Học sinh học bổng toàn phần Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hà Nội) hành động vì môi trường

Trường Thịnh

(Dân trí) - Học sinh Hà Nội kêu gọi Liên Hợp Quốc hãy hành động nhiều hơn trong buổi họp trực tuyến với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu.

Ngô Mỹ Linh, học sinh học bổng trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hà Nội), là nhóm trưởng của một nhóm học sinh, tự hào chia sẻ: " Trước đây tôi chỉ là một học sinh trung học bình thường, còn bây giờ, tôi có cơ hội nói chuyện trực tiếp với những nhà lãnh đạo của Liên Hợp Quốc!".

Học sinh học bổng toàn phần Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hà Nội) hành động vì môi trường - 1
Ngô Mỹ Linh, học sinh học bổng lớp 11 UNIS Hà Nội, ngoài cùng bên trái trao đổi tại sự kiện. Ảnh: UNIS

Cơ hội này là kết quả trực tiếp của chương trình Học bổng UNIS Hà Nội mà Linh nhận được học bổng toàn phần. Chương trình hiện đang nhận hồ sơ dự tuyển cho năm học 2021-2022. Linh nói thêm: "Nếu bạn mong muốn được phục vụ cộng đồng thì bạn nên trở thành học sinh học bổng của UNIS Hà Nội. Chương trình này thực sự sẽ thay đổi cuộc đời bạn và có thể thay đổi cả thế giới nữa!"

Vào ngày 19 tháng 1 vừa qua, Linh là một trong số các bạn học sinh tại Việt Nam được nói chuyện trực tiếp với ông Fabrizio Hochschild, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Đây là một trong các chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc.

Adelaide Charlier, cựu học sinh trường UNIS Hà Nội, mở đầu buổi trò chuyện trực tuyến từ Brussels. Adelaide không chỉ khởi động phong trào Thanh niên Vương quốc Bỉ Hành động vì Khí hậu cùng với Greta Thunberg, mà còn gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Cô đại diện cho tiếng nói của thanh niên trong các hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.

Cô chia sẻ với các bạn học sinh rằng thanh thiếu niên là những người phù hợp nhất để dẫn dắt các vấn đề về khí hậu vì họ vẫn tin vào sự thay đổi. Cô nói thêm, "Là những người trẻ tuổi, chúng ta phải "khuấy động" bởi đó là cách duy nhất chúng ta gây được sự chú ý đối với một chủ đề đã bị lãng quên. Chúng ta phải sáng tạo và không được dừng lại. Nếu chúng ta dừng lại, truyền thông sẽ dừng lại, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng sẽ dừng lại. Vậy câu hỏi ở đây là: Những người trẻ tuổi chúng ta có thể làm gì?".

Học sinh học bổng toàn phần Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hà Nội) hành động vì môi trường - 2
Ngô Mỹ Linh (áo đen) trao đổi với bạn học tại UNIS. Ảnh: UNIS

Bài phát biểu đầy nhiệt huyết của Adelaide đã truyền cảm hứng cho nhóm học sinh trường UNIS Hà Nội, Quốc tế Anh quốc Hà Nội, Quốc tế Concordia và Quốc tế Hà Nội. Các bạn cùng nhau xây dựng ý tưởng và trình bày với Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Nhóm học sinh nhấn mạnh mối quan tâm về tình trạng ô nhiễm không khí, nước biển dâng cao và các nguồn năng lượng tái tạo kém hiệu quả. Các bạn đề xuất với chính quyền xem xét thực thi những chính sách hiệu quả hơn, ví dụ như chuyển đổi các thực hành kinh tế hiện tại sang nền kinh tế không có carbon, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông bền vững trên quy mô lớn và chấm dứt nạn phá rừng.

Linh, hiện đang học lớp 11 tại UNIS Hà Nội, là một người bảo vệ môi trường tích cực. Hàng ngày, cô khuyến khích mọi người ở khu chợ gần nhà hạn chế sử dụng túi ni lông. Linh kể về hành trình của mình: "Trong suốt 8 năm học tại trường công lập, tôi chưa nghe nhiều và không hiểu gì lắm về hiện tượng trái đất nóng lên, chưa thấy nhiều người quanh mình quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng tất cả đã khác đi bốn năm trước khi tôi trở thành học sinh học bổng của trường quốc tế."

"Điều này thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Ngôi trường mới không chỉ giúp tôi hiểu hơn về môi trường, mà còn là nguồn cảm hứng thúc đẩy tôi bảo vệ môi trường tự nhiên."

"Những hành động nhỏ có thể mang lại thay đổi lớn trong cộng đồng là phương châm của tôi. Tôi bắt đầu áp dụng tại khu chợ gần nhà. Khi đi chợ mua đồ tươi sống, tôi luôn mang theo hộp và giỏ đựng. Nhiều người hỏi tôi mang giỏ và hộp để làm gì, tại sao tôi lại làm như vậy. Sau cuộc trò chuyện, một vài người đã thực hiện theo, cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông. Tôi cuối cùng cũng được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời nhất, khi bạn có thể làm điều gì đó ảnh hưởng tích cực đến người khác và đóng góp vào sự phát triển của thế giới."

Ấn tượng với những đóng góp của các bạn trẻ, ông Hochschild cảm ơn 40 học sinh tham gia buổi trò chuyện và hứa sẽ chuyển các kiến nghị lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Ông chia sẻ: "Buổi thảo luận ngày hôm nay thực sự có ý nghĩa giáo dục và đã truyền cảm hứng cho tôi. Chúng tôi đã tổ chức được những buổi trò chuyện như thế này trong suốt năm vừa qua ở mọi quốc gia thành viên, với sự tham gia của hàng triệu người trên thế giới. Chúng tôi mong rằng việc vận động chính sách kết hợp với huy động sự đoàn kết sẽ tạo ra một môi trường hành động. Các bạn yêu cầu nói ít làm nhiều. Điều tôi ghi nhớ về ngày hôm nay chính là yêu cầu ấy.

Bà Jane McGee, Giám đốc trường UNIS Hà Nội, cho biết việc đăng cai tổ chức sự kiện này là một vinh dự cho Nhà trường. "Là một trong hai trường quốc tế Liên Hợp Quốc duy nhất trên thế giới, chúng tôi cam kết đóng góp vào việc hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các cơ quan Liên Hợp Quốc để những bạn trẻ của chúng tôi có được nền tảng phù hợp tạo ra sự khác biệt."

Hãy truy cập trang web www.unishanoi.org/community/scholars để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình Học bổng UNIS Hà Nội và tải hồ sơ dự tuyển.
Hạn cuối nhận hồ sơ: ngày 15 tháng 3 năm 2021. Mọi thắc mắc xin gửi về scholarships@unishanoi.org.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm