Học sinh vào lớp 10 nửa mừng nửa lo khi được tự chọn môn học
(Dân trí) - Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn môn học và nội dung học, nhằm phát triển cả kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành, hướng tới định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Năm học 2022 - 2023, giáo dục trung học phổ thông có sự thay đổi mới trong chương trình cho học sinh lớp 10 nói riêng và toàn cấp học nói chung. Cụ thể, với chương trình mới này, số lượng môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc chỉ còn là 7 môn, bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.
Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Học sinh khóa 2K7 sẽ là khóa đầu tiên được trải nghiệm quyền lựa chọn môn học và nội dung học mới này.
Học sinh hào hứng khi được lựa chọn môn học yêu thích
Bạn Ngọc Khánh (2007), trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Tĩnh) cười nói: "Mình cảm thấy khá vui bởi khi có sự thay đổi này, mình sẽ được lựa chọn những môn học mình yêu thích để học. Từ đó, việc học sẽ trở nên thú vị và hào hứng hơn".
Cùng quan điểm với Khánh, bạn Hoàng Thị Diệu Anh (2007), trường THCS Đan Trường Hội (Hà Tĩnh) bộc bạch: "Mình cảm thấy phấn khởi và thoải mái hơn khi được lựa chọn môn học phù hợp với năng lực của bản thân. Với sự thay đổi này, mình nghĩ mình sẽ có nhiều thời gian hơn để trải nghiệm thêm, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai".
"Mình cảm thấy khá thích với việc đổi mới này trong năm học tới. Tuy nhiên, mình cũng thấy việc được tự chọn môn học có cả ưu và nhược điểm. Nếu hồi cấp 2, mình bị học lệch thì việc chỉ cần học những môn sở trường sẽ rất có lợi cho bản thân. Thế nhưng, nhiều bạn không có năng khiếu ở môn học cụ thể nào do thành tích học tập của các môn đều như nhau sẽ thấy rất khó lựa chọn", bạn Nguyễn Minh Châu (2007), trường THCS Phú Diễn (Hà Nội) chia sẻ.
Bạn Đào Khánh Chi (2007), trường THCS Liên cấp Newton (Hà Nội) cũng cho rằng việc đổi mới môn học và nội dung học này đang tạo điều kiện cho các bạn học sinh. "Bởi vì trước đây, nhiều bạn có năng khiếu và đam mê với một số môn nhưng vẫn phải học một cách ép buộc. Điều đó khiến việc học trở nên không những không hiệu quả mà còn khiến học sinh không có hứng thú, không tập trung với việc học".
Học sinh cảm thấy băn khoăn chọn môn vì chưa định hướng rõ ràng
Bên cạnh đó, bạn Khánh Ly (2007, Hà Nội) lại cảm thấy băn khoăn vì hiện tại cô bạn chưa nắm được những thông tin cụ thể về chương trình mới này. Ly cho biết bản thân đang tập trung cho kỳ thi tuyển sinh THPT trước rồi sẽ tìm hiểu về vấn đề này sau. Cô bạn cũng hy vọng với những thay đổi mới này, các bạn học sinh sẽ được hướng dẫn cụ thể, có định hướng rõ ràng về những môn học mình sẽ học trong tương lai.
Các bạn học sinh cảm thấy vui buồn đan xen là điều dễ hiểu. Bởi khi chưa có sự tìm hiểu thông tin về chương trình mới này, học sinh sẽ cảm thấy phân vân thậm chí "đau đầu" khi lựa chọn môn học cho chính mình. Đặc biệt, với những bạn chưa có định hướng rõ ràng về năng lực, khối thi, ngành học, công việc hướng tới sau này, các bạn chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi đứng trước quá nhiều môn học và tổ hợp mình sẽ lựa chọn theo học.
Chính vì thế, để lựa chọn được các tổ hợp môn học phù hợp, các bạn học sinh cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng và nắm chắc các thông tin trước khi lựa chọn. Cụ thể, bạn cần tìm hiểu xem thế mạnh của mình là gì, môn học nào sẽ sử dụng cho các kỳ thi Đại học, Cao đẳng hay hỗ trợ định hướng công việc, nghề nghiệp trong tương lai.
Hơn thế nữa, học sinh cũng cần tìm hiểu trường THPT mình dự định theo học có triển khai phương án tổ hợp môn học như mình mong muốn hay không, để có sự chuẩn bị phù hợp.