Học sinh trường Dân tộc nội trú Nghệ An đạt kết quả ấn tượng trong kỳ thi THPT quốc gia
(Dân trí) - Những “phương pháp đặc biệt” đã truyền cảm hứng và tạo động lực học tập giúp các em trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An giành được những kết quả vô cùng ấn tượng trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Trong đó có những học sinh có điểm xét tuyển đại học lên tới 28 điểm.
Kết quả ấn tượng của học sinh trường Dân tộc nội trú
Một kỳ thi THPT quốc gia lại trôi qua, là thêm một năm thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học phổ thông số 2 Nghệ An, đóng tại địa bàn xã Nghi Ân, TP. Vinh được những cô cậu học trò của mình đền đáp bằng “bảng vàng” thành tích với những điểm số ấn tượng.
Trong đó có những em đạt điểm xét tuyển đại học trên 27 điểm khiến các thầy cô vô cùng tự hào. Với đặc thù là trường Dân tộc nội trú, tất cả các em đều đến từ những xã thuộc vùng 135, biên giới… điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, nên kết quả ngày hôm nay là sự cố gắng không ngừng của cả thầy và trò trong suốt thời gian qua.
Thầy Lô Thanh Bình - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kết quả năm nay của các em cao hơn năm trước, chỉ tính riêng khối C trường có 54/56 em điểm xét tuyển đại học khối C trên 20 điểm. Trong đó, lớp 12C2 tất cả các em đều trên 21 điểm. Đặc biệt, có 2 trường hợp học sinh đạt điểm vào tốp 5 của tỉnh Nghệ An là em Hà Mạnh Hùng (điểm xét tuyển đại học khối A là 27,9 điểm) và Lục Thị Doanh (điểm xét tuyển khối C là 27,75 điểm)… Kết quả này cũng là động lực để nhà trường tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, hoàn thiện trong quá trình dạy và học trong thời gian tới”.
Sau khi biết điểm thi của mình, Hà Mạnh Hùng cậu học sinh người dân tộc Thái đến từ huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã xin đi làm thêm để có chút tiền sắp tới nhập học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Hoàn cảnh gia đình của Hùng cũng rất khó khăn, gia đình em thuộc diện hộ cận nghèo. Hùng có khả năng tự học rất cao, kỳ thi vừa qua điểm 3 môn khối A của em ấy cũng không làm tôi bất ngờ, trong đó Toán đạt 9,4 điểm, Vật lý 9,25 điểm và Hóa học 9,25 điểm.
Hùng cũng rất năng nổ trong các hoạt động của trường và giúp đỡ các bạn học tập”, thầy Nguyễn Công Trung, giáo viên Vật lý tại trường chia sẻ.
Nữ sinh Lục Thị Doanh có tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học khối C đạt 27,75 điểm.
Nữ sinh xinh đẹp Lục Thị Doanh có tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học khối C đạt 27,75 điểm.
Doanh tâm sự: “Sắp tới em dự định nộp hồ sơ hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Vinh khoa Sư phạm Ngữ văn. Thành quả hôm nay em có được cũng là nhờ vào sự giúp đỡ rất nhiều từ thầy cô trong nhà trường. Em mong sau này sẽ tiếp tục được theo nghề sư phạm để có thể trở về quê hương giảng dạy cho học sinh quê mình”.
Hoàn cảnh của Doanh cũng hết sức khó khăn, cuối năm ngoái bố em không may qua đời, gia đình là hộ nghèo của cái xã 135, mọi gánh nặng lại đổ dồn lên đôi vai của người mẹ gầy yếu nay ốm mai đau.
“Thời điểm bố mất em chịu cú sốc tâm lý rất lớn. Rất may các thầy cô, bạn bè luôn bên cạnh động viên em vượt qua”, Doanh tâm sự.
Động lực vươn đến thành công.
Với đặc thù riêng của trường Dân tộc nội trú, các em đều đến từ những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Đầu năm phụ huynh đến trường họp và cũng xem điều kiện ăn ở của các con. Nhưng kết thúc mỗi học kỳ, thầy cô trong trường lại lặn lội đến từng huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Qùy Châu, Nghĩa Đàn… để họp phụ huynh báo cáo kết quả của từng em cho gia đình.
Thầy Nguyễn Công Trung, giáo viên Vật Lý tại trường chia sẻ: "Cả hai em học sinh Doanh và Hùng của trường là những học sinh giỏi, có hoàn cảnh rất đáng thương...".
“Chắc chỉ có trường Dân tộc nội trú thì thầy cô mới về tận địa phương để “báo cáo” như thế. Mình làm vậy vì đa phần các em đều là hộ nghèo, hộ khó khăn, dân tộc thiểu số… điều kiện đi lại của phụ huynh rất khó khăn”, thầy Phó hiệu trưởng Lô Thanh Bình chia sẻ.
Mỗi năm học mới, nhà trường thường tổ chức các đội tình nguyện giúp đỡ học sinh mới hòa nhập. Đồng thời mời những cựu học sinh của trường đã đỗ đại học với điểm số cao đang học tại những trường đại học trọng điểm về giao lưu, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cùng các em.
“Chính những buổi trò chuyện như thế đã tạo động lực rất nhiều cho các em vươn lên phấn đấu trong học tập. Nhà trường còn tổ chức các tổ nhóm để các em tự học, trao đổi kiến thức với nhau. Ví dụ, như Làm thế nào để học giỏi Toán? Làm thế nào để giỏi Văn?… Đồng thời nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các kỳ kiểm tra để đánh giá chất lượng.
Qua mỗi môn đều chọn những bài làm xuất sắc nhất và thấp điểm nhất để chính những thầy cô giáo bộ môn đó phải xem xét lại làm sao học sinh của mình lại đạt số điểm như thế. Nhờ thế mới đánh giá được khả năng thực sự của từng học sinh để có phương pháp phù hợp nhất”, thầy Bình cho biết thêm.
Doanh tâm sự: “Em mong sau này sẽ tiếp tục được theo nghề Sư phạm để có thể trở về quê hương giảng dạy cho học sinh quê mình”.
Chính “phương pháp đặc biệt” của nhà trường ngay từ những ngày đầu các em xa nhà đến học tập tại đây đã tạo những niềm cảm hứng, động lực để các cô cậu học trò nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt được thành tích rực rỡ như ngày hôm nay.
Nguyễn Duy