập nhật thông tin thời sự. Để bù đắp hạn chế này các thầy cô giáo phải thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn các em làm quen với những câu hỏi mở.

Tại huyện miền núi Sơn Tây, 102 học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đang chạy đua với thời gian để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Huyện Sơn Tây là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi với đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, học lực của đa phần học sinh chỉ ở mức trung bình. Chính vì vậy, toàn trường có 102 học sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có 38 em đăng ký xét tuyển đại học.

Dù mục tiêu không quá cao nhưng học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng vẫn phải nỗ lực hết mình. Buổi sáng các em đến lớp ôn thi tập trung, buổi chiều ôn thi theo nhóm, buổi tối tự ôn tập ở khu nội trú. Trong quá trình đó, thầy cô giáo của nhà trường luôn sát cánh cùng các em.

Đa phần học sinh vùng cao có học lực còn hạn chế nên các em xác định phải nỗ lực hết mình khi ôn thi
Đa phần học sinh vùng cao có học lực còn hạn chế nên các em xác định phải nỗ lực hết mình khi ôn thi

Thầy Lê Cao Đồng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: trên cơ sở nắm rõ học lực của học sinh, nhà trường đã phân loại theo nhóm để tổ chức ôn tập. Thời gian ôn tập trên lớp đối với các môn bắt buộc là 6 tiết/tuần, đối với các môn tự chọn mỗi tuần có 4 tiết ôn tập.

Cũng theo thầy Đồng, nhà trường còn phân công giáo viên theo dõi từng phòng bán trú để nhắc nhở các em ôn bài. Bất cứ lúc nào các em cần sự trợ giúp giáo viên sẽ đến tận phòng hỗ trợ với mong muốn các em "vượt vũ môn" thành công.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm