Bình Định:
Học sinh trao đổi cởi mở về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
(Dân trí) - 100 học sinh nòng cốt đại diện cho học sinh khối trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có những chia sẻ cởi mở về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Ngày 13/12, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm trẻ nòng cốt trên địa bàn tỉnh năm 2020. Tham gia lớp tập huấn có 100 trẻ em (tuổi từ 12-16 tuổi), chủ yếu là học sinh khối trung học cơ sở ở 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tham gia lớp tập huấn, các em được hiểu rõ thêm về những kiến thức cơ bản về luật trẻ em; các quyền và bổn phận của trẻ em; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; bổn phận của trẻ em với gia đình; với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; đối với cộng đồng, xã hội; với quê hương đất nước và với chính bản thân các em…
Em Phạm Huỳnh Quang Tùng, lớp 7A4 Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chia sẻ thông qua lớp tập huấn lần này em học được rất nhiều điều bổ ích về kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, chống bạo lực học đường cũng như kỹ năng phòng chống đuối nước.
"Để phòng chống xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục thì cũng tùy vào mỗi trường hợp. Nhưng với bản thân em, tốt nhất là không tiếp xúc với những người lạ, không đi một mình trong đêm tối vắng vẻ", Tùng nói.
Đồng quan điểm, bạn Ngọc Diệp cũng chia sẻ: "Không chỉ không tiếp xúc với người lạ mà ngay cả những người quen cũng không được tiếp xúc thân mật, nhất là để họ đụng vào những vùng nhạy cảm".
Bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Định, cho biết theo thống kê của Công an tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 111 trẻ em bị xâm hại bằng nhiều hình thức: bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Trong đó, riêng năm 2019, có 40 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 29 trẻ em bị xâm hại tình dục.
The bà Trang, trong năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh lần thứ 8, với 100 trẻ em tham dự. Tại diễn đàn ngoài phiên thảo luận đối thoại với lãnh đạo tỉnh, các em còn được tập huấn về trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em.
Cũng trong năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức 22 buổi truyền thông tại cộng đồng, trường học tại 11 huyện, thị xã, thành phố; in tờ rơi, áp phích… Ngoài ra, còn tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho cả đối tượng cán bộ đoàn thanh niên, cán bộ hội liên hiệp phụ nữ, tư pháp của các xã, phường…
"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc trẻ em bị xâm hại, trong đó có thể có những nguyên nhân do ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, internet… trong khi đó đối tượng xâm hại cũng có nhiều dạng. So với nhiều địa phương khác, tỉnh Bình Định chưa phải là điểm "nóng" về vấn nạn này. Song, để nạn xâm hại trẻ em giảm, ngoài xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng, trường học…", bà Trang nói.