1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Học trò chọn nghề theo lời đứa bạn... rủ rê

Hoài Nam

(Dân trí) - Chọn nghề cần hiểu bản thân muốn gì, có năng lực, sở thích nào để không "lạc" mất mình vì chọn đại theo bạn bè rủ rê, cảm tính, hay nghe đồn...

Vấn đề này được nhiều chuyên gia hướng nghiệp nhấn mạnh tại chương trình tư vấn "Cùng bạn chọn nghề cho tương lai" vừa diễn ra tại Trường THPT Trần Văn Giàu, TPHCM, trước khi được triển khai tại khoảng 300 trường ở TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 

Một thực trạng được chỉ ra, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn rất mơ hồ trong việc chọn nghề. Không ít học sinh chưa hiểu rõ về bản thân, ngành nghề, chọn nghề theo bạn bè, theo ngành hot, trường hot...

Từ đó, dẫn đến việc chọn nhầm ngành, nhầm trường, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và rất nhiều hệ lụy khác. 

Học trò chọn nghề theo lời đứa bạn... rủ rê - 1

Học sinh bày tỏ thắc mắc về nghề nghiệp tại chương trình hướng nghiệp tại TPHCm 

Trao đổi về tiêu chí chọn ngành nghề, TS Dương Tôn Thái Dương, Phó ban Đại học, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, để lựa chọn ngành học phù hợp, người học cần căn cứ một cách đầy đủ, chính xác vào năng lực học tập, tính cách, sở thích bản thân, điều kiện gia đình. 

Công tác hướng nghiệp cần giúp các em hiểu, trong hệ thống giáo dục quốc dân, không chỉ có ĐH mà còn có Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, CĐ...

"Bậc đào tạo nào cũng có vai trò, giá trị, vị trí quan trọng trong thị trường lao động. Cùng với việc các tiêu chí của bản thân để có lựa chọn bậc học phù hợp nhất", ông Dương nói. 

TS Dương cũng chia trẻ thêm, hiện có 6 nhóm ngành nghề chính được các trường đào tạo bao gồm: Kỹ thuật công nghệ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Kinh tế - Luật, Sư phạm, Khoa học sức khỏe.  

Nói thêm về các tiêu chí về lựa chọn ngành nghề, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH&CN TPHCM nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên và tiên quyết để người học chọn nghề phù hợp chính là việc hiểu bản thân mình. 

Hiểu về tính cách bản thân, sở thích, năng lực gì giúp nhận diện được mình thuộc xu hướng nào để có những lựa chọn phù hợp nhất. Như vậy, mới có thể tránh việc chọn đại ngành nghề theo bạn bè, theo cảm tính, hay theo nghe đồn, nghe nói...

Tại Hội thảo Giáo dục STEM Từ lớp học đến thực tiễn cuộc sống” mới đây, ThS Nguyễn Thị Phương Hoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chỉ ra thực trạng học sinh chọn nhầm nghề.

Trong đó, bà lưu ý có thực trạng, nhiều học trò chọn nghề phụ thuộc vào ý kiến của... đứa bạn thân. Hoặc các em chọn theo sự rủ rê, theo chuẩn của nhóm, của bạn bè hay của người yêu.
 
Đôi khi vì tình cảm hay sự gắn bó từ phổ thông mà nhiều bạn cùng rủ nhau thi vào cùng ngành cùng trường. Chưa kể, các em chọn theo phong trào, chọn vì sĩ diện. Sau này nhận thấy không phù hợp thì đã dang dở. 
 

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, chọn nghề phải "hiểu mình" để không lạc đường là một hành trình chứ không phải ngày một, ngày hai. Vậy nên, việc hướng nghiệp cần triển khai sớm ở trường phổ thông.

Học trò chọn nghề theo lời đứa bạn... rủ rê - 2

Học sinh cần được sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực 

Qua đó, cung cấp thêm các thông tin hướng nghiệp đến giáo viên, đưa ngành nghề đến gần với học sinh, phụ huynh, hỗ trợ các em chọn được ngành học, bậc học đúng năng lực, sở thích, điều kiện gia đình, thích ứng với đòi hỏi của xã hội. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng ngành nghề biến chuyển, nhiều ngành nghề truyền thống mất đi hoặc thay đổi, nhiều ngành nghề mới xuất hiện.

Điều này, đòi hỏi học sinh, nhà trường phải tăng cường, tận dụng nhiều kênh thông tin để có định hướng nghề nghiệp phù hợp.