Học sinh "trường làng" vô địch sân chơi STEM quốc gia
(Dân trí) - Hai đội thi đến từ Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Hà Nội) và Trường TH&THCS xã Cường Lợi (Lạng Sơn) giành giải Nhất cuộc thi Vô địch quốc gia STEM, AI và Robotics 2024.
Theo đó, nhóm học sinh đến từ Trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất, Hà Nội, giành giải Nhất nội dung tự hành, bảng THPT. Cùng bảng này ở nội dung điều khiển, Trường THPT tư thục Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) vô địch.
Ở bảng THCS, lần lượt hai đội giành giải Nhất là Trường TH&THCS xã Cường Lợi - Lạng Sơn và THCS Đoàn Thị Điểm - Hà Nội.
Vòng chung kết Vô địch quốc gia STEM, AI và Robotics (VSAR) 2024 có sự tham gia của hơn 1.000 thí sinh đến từ 21 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra có 3 đội chơi đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia.
Cuộc thi gồm 5 giải đấu chính, xoay quanh các chủ đề thiết thực và mang tính ứng dụng cao, giúp học sinh khám phá các lĩnh vực STEM, trí tuệ nhân tạo và robotics.
Giải đấu VSTAR với thử thách lập trình robot gieo hạt; Giải đấu IYRC Việt Nam với thử thách chế tạo robot sử dụng năng lượng tái tạo và thi đấu bóng đá; Giải vô địch MakeX xây dựng robot thực hiện nhiệm vụ giao hàng vượt chướng ngại vật; Giải Tekmonk Coding Olympiad thi lập trình phần mềm và thiết kế ứng dụng sáng tạo phục vụ học tập; Giải Robot ảo ViRC thi lập trình robot ảo thực hiện nhiệm vụ bắn bóng vào mục tiêu.
Đỗ Hoàng Giang - học sinh lớp 10 Lý 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - đại diện cho hơn 1.000 thí sinh đọc lời tuyên thệ trước giờ thi đấu chính thức vòng chung kết cuộc thi Vô địch quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 (VSTAR), sáng 21/12.
"Đến với cuộc thi, chúng em không chỉ mang theo những chú robot mà còn niềm đam mê với công nghệ, sự sáng tạo và tinh thần học hỏi, giao lưu. Đây là cơ hội để chúng em thử thách bản thân, khám phá những giới hạn mới, và tiếp thu những bài học quý giá từ bạn bè trên khắp mọi miền đất nước.
Thay mặt tất cả các thí sinh, em xin hứa sẽ thi đấu với tinh thần đoàn kết, trung thực và quyết tâm cao nhất, góp phần làm nên thành công cho cuộc thi", Đỗ Hoàng Giang nói.
Nam sinh chuyên vật lý cùng 4 thành viên khác trong đội thi đấu ở nội dung chính có chủ đề về nông nghiệp bền vững bảng THPT. Có 176 thí sinh lọt vào chung kết phần thi này. Thử thách đặt ra cho các em là thiết kế 1 con robot có khả năng lấy hạt giống từ kho chứa và gieo hạt vào các ô cho sẵn, mục tiêu là giải quyết bài toán tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp.
Giang cho biết đội của em chỉ có 3 tuần để chuẩn bị. Nam sinh đánh giá sản phẩm có tính thực tế cao.
"Với hình thức canh tác trong nhà kính, người nông dân sẽ không phải gieo hạt thủ công nữa mà điều khiển robot gieo hạt với độ chính xác cao hơn và tiết kiệm hạt giống hơn. Từ đó gia tăng lợi nhuận đáng kể nhờ tiết giảm chi phí hạt giống và chi phí nhân công", Giang phân tích.
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi - nhắn nhủ tới các thí sinh: "Cuộc thi hôm nay không chỉ là thử thách về kỹ thuật hay công nghệ, mà còn là cơ hội để các em khẳng định tài năng, sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm.
Hãy coi đây là một hành trình học tập, trải nghiệm, và cũng là cơ hội để các em bước ra khỏi vùng an toàn của mình, mở rộng tầm nhìn và học hỏi từ bạn bè quốc tế.
Tôi mong rằng, dù kết quả hôm nay thế nào, các em vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê khoa học, sáng tạo và không ngừng hoàn thiện bản thân. Bởi vì, những điều các em học được từ cuộc thi này sẽ là hành trang quý giá cho tương lai".