Thanh Hóa:
Học sinh mầm non cũng "gánh" hàng chục khoản thu
(Dân trí) - Đầu năm học, hàng trăm phụ huynh có con em theo học tại Trường Mầm non Xuân Bình (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) phải "lao đao" với các khoản thu. Nhà trường đã đưa ra hàng chục khoản thu và bắt phụ huynh phải đóng cho con em nếu muốn theo học tại trường.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/loan-bao-hiem-tu-nguyen-o-truong-hoc-951273.htm'><b> >> “Loạn” bảo hiểm tự nguyện ở trường học</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-vien-thanh-chu-no-thi-con-day-do-gi-noi-951225.htm'><b> >> Giáo viên thành “chủ nợ” thì còn dạy dỗ gì nổi”</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gddt-ra-cong-van-chan-chinh-tinh-trang-lam-thu-951068.htm'><b> >> Bộ GD-ĐT ra công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu</b></a>
Liên quan đến khoản thu đầu năm học, nếu có ý kiến gì về khoản thu của các trường, bạn đọc có thể phản ánh thông tin tới báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email: dantri@dantri.com.vn Xin trân trọng cảm ơn! |
Lý giải về khoản thu này, bà Cao Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Bình cho biết, số tiền này nhà trường thu là để mua trang thiết bị và đồ dùng học tập cần thiết cho HS. “Nhà trường chỉ đứng ra mua hộ các loại đồ dùng học tập cho các cháu để có đồ dùng phục vụ cho việc học tập. Hiện nay bên ngoài có nhiều loại trang thiết bị học không đạt, để các phụ huynh yên tâm nên chúng tôi đứng ra mua hộ từ huyện về phục vụ cho các cháu”, bà Lợi nói.
Cũng theo bà Lợi, việc mua giúp đồ dùng học tập cho HS nhà trường cũng có phần “công lao” trong đó. Chính vì thế mà giá mỗi loại đồ dùng đều cao hơn bên ngoài từ 3 - 500 đồng. Khoản tiền công này, bà Lợi cho rằng: “Nhà trường mua giúp nên có thu thêm để lấy tiền công, phí vận chuyển khi mua từ huyện về”.
Trong năm học 2014 - 2015 này, Trường Mầm non Xuân Bình có hơn 300 HS. Trong đó, có gần 100 cháu trong độ tuổi ở lớp mẫu giáo lớn. Như vậy, mỗi em HS khi được nhà trường mua giúp đồ dùng học tập thì phải mất một khoản phí “thù lao” cho trường.
Ngoài khoản thu này, trong bảng danh sách tổng hợp các khoản đóng góp dưới hình thức tự nguyện, thỏa thuận của nhà trường Mầm non Xuân Bình năm nay có đến chục khoản thu. Mỗi một HS bán trú phải đóng tổng cộng 10 khoản, HS không bán trú phải đóng 6 khoản. Chưa kể khoản thu một ngày công lao động (không đi đóng 100.000đ)…
Danh sách các khoản thu mà Trường Mầm non Xuân Bình tổ chức thu trong năm học này bao gồm: Tu bổ, sửa chữa, mua sắm, nâng cấp cơ sở vật chất trường chuẩn mức độ II = 350.000đ/cháu/năm; tiền hỗ trợ nhân viên, giáo viên hợp đồng, bảo vệ = 200.000đ/cháu/năm; tiền nước uống = 40.000đ/cháu/năm; quỹ cha mẹ học sinh = 40.000đ/cháu/năm; tiền điện, nước sinh hoạt = 200.000đ/cháu/năm.
Ngoài các khoản thu trên, đối với HS bán trú phải đóng thêm các khoản như: tiền thuê nhân viên nhà bếp phục vụ bán trú = 315.000đ/cháu/năm; tiền trông coi trẻ ngoài giờ = 198.000đ/cháu/năm; tiền điện nước phục vụ bán trú = 200.000đ/cháu/năm; tiền ga, chất đốt nấu ăn bán trú = 135.000đ/cháu/năm.
Tổng số khoản thu mà mỗi HS không bán trú phải đóng là 1.030.000đ. Còn đối với HS bán trú là 1.878.000đ.
Nhiều phụ huynh đã rất bất bình về những khoản thu trên nhưng không biết kêu ai. Các khoản thu này nhà trường đều “núp” dưới danh nghĩa thu hộ cho Hội cha mẹ học sinh. Hầu hết, các khoản thu này không đúng với quy định của nhà nước và không có trong công văn hướng dẫn của Sở GD-ĐT Thanh Hóa nhưng phụ huynh vẫn phải đóng góp.
Lý giải về hai khoản thu tiền hỗ trợ nhân viên, giáo viên (GV) hợp đồng, bảo vệ của nhà trường và tiền thuê nhân viên nhà bếp phục vụ bán trú bà Lợi cho biết: “Hiện nhà trường vẫn chưa có người phục vụ nấu ăn cho các cháu đủ điều kiện theo quy định. Vì thế, chúng tôi phải đưa hai GV bộ phận chuyên môn có chứng chỉ về nấu ăn xuống phục vụ nhà bếp. Vì thế, vị trí của hai GV bị khuyết nên chúng tôi phải thuê 2 giáo viên bên ngoài dạy thế chỗ cho hai GV trên”.
Việc bà Lợi đẩy hai GV chuyên môn xuống bếp nấu ăn là bất hợp lý. Điều này đã tạo ra việc thiếu GV bộ môn dạy học của trường, dẫn đến phải đi thuê thêm GV vào dạy để thế chỗ cho hai GV của trường tạo ra khoản thu trên.
Được biết, Trường Mầm non Xuân Bình đóng trên địa bàn thuộc vùng kinh tế khó khăn diện 30a và 135 của tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết, các cháu trong trường đều là người dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mường… chiếm đến 60%. Tỷ lệ HS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của trường là khoảng 50%.
Ông L.V.A bức xúc cho biết, gia đình có 4 đứa cháu nội ở độ tuổi đi học mầm non. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn, tiền đóng góp quá cao nên đành phải để 2 đứa cháu ở nhà. Gia đình ông A chỉ là một trong nhiều trường hợp ở xã Xuân Bình có con, cháu đến tuổi đi học nhưng vì không có tiền đóng góp nên cũng phải để con ở nhà.
Để các phụ huynh phải đóng góp đầy đủ, Trường Mầm non Xuân Bình đã bắt buộc các phụ huynh phải ký vào bản cam kết thực hiện các nội quy của nhà trường. Trong bản cam kết này nêu rõ: Thực hiện tốt các quy định của Hội Cha mẹ HS, thực hiện đóng góp đầy đủ các khoản thu theo thỏa thuận trong cuộc họp phụ huynh đầu năm đề ra… Nếu phụ huynh nào không thực hiện tốt phải chịu trước nhà trường, Hội Cha mẹ HS và pháp luật.
Mới đầu năm học, phụ huynh có con em theo học tại Trường Mầm non Xuân Bình đã phải lo đóng hàng chục khoản thu với mức quá cao. Nhiều hộ gia đình nghèo nơi đây đang phải “lao đao” không biết lấy tiền đâu đóng học cho con?
Thái Bá