Bình Định:
Học sinh còn chọn nghề theo cảm tính
(Dân trí) - Theo nhiều lãnh đạo các trường THPT ở Bình Định, nhiều học sinh hiện nay lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích, cảm tính, sự rủ rê bạn bè chứ chưa thực sự xem xét vào khả năng của bản thân mình.
Ngày 21/10, ĐH Quang Trung (TP Quy Nhơn, Bình Định) tổ chức hội thảo về đề xuất phương pháp mới trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường THPT.
Tham dự hội thảo có đại diện 15 trường THPT trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Phú Yên.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều đề xuất, các phương pháp mới có tính ứng dụng cao trong hoạt động hướng nghiệp tại các trường THPT, giúp học sinh THPT định hướng và xác định đúng đắn về lựa chọn nghề nghiệp dựa theo năng lực và sở thích bản thân.
Thầy giáo Huỳnh Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), cho hay trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường bước đầu có sự phối hợp với doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, góp phần chuyển biến trong nhận thức của học sinh, gia đình và xã hội trong lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Đặc biệt, chưa phát triển được năng lực, hiểu biết của từng học sinh để có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Công tác tư vấn chọn nghề cho học sinh của nhà trường cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức giới thiệu các ngành nghề để học sinh xem xét lựa chọn hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo đến tư vấn, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo.
"Đây chỉ là giải pháp tình thế, thực sự chưa mang lại hiệu quả cao trong việc định hướng học sinh chọn lựa được ngành học phù hợp", thầy Mai nói.
Thầy Mai cũng cho rằng học sinh lựa chọn nghề nghiệp chủ yếu dựa vào cảm tính, sở thích cá nhân mà ít tính tới năng lực bản thân và đặc điểm công việc.
Các em cũng lựa chọn các ngành theo quan niệm có thu nhập cao như kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán; chưa căn cứ vào năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu thị trường lao động.
Đồng quan điểm trên, thầy Phạm Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Bình Định) cho biết, nhiều học sinh phổ thông hiện nay lựa chọn theo sở thích, rủ rê bạn bè, hay theo trào lưu, xu thế xã hội.
Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm sau khi ra trường, làm lãng phí nguồn đào tạo của xã hội và lãng phí nhân lực trẻ.
"Sự say mê, yêu thích, dành mọi sức lực và tâm huyết để theo đuổi ngành nghề đó vì không đam mê, không làm được việc lớn. Mỗi học sinh cá nhân phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có sự chuẩn bị cũng như chọn lựa nghề nghiệp phù hợp", thầy Cường chia sẻ.