Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m: Không sát thực tế, khó thực hiện

(Dân trí) - Đó là quan điểm của một số đơn vị trường học cũng như lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa liên quan đến ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc nếu học sinh đi học trở lại, mỗi lớp chỉ 20 em và cách nhau 1,5m.

Ngày 20/4, Thanh Hóa đã quyết định cho học sinh từ THCS trở lên đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 21/4, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, nếu học sinh đi học trở lại, mỗi lớp chỉ 20 em và cách nhau 1,5m. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không được để dù một học sinh bị lây nhiễm bệnh từ trường học.

Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m: Không sát thực tế, khó thực hiện - 1
Trước khi vào trường, học sinh được đo thân nhiệt.

Trước thông tin nêu trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với một số đơn vị trường học cũng như lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Cô Trần Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Mai Ninh, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: Hiện tại nhà trường chưa thực hiện được (giãn cách chỗ ngồi-PV), bởi vì chưa nhận được công văn hướng dẫn. Nhà trường cũng đã hội ý trong ban giám hiệu, nếu như có công văn của ngành hướng dẫn xuống thì nhà trường sẽ chia đôi lớp học sáng và chiều.

Trong trường hợp buộc phải thực hiện giãn cách chỗ ngồi, theo cô Lan, về cơ sở vật chất có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, các thầy cô giáo sẽ vất vả hơn rất nhiều. Hiện tại, buổi sáng nhà trường đang học chính khóa theo thời khóa biểu, buổi chiều đang trong chương trình thí điểm dạy trực tuyến.

“Ở thời điểm này, trong khó khăn chung của cả Thế giới và Việt Nam, được đến trường đi dạy là hạnh phúc rồi, các thầy cô cũng sẽ cố gắng vì các cháu. Nhà trường quy định không ra chơi, chỉ có giờ chuyển tiết 5 phút, học sinh tuân thủ không ra hành lang, không sang các lớp khác, các em có nhu cầu cá nhân mới đi ra ngoài. Khi ra về, các em cũng về tuần tự theo các khối”, cô Lan thông tin.

Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m: Không sát thực tế, khó thực hiện - 2

Diện tích phòng học là cố định, số lượng học sinh đã có quy định cụ thể và lực lượng giáo viên có hạn...

Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m: Không sát thực tế, khó thực hiện - 3
Cho nên, việc giãn cách lớp học là điều vô cùng khó khăn.

Hiện tại, hàng ngày, trong một buổi học, nhà trường thực hiện đo thân nhiệt 2 lần và giám sát, kiểm soát chặt chẽ học sinh.

Tuy nhiên, cô Lan cho rằng, việc thực hiện giãn cách lớp học thì cực kỳ khó, về cơ sở vật chất có thể đáp ứng được, nhưng còn liên quan đến cán bộ giáo viên có thể duy trì 1 đến 2 tuần, còn lâu hơn thì không thể đảm bảo sức khỏe của thầy cô giáo.  

Cùng chung quan điểm trên, thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, huyện Quảng Xương, chia sẻ: Nhà trường sẽ cố gắng thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Y tế và Công điện của tỉnh về giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội trong nhà trường có đơn vị tổ chức nửa trường học buổi sáng và nửa trường học buổi chiều.

Tuy nhiên, theo thầy Dỵ, việc trong một lớp không thể giãn cách vì không đủ đội ngũ giáo viên để giãn cách mỗi lớp 20 học sinh, kể cả việc học 2 ca cũng không đảm bảo được.

Hơn nữa, trong trường hợp thực hiện giãn cách chỗ ngồi, một giáo viên trước đây dạy một lớp, giờ đây phải dạy 2 lớp, không đủ giáo viên làm việc đó. Vì vậy, theo thầy Dỵ, việc đảm bảo khoảng cách 1,5 m cho các em trong lớp học là khó thực hiện.

Hiện nay, khi ra chơi, nhà trường chỉ đạo bộ phận an ninh, cũng như bộ phận nề nếp kiên quyết không cho các em tụ tập, yêu cầu giữ khoảng cách trong quá trình chơi. Những công việc này đối với các thầy cô giáo trong nhà trường là hết sức vất vả.

Theo thầy Dỵ, tại Thanh Hóa hiện nay nguy cơ lây nhiễm thấp, nên có những chỉ đạo cụ thể. Nếu còn kéo dài tình trạng quản lý học sinh theo kiểu giãn cách xã hội, khoảng cách như thế này thì rất vất vả cho các nhà trường trong công tác quản lý học sinh.

“Huy động một vài tuần có thể được, nhưng huy động thời gian dài thì rất khó khăn cho thầy cô giáo. Bởi, trước khi vào lớp, thầy cô giáo phải quản lý học sinh, đo thân nhiệt, rồi trong quá trình ra chơi lại giám sát, thì huy động lực lượng thầy cô rất lớn, thực sự khó khăn”, thầy Dỵ cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định, hiện Bộ GD&ĐT chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính thức.

Học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m: Không sát thực tế, khó thực hiện - 4
Các nhà trường đã phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế hướng dẫn trước đó.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết thêm, đối với những tỉnh có nguy cơ thấp, không còn người lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh quyết định cho học sinh đi học trở lại, các nhà trường đã phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế hướng dẫn trước đó.

Nếu quy định mỗi lớp không quá 20, rồi phải giãn cách thì rất khó thực hiện. Bởi vì diện tích lớp học là cố định, quy định từng bậc học có bao nhiêu học sinh rồi, bàn ghế cũng đã kê như vậy rồi, chưa kể các nơi điều kiện còn khó khăn không dư phòng học nên không thể chia lớp và kê thêm bàn ghế. Rồi còn giờ ra chơi, làm sao giáo viên đi theo học sinh được.

Ngoài ra, giãn học sinh ra còn liên quan đến giáo viên lên lớp, không đủ bố trí. Theo ý kiến của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cần chú ý đến các điều kiện thực tế của địa phương, nếu không an toàn rồi thì nhất định cho nghỉ, còn các địa phương đã thấy an toàn rồi thì cho học sinh đi học.

“Qua nắm bắt của Sở, sau khi học sinh đi học trở lại, các thầy cô giáo trở lại trường rất phấn khởi. Việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch cũng đã hạn chế đi nhiều. Cho nên, việc thực hiện giãn cách phải căn cứ điều kiện thực tế của các địa phương”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa chia sẻ.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm