Học sinh giỏi chê ngành Sư phạm, cách nào cứu vãn?

Nếu học sinh giỏi tiếp tục quay lưng với nghề Sư phạm và sinh viên các trường Sư phạm học giỏi ra trường cũng chuyển nghề thì lấy đâu đội ngũ giáo viên giỏi nghề đứng lớp?

Mùa tuyển sinh 2013 đang đến, làm gì để thu hút sĩ tử học giỏi chọn mã ngành sư phạm là thách thức đối với Bộ GD-ĐT.

Chỉ còn le lói

Mới đây, ngày hội tư vấn tuyển sinh CĐ, ĐH do Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM thu hút hàng chục ngàn học sinh THPT lẫn phụ huynh ở TPHCM và các tỉnh lân cận tham gia. Thực hiện cuộc khảo sát nhanh về nhu cầu chọn nghề hướng nghiệp của hàng chục học sinh, chúng tôi gặp rất ít sĩ tử chuẩn bị vượt vũ môn chọn ngành sư phạm.

Một học sinh lớp 12 chuyên toán bộc bạch chân thật ước mơ trở thành kiểm toán viên quốc tế: “Hồi nhỏ em cũng mơ ước trở thành nhà giáo nhưng lớn lên em đã có chọn lựa khác. Ba mẹ em làm nghề giáo nhưng cũng khuyên em nên chọn nghề khác nếu em muốn có cuộc sống khá hơn, thu nhập cao hơn để có thể mua nhà, sắm sửa những thứ có giá trị…”.

 

Nhiều học sinh lớp 12 quan tâm chọn ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng.
Nhiều học sinh lớp 12 quan tâm chọn ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. Trong ảnh: Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia tư vấn cho học sinh.

 

Không phải đến mùa tuyển sinh năm nay chúng ta mới đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu học sinh có học lực giỏi, thi học sinh giỏi các cấp hoặc đang học ở các trường chuyên đặt bút chọn mã ngành sư phạm? Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng  con số đếm trên đầu ngón tay hoặc chiếm vài phần trăm ở nhiều trường phổ thông là có thật. Phũ phàng hơn là nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế không chọn ngành sư phạm.

 

Theo Trường chuyên Lê Hồng Phong, mùa tuyển sinh ĐH năm trước chỉ có 41 học sinh trên tổng số 619 học sinh khối 12 đăng ký thi ngành sư phạm, trong đó có 31 em đậu. Ở Trường THPT Gia Định, con số lạc quan hơn với 83 em chọn ĐH Sư phạm, 70 em chọn ĐH Kỹ thuật trong tổng số 1.000 học sinh (chiếm 15%). Và trong số  này chiếm 50% học lớp chọn và 10% lớp chuyên. Thế nhưng, trong số học sinh chọn ngành sư phạm chưa biết có bao nhiêu sẽ trụ lại với nghề?

 

Nhiều giáo viên có thâm niên bộc bạch: “Chúng tôi “bội thực” với những lời tôn vinh, ca ngợi nhưng nhìn lại cả đời làm nghề phấn trắng luôn chật vật, sống chẳng bằng ai… thấy cám cảnh, ngậm ngùi! Vì thế, khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng không dám mạnh miệng khuyên bảo trò giỏi nối gót mình”.

 

Thực tế cho thấy, chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm không còn hấp dẫn người học, trừ những gia đình khó khăn, học sinh vùng sâu vùng xa không có điều kiện theo học ngành nghề khác. Điều đáng nói là học sinh ở các TP lớn cũng  không mặn mà với ngành sư phạm và các em chọn ngành nghề khác có tương lai hơn là điều dễ hiểu.
 

Theo các chuyên gia giáo dục, 10 năm về trước khi ngành sư phạm còn có giá, thí sinh nào có học lực khá giỏi, thi đạt trên 20 điểm trở lên mới chạm vào ước mơ làm thầy. Còn mấy năm gần đây, chất lượng đầu vào ngành sư phạm giảm đến mức báo động, thậm chí chỉ cần đủ điểm sàn hoặc nhích hơn 1-2 điểm là có thể thành thầy.

 

Hệ quả của chủ trương đào tạo đại trà ngành sư phạm đã đưa ra sản phẩm giáo sinh không đạt yêu cầu, bị các trường phổ thông lẫn trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chê bai không đạt yêu cầu.

 

Cần chính sách đột phá

 

Đề cập đến thực trạng đắng lòng đang khiến cả xã hội quan tâm, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM, lập luận: “Ngành nghề nào cũng làm ra sản phẩm nhưng đó là đồ vật. Còn nghề sư phạm - nghề đặc biệt đào tạo ra sản phẩm con người nên tiêu chí phải cao hơn, chuẩn hơn. Nếu đầu vào không chuẩn, sinh viên không giỏi thì nhào nặn kiểu nào để họ biến thành thầy giỏi trong 4 năm trời? Thầy không giỏi, không chuẩn thì hệ lụy dạy dở, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nhiều thế hệ học sinh”. Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn cả là số sinh viên giỏi tốt nghiệp ngành sư phạm vốn đã hiếm hoi lại dứt áo ra đi ngày sau khi rời xa giảng đường.

 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Nhìn vào bức tranh chung của xã hội, từ giáo viên đến giảng viên đều không thể sống bằng lương thì thử hỏi ai dám dấn thân vào nghề, dù có tâm huyết, đam mê?
 

Trong khi khối trường THCN, CĐ đang thiếu trầm trọng nhân lực thì giáo viên, giảng viên kỹ thuật được đào tạo bài bản, học giỏi, bám nghề sư phạm chỉ có vỏn vẹn 5% trong tổng số sinh viên của trường”. Ngay cả với số sinh viên chọn nghề sư phạm kỹ thuật được miễn học phí phải làm cam kết nhưng cũng khó ràng buộc, bắt ép họ đi dạy. Trong khi đồng lương đứng lớp của giảng viên bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì ra ngoài làm, nhất là làm việc ở các công ty có yếu tố nước ngoài, kỹ sư ngành kỹ thuật, công nghệ nhận được cao gấp 6-7 lần.

 

Đưa ra dẫn chứng, thầy Dũng ngậm ngùi: “Tôi đã cố gắng níu giữ một sinh viên học giỏi ở lại trường nhưng thất bại, vì ra ngoài làm việc ở một công ty nước ngoài em nhận được mức lương 2.000 USD, có cơ hội đi nước ngoài thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật công nghệ tiên tiến…”.

 

Tương tự,  xã hội đang thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn thì nhiều giáo sinh có năng lực, học giỏi ngoại ngữ tiếng Anh của các trường sư phạm lại ngậm ngùi sang ngang, chọn nghề khác có thu nhập cao gấp vài lần nghề đứng thanh đạm với mức lương bằng nửa công nhân ngành điện lực (khoảng 3 triệu đồng/tháng).

 

Theo PGS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục), khi đặt câu hỏi với 500 giáo viên, nếu cho chọn nghề lại thì họ có chọn nghề giáo không, thì có đến 50% lắc đầu nói “không”. Chính hình mẫu của thầy cô giáo chưa được xã hội đối xử công bằng, nâng niu, trọng vọng và để bám nghề, họ phải bươn chải kiếm sống bằng dạy thêm… đã khiến học trò giỏi, có năng lực quay lưng với nghề sư phạm.

 

Không có thí sinh giỏi vào ngành sư phạm thì làm sao các trường CĐ, ĐH sư phạm có thể đào tạo thầy giỏi đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao trong những năm tới, cũng như mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

 

Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Ngô Minh Oanh

 

"Vấn đề cốt lõi không phải là bao nhiêu học sĩ theo học ngành sư phạm mà là chúng ta đối xử, tôn trọng, đãi ngộ và tạo môi trường tốt như thế nào để họ chọn nghề và yên tâm trụ lại với nghề?"

 

Theo SGGP