Học sinh được tự chọn môn học: Giáo viên Lịch sử nghĩ cách thu hút trò

Còn hơn một năm nữa, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng, cho phép học sinh THPT tự chọn môn học. Nhiều giáo viên Lịch sử đã có những chuẩn bị để "kéo fan" cho môn học của mình.

Giáo viên dạy Lịch sử lo lắng?

Chương trình GDPT mới sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12. Thay vì 13 môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.

7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Năm môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn). Đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Học sinh được tự chọn môn học: Giáo viên Lịch sử nghĩ cách thu hút trò - 1

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Tại hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo UBND, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông, nhiều giám đốc Sở băn khoăn rằng khi học sinh tự chọn môn học liệu có ảnh hưởng đến công việc của giáo viên.

Theo số liệu thống kê, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, phổ điểm môn Lịch sử không cao. Theo đó, có 553.987 thí sinh dự thi môn Lịch sử thì số thí sinh có điểm từ 1 trở xuống là 111 chiếm tỷ lệ 0,02%, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 260.074 chiếm tỷ lệ 46,95%.

Trong đó điểm trung bình là 5,19 điểm, điểm trung bị là 5 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 4,5 điểm. Và chỉ có 371 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn lịch sử của kỳ thi THPT 2020.

Thầy Khương Quang Sự (Thái Bình), giáo viên dạy Lịch sử đã nghỉ hưu cho biết, môn Lịch sử vẫn luôn được coi trọng nhưng học sinh hiện nay học sinh không còn nhiều hứng thú với môn học này nữa mà có nhiều lựa chọn theo hướng khác.

Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng nghề nghiệp sau này của cá nhân các em và gia đình. Chỉ những em xét tuyển đại học khối C mới lựa chọn môn Lịch sử. Thực tế, nhiều học sinh chia sẻ học Lịch sử chỉ đủ điểm qua môn hoặc đủ điểm đỗ tốt nghiệp

Cô Trần Thị Hoa, giáo viên lịch sử trường THPT Mỹ Hào (Hưng Yên) cho hay chương trình giáo dục phổ thông mới có sự thay đổi lớn ở bậc THPT vì có môn tự chọn và môn bắt buộc.

Khi đó, giáo viên sẽ chịu tác động rất lớn vì có môn tự chọn và không tự chọn. Việc tổ chức, quản lý trong trường học sẽ có sự thay đổi và thách thức khá lớn, không còn chủ động trong việc phân công quản lý, tổ chức mà phụ thuộc vào sự lựa chọn của học sinh.

Em Lê Minh Ngọc, học sinh lớp 11 (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, môn Lịch sử khá hay nhưng bắt học sinh nhớ ngày tháng, từng sự kiện lịch sử, nhớ xem bao nhiêu máy bay, bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu người thiệt mạng trong trận đánh… khiến học sinh sợ hãi nhất trong các kỳ thi.

Vì thế, trong chương trình giáo dục mới, Lịch sử là môn tự chọn thì chắc chắn sẽ không có nhiều bạn chọn môn học này mà sẽ tập trung cho những môn xét tuyển đại học.

Học sinh được tự chọn môn học: Giáo viên Lịch sử nghĩ cách thu hút trò - 2

Giờ lịch sử của học sinh Trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội). (Ảnh: Bá Hoạt - Hà Nội mới)

Đổi mới giảng dạy môn Lịch sử

Mục tiêu chính và điều mà chúng ta thật sự hướng tới không phải là việc các em học sinh có quyền chọn môn học Lịch sử hay không mà là làm thế nào để khiến các em có hứng thú với giờ học Lịch sử. Nếu chúng ta vẫn bắt học sinh nhớ máy móc như một cái máy tính thì học sinh sẽ rất khó có thể yêu thích học môn học này.

Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Lịch sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày, tháng… nên học sinh rất sợ vì khó nhớ.

"Chúng ta đã và đang dạy Lịch sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều.

Cách dạy môn Lịch sử hiện nay tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn hơn." - GS.TS Vũ Minh Giang nhìn nhận.

Là một giáo viên lịch sử đã nghỉ hưu nhưng thầy Khương Quang Sự vẫn rất tâm huyết với môn học. Nói về "phương cách" thu hút học sinh yêu thích hơn môn Lịch sử, thầy Khương Quang Sự chia sẻ, chương trình mới có nhiều thú vị, phù hợp cho học sinh muốn khám phá.

Môn học thể hiện sự đa dạng trên các lĩnh vực hay những vấn đề đặc trưng. Đặc biệt, điểm mới trong chương trình giáo dục mới, môn Lịch sử cần chú ý trong đổi mới phương pháp và đánh giá học sinh.

"Tôi không cho rằng, với những đổi mới về phương pháp giảng dạy và yêu cầu của chương trình mới mà học sinh lại không chọn Lịch sử. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là liệu giáo viên có thể dạy lịch sử hay như chương trình dự thảo đặt ra cho môn này không mà thôi?", thầy Khương Quang Sự băn khoăn.

Để thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình môn Lịch sử, cần coi trọng và phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.

Giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử mà cần chú trọng việc hướng dẫn học sinh khai thác nguồn dữ liệu. Dạy lịch sử theo định hướng phát triển năng lực chú trọng đến các kỹ năng và coi trọng sử dụng các phương tiện trực quan.

Nhiều giáo viên chia sẻ, cách tốt nhất để kéo học sinh ở lại với môn Lịch sử hay bất kỳ môn học tự chọn nào theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới, ngay từ bây giờ, giáo viên cần không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp theo hướng tiếp cận học sinh.

Cùng với đó, cách kiểm tra, đánh giá môn học cũng cần đổi mới để học sinh không phải "sợ" và áp lực trước những yêu cầu quá khắt khe khi lựa chọn môn học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm