Học sinh học kiến thức mới qua truyền hình: Khó đạt hiệu quả
(Dân trí) - Một số địa phương bắt đầu tổ chức cho học sinh học chương trình mới qua truyền hình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ không hiệu quả.
Bắt đầu từ cuối tháng 2, Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sản xuất và phát sóng dạy học qua truyền hình cho học sinh (HS) lớp 9 và 12. Ban đầu chỉ là chương trình ôn tập lại bài đã học nhưng bắt đầu từ ngày 23/3, sẽ phát sóng các chủ đề kiến thức dành cho HS lớp 9 và lớp 12.
Thông qua các bài giảng, HS của 2 khối lớp trên sẽ học tiếp nối các kiến thức của học kỳ 2 năm học 2019-2020. Nói một cách dễ hiểu, các em sẽ học bài mới qua truyền hình.
Tại Đồng Nai, việc học bài mới cũng được thực hiện với HS khối 12. Chương trình truyền hình dạy học do tỉnh thực hiện sẽ dạy học các kiến thức mới của học kỳ 2 các môn Toán, Văn, tiếng Anh, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và GDCD bắt đầu từ ngày 23/3.
Ít hiệu quả?
Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc dạy bài mới qua truyền hình cho HS cuối cấp cần được cân nhắc. Vì mọi cách thức học tập thực hiện trong thời điểm nghỉ học tránh dịch bệnh chỉ là biện pháp tình thế và khó đạt hiệu quả.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Văn - Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TPHCM) cho biết, việc triển khai dạy học qua truyền hình lúc này là điều nên thực hiện nhưng cũng cần xác định, không thể thay thế chương trình chính khóa. Việc học không đơn thuần chỉ để thi, không ai nắm chắc được kiến thức các em đã học thế nào, lên lớp các em có vững kiến thức nền tàng ở lớp dưới không, nếu hổng kiến thức thì rất nguy hại.
Việc học qua truyền hình lúc này chỉ nên xem là một kênh học tập tạm thời, như nhiều kênh học tập khác để các em chủ động lựa chọn chứ không thể áp dụng cho tất cả.
Theo thầy Bảo, cách tốt nhất là thực hiện tinh gọn chương trình, tinh gọn chứ không bỏ được. Bài quan trọng thì dạy bình thường, các bài đơn giản có thể rút ngắn thời gian. Mục tiêu là để đảm bảo kiến thức cho HS lên lớp nhưng không đặt áp lực.
Băn khoăn nhất của nhiều người về việc dạy bài mới qua truyền hình đó là việc này đòi hỏi HS chủ động tiếp nhận, xử lý kiến thức nhưng thực tế, rất ít HS có khả năng tự học.
Cô L.M.Nh, giáo viên bậc THPT ở TPHCM chia sẻ, học qua truyền hình là một giải pháp nhưng không thể thay thế việc học, luyện thi chính thức.
Muốn học tập qua truyền hình có hiệu quả, HS cần kĩ năng tự học, kỹ năng ghi chép, kỹ năng tìm kiếm thông tin và luyện tập theo hướng dẫn của giáo viên. Và kỹ năng này phải có từ trước, phải được hình thành qua một quá trình. Điều đáng nói, mặt bằng chung số HS có kỹ năng tự học như vậy không nhiều.
Hơn nữa, việc học chỉ là một giai đoạn trong quá trình học tập, cần cả phần đánh giá, kiểm tra, ôn tập. Nếu chỉ đơn thuần học kiến thức từ xa, mà thiếu bước đánh giá sẽ không ổn.
Cô Nh. băn khoăn: "Đội đội ngũ nào sẽ hướng dẫn và hỗ trợ các con khâu luyện tập? Thầy cô dạy trên truyền hình thì không thể. Thầy cô dạy ở trên lớp thì sao, tham gia như thế nào vào quá trình này, liệu có ổn không?".
Theo cô, việc chuyển đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến, từ xa cần một kế hoạch cụ thể, thậm chí, cần một đội ngũ xây dựng và phát triển, đánh giá, thẩm định chương trình chứ không đơn thuần lựa chọn một số thầy cô vững chuyên môn để gánh trách nhiệm đó. Việc dạy học qua truyền hình lúc này đơn thuần thêm một kênh để HS tham khảo, lựa chọn phù hợp với điều kiện trong khi nghỉ vì dịch bệnh.
Sẽ đánh giá lại kết quả học tập
Sở GD&ĐT TPHCM, Đồng Nai nhấn mạnh, khi HS đi học trở lại, nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Lịch phát sóng dạy học qua truyền hình của TPHCM
Bắt đầu từ ngày 23/3, kênh HTV trực tuyến hoặc các ứng dụng truyền hình trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng với lịch phát sóng dạy học của TPHCM:
Buổi sáng vào các khung giờ 8h, 9h, 10h giờ các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh lớp 9 các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 và phát lại vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7.
Buổi chiều thứ 2, thứ 4, thứ 6 vào lúc 14h, 15h, 16h các môn Toán, Vật lý, Hóa học lớp 12. Chiều thứ 3, thứ 5, thứ 7 vào lúc 14h, 15h, 16h là lịch phát sóng các môn tiếng Anh, Ngữ văn và Sinh học lớp 12.
Hoài Nam