Tuyển sinh vào lớp 10: Phụ huynh Hà Nội tranh luận về môn thi thứ tư
(Dân trí) - Trong khi nhiều tỉnh, thành lược bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 vì dịch bệnh thì ở Hà Nội, môn thi thứ 4 vẫn còn là ẩn số khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
Phụ huynh lo lắng không yên
Trước mỗi kỳ thi, các bậc phụ huynh có con thi vào lớp 10 luôn đứng ngồi không yên khi chờ đợi phương án tuyển sinh. Trong năm học 2021-2022 này, nỗi lo ấy còn nhân lên gấp bội khi việc học tập các em học sinh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh. Đặc biệt, với lứa học sinh 2007, các em khá thiệt thòi khi phần khoảng thời gian cấp 2 buộc phải học trực tuyến.
Qua trao đổi với PV, anh Nguyễn D.K. Long (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, năm 2021 vừa qua là một năm khó khăn. Không chỉ với phụ huynh mà các bạn học sinh cũng bị Covid-19 "hành" lên bờ xuống ruộng, nhất là dịp ra tết, khi học sinh, sinh viên trở lại học tập trung. "Ở lớp con gái tôi, đến trường chưa tròn 1 tuần thì các bạn của cháu liên tục dương tính khiến tôi và nhiều phụ huynh hoang mang. Quay trở lại học trực tuyến, nhìn con căng mắt ngồi trước màn hình suốt nhiều giờ làm tôi thấy vừa thương vừa lo".
Cùng có con sắp tham gia kỳ tuyển sinh vào 10, chị Ngọc Phương (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ sự lo lắng trước thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giữ nguyên phương án tuyển sinh vào 10 với 4 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn học khác chưa công bố.
"Hai năm nay các con đi học khá là vất vả do tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, hình thức học online chưa thực sự mang lại hiệu quả tiếp thu bài của các con, vì vậy tôi hy vọng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ sớm công bố phương án thi sớm nhất để các con có thời gian chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng cho kỳ thi của mình." - chị Phương cho hay
Với tình hình học tập khó khăn hiện tại của các con, mong muốn của anh Long, chị Phương cùng nhiều phụ huynh khác là Sở sẽ xem xét lược bỏ môn thi thứ tư để học sinh giảm bớt căng thẳng cũng như các bậc phụ huynh có thể an lòng.
Môn thi thứ tư: Bỏ để giảm áp lực hay giữ nguyên để nâng cao chất lượng
Chia sẻ về việc nên giữ hay bỏ môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Phương cho biết thêm: "Theo tôi, với tình hình hiện tại không nên tạo cho các con thêm áp lực, việc bỏ môn thi thứ tư có thể phần nào đó sẽ giúp các con bỏ được bớt lo lắng trước một kỳ thi vốn đã căng thẳng và mang tính cạnh tranh cao, tôi nghĩ đó là việc làm phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay".
Đồng tình với quan điểm của chị Ngọc Phương, anh Long cho rằng việc thêm môn thi thứ tư là không cần thiết bởi "Toán đại diện cho khối tự nhiên, trong khi Ngữ văn và Ngoại ngữ đại diện cho khối xã hội, điều này khá cân bằng và vừa sức đối với tất cả học sinh".
Là người thường xuyên theo dõi, giúp đỡ con học tập, chị Thu Huyền, phụ huynh có con học lớp 9 tại một trường THCS ở Cầu Giấy bày tỏ quan điểm: "Tôi hiểu các con đã phải rất vất vả trong thời gian gần đây. Dù chương trình, thời gian học trực tuyến được giảm tải bớt nhưng các con cũng phải nỗ lực rất nhiều mới theo kịp bài vở. Vì thế tôi cho rằng việc giữ nguyên phương án thi 4 môn là việc làm cứng nhắc, chưa linh hoạt theo điều kiện thực tế. Chưa kể đến việc có những học sinh mắc Covid-19, sức khỏe bị ảnh hưởng thì chỉ riêng việc ôn luyện Toán, Văn, Ngoại ngữ cũng đủ chật vật".
Trước đó, chị hoàn toàn ủng hộ việc có thêm môn thi thứ tư để các con được phát triển kiến thức toàn diện, tránh học tủ, học lệch. Xong với tình hình hiện nay, mong muốn hàng đầu của chị là các con có được tâm lý thoải mái, bớt lo lắng về vấn đề thi cử, nhất là khi các con cũng đang phải đối mặt với nhiều cản trở do dịch bệnh.
Trái ngược với luồng ý kiến phản đối việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giữ nguyên phương án tuyển sinh vào 10, anh Triệu Văn Chung ( huyện Quốc Oai, Hà Nội) tỏ ra hoàn toàn đồng tình. Theo anh, đối với một kỳ thi có tính cạnh tranh cao như vậy, việc thêm một môn thi sẽ giúp nâng cao chất lượng kỳ thi. Cùng với đó, trong nhiều năm nay, một bộ phận phụ huynh và học sinh chỉ chăm chú vào 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và "bỏ bê" việc học các môn còn lại. Điều này không khác gì học để đối phó với kì thi, đi ngược lại với phương châm giáo dục toàn diện.
"Phương án thi 4 môn như hiện tại có tác dụng lớn trong việc tránh học lệch, học tủ. Tôi cho rằng môn thi thứ tư không chỉ giúp sàng lọc học sinh mà nó còn là một cơ hội giúp các học sinh "gỡ gạc" điểm số của các môn còn lại". Ngoài ra, như đa số các phụ huynh, anh Chung cho rằng Sở nên công bố sớm môn thi cuối để cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh khỏi thấp thỏm, lo âu.