Quảng Trị:

Học sinh dựng tiểu phẩm, vẽ tranh lên án bạo lực thân thể trẻ em

(Dân trí) - Dựa trên những câu chuyện trong thực tế và tình trạng bạo hành trẻ liên tục xảy ra thời gian qua, học sinh đã xây dựng lời thoại và biểu diễn tiểu phẩm nói về bạo lực gia đình, vẽ tranh và thuyết minh, nhằm tuyên truyền, lên án về bạo lực gia đình, xâm phạm thân thể trẻ em.

Đây là những nội dung đáng chú ý trong chương trình truyền thông lồng ghép với chủ đề “Ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực thân thể đối với trẻ em” vừa được tổ chức tại tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), do Tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới - Chương trình vùng Hải Lăng phối hợp Phòng GD-ĐT huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức.

Học sinh xây dựng tiểu phẩm với nội dung nói về bạo lực gia đình
Học sinh xây dựng tiểu phẩm với nội dung nói về bạo lực gia đình

Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em định nghĩa bạo lực thân thể trẻ em là bất cứ sự trừng phạt nào bằng bạo lực, được sử dụng nhằm gây ra cảm giác đau hay khó chịu nào đó, cho dù là nhẹ; việc trừng phạt thân thể liên quan đến đánh (tát, đập, phát) trẻ em, bằng tay hoặc bằng roi, gậy, thắt lưng, giày, muôi/thìa bằng gỗ,… Bạo lực thân thể cũng có thể bao gồm đá, lắc, cào, véo, làm bỏng, và đốt hoặc bắt nuốt.

Hàng năm, trên cả nước đã chứng kiến rất nhiều vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.

Gia đình là chỗ dựa vững chắc cho trẻ nhưng cũng có nguy cơ xảy ra bạo hành
Gia đình là chỗ dựa vững chắc cho trẻ nhưng cũng có nguy cơ xảy ra bạo hành

Chương trình truyền thông “Ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực thân thể đối với trẻ em” nhằm kêu gọi các cấp, ngành cùng tham gia Sáng kiến toàn cầu 5 năm về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học. Đồng thời, hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của UBND huyện Hải Lăng.

Truyền đi thông điệp “Tình yêu thương không có chỗ cho bạo lực”, chương trình tôn vinh quyền trẻ em và tạo cơ hội cho trẻ em và người thân trong gia đình, giúp trẻ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, thực hành kỹ năng sống, vui chơi lành mạnh thiết thực nhằm đẩy mạnh các phong trào hoạt động sôi nổi của trẻ em.

Học sinh vẽ tranh lên án xâm hại thân thể trẻ em
Học sinh vẽ tranh lên án xâm hại thân thể trẻ em

Bức tranh với thông điệp Tình yêu thương không có chỗ cho bạo lực của học sinh lớp 9
Bức tranh với thông điệp "Tình yêu thương không có chỗ cho bạo lực" của học sinh lớp 9

Nêu lên ý kiến cho rằng, bạo lực thân thể trẻ em xuất phát từ chính gia đình, các học sinh đã xây dựng tiểu phẩm “Ba xin lỗi con” để minh chứng. Câu chuyện được đề cập đến là hình ảnh người cha ham rượu chè rồi về đập phá mọi thứ trong gia đình, chửi bới vợ con. Sau đó, các con đã rời khỏi nhà, lang bạt rồi bị kẻ xấu dụ dỗ, sa vào tệ nạn xã hội.

Các học sinh cũng tham gia thi vẽ tranh tuyên truyền, lên án bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và thuyết minh. Trong mỗi bức tranh, học sinh nêu lên thực trạng và giải pháp hạn chế xâm hại trẻ em.

Các học sinh thuyết minh cho tranh vẽ của mình
Các học sinh thuyết minh cho tranh vẽ của mình

Chương trình này cũng được tổ chức tại 20 trường mầm non, tiểu học, THCS và 7 câu lạc bộ với hơn 5.000 trẻ cùng tham gia tìm hiểu các nội dung về bạo lực thân thể đối với trẻ em, tác hại và kiến thức, kỹ năng cần có để hành động bảo vệ bản thân mình và bạn bè khỏi bạo lực thân thể.

Việc tổ chức chương trình nhằm trang bị cho trẻ em được kiến thức và kỹ năng để hành động bảo vệ bản thân mình và bạn bè khỏi bạo lực thân thể. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và quan chức Nhà nước sẽ hành động nhằm ngăn ngừa, giải quyết vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học.

Đ. Đức

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm