Đắk Nông:
Học sinh có hứng thú xem các bài giảng qua truyền hình?
(Dân trí) - Với thời lượng chỉ khoảng 35 phút một bài giảng nên nhiều giáo viên đã đẩy nhanh tốc độ trong lúc trình bày. Việc này đã khiến học sinh phải “chạy” theo lời cô nói và phải xem lại các bài giảng.
Từ ngày 7/4, tỉnh Đắk Nông triển khai phát sóng các bài giảng trên đài truyền hình địa phương. Trước mắt, tỉnh này tổ chức ôn tập, giảng dạy kiến thức cho học sinh khối 9 (3 môn) và học sinh khối 12 (9 môn).
Sau hai tuần phát sóng, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định.
Chỉ tiếc là thầy và trò không tương tác, trao đổi được
Em Trần Hạ Chúc, lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh nhận xét, cô giáo giảng rất dễ hiểu, thiết kế bài giảng áp dụng theo sơ đồ tư duy nên giúp học sinh dễ dàng nắm bắt một cách hệ thống.
“Em ngồi học một mình ở nhà nên cảm thấy yên tĩnh, tập trung hơn. Hạn chế lớn nhất là thầy và trò không tương tác, trao đổi được. Đối với trường hợp này, có nội dung nào không hiểu hay chưa rõ, em thường trình bày dưới phần bình luận và đợi giáo viên trả lời”, Chúc nói.
Tương tự, Trần Thị Thương, Học sinh Trường THPT Krông Nô (huyện Krông Nô) đánh giá, thầy cô đứng lớp đều dạy có chuyên môn cao nên rất yên tâm khi theo dõi các chương trình. Từ ngày triển khai dạy học qua truyền hình, Thương không bỏ lỡ một bài giảng nào do các bài giảng này được phát qua rất nhiều kênh.
“Nếu hôm nào có thời gian thì em xem trực tiếp trên tivi, còn không thì xem lại trên trang Facebook của Đài truyền hình. Bên cạnh việc học online từ trường, học trên truyền hình giúp em nắm chắc kiến thức hơn rất nhiều”, nữ sinh lớp 12 cho hay.
Qua gần một tuần theo dõi, rất nhiều phụ huynh cũng yên tâm, hài lòng với phương pháp học tập mới. Không chỉ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hình thức học qua truyền hình đã giúp con em có thời gian ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Chị Trần Thanh Ái, phụ huynh học sinh Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) chia sẻ, học lực ở trường của con chị ở mức trung bình, thời gian nghỉ học lại dài nên chị và chồng rất lo vì đây là năm con học cuối cấp. Thấy con trai canh giờ để học trên truyền hình, chị và chồng cảm thấy cũng yên tâm, “nhẹ lòng”.
“Từ hôm có chương trình ôn tập trên truyền hình, chiều và tối nào thấy cháu cũng theo dõi. Có thể do tâm lý cuối cấp, lo lắng cho kỳ thi THPT sắp tới, cũng có thể do yêu cầu của nhà trường mà cháu tập trung theo học. Theo quan điểm cá nhân, đây là cách ôn tập hay trong thời điểm nghỉ học lâu như hiện nay. Học như vậy cũng hạn chế được việc con cái sa đà khi sử dụng máy tính để tự học như trước đây".
Theo thống kê lượt người xem chương trình dạy học qua truyền hình phát trực tiếp trên trang Facebook của Đài Truyền hình tỉnh Đắk Nông, mỗi bài giảng có từ 3000- 7000 lượt người xem, gấp 4-5 lần so với các chương trình khác.
Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Nông cũng thống kê được, lượt truy cập vào website của đài liên tục tăng so với thời điểm trước, có thời điểm tăng từ 7-10 lần khi có các bài giảng được phát sóng.
Tương tự vậy, tỷ suất người xem chương trình trên tivi cũng cao hơn rất nhiều. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của học sinh đối với các chương trình dạy học này.
Vẫn còn tồn tại bất cập
Tuy thu hút được sự quan tâm của học sinh, song một số bài giảng nhận được phản hồi từ người xem khi giáo viên giảng bài nhanh. Với thời lượng chỉ khoảng 35 phút một bài giảng nên nhiều giáo viên đã đẩy nhanh tốc độ trong lúc trình bày. Việc này đã vô tình khiến học sinh phải “chạy” theo lời cô nói và phải xem lại các bài giảng.
Ngoài ra, vì lần đầu tiên triển khai phát sóng các bài giảng, trong đó có việc phát trực tiếp trên trang Facebook của Đài Truyền hình Đắk Nông nên rất nhiều bình luận thiếu văn hóa, thậm chí là thô tục đã “lọt” vào phần bình luận của mỗi chương trình. Nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đã lên tiếng bức xúc về tình trạng này.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, điều đáng mừng, qua ghi nhận từ cán bộ, giáo viên, các tiết giảng qua truyền hình được giáo viên thể hiện tốt, từ hình thức đến nội dung và cách thức truyền đạt. Hầu hết các tiết giảng đều bảo đảm được yêu cầu đặt ra, hướng đến mục tiêu củng cố, hệ thống lại kiến thức và phù hợp với tất cả học sinh.
“Nhiều phụ huynh, học sinh cũng đã có những phản hồi rất tốt. Từ mô hình này sẽ mở ra thêm một hình thức ôn tập hiệu quả cho học sinh và ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng đối với các khối lớp khác", ông Hải nói.
Liên quan đến những phản hồi về một số tồn tại khi phát sóng các bài giảng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, sau một hai số phát sóng đầu, các thầy cô giáo đã điều tiết được tốc độ bài giảng, nói chậm và cho nhiều ví dụ minh họa và đi vào trọng tâm bài giảng.
Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ làm việc với Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Nông để ẩn tính năng bình luận trực tiếp trên các bài giảng đồng thời hướng dẫn các trường điểm danh học sinh khi học qua truyền hình.
Dương Phong