Học sinh cách ly vì Covid-19: Cần hỗ trợ tâm lý cho trẻ để tránh "sốc"
"Trẻ khi không được hỗ trợ tâm lý tốt có thể sẽ rơi vào trạng thái sốc tâm lý trong thời gian bị cách ly. Cú sốc này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý của các em sau khi cách ly".
Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người, trong đó có học sinh, trẻ em phải đi cách ly tập trung.
Tình huống này diễn ra khá nhanh và bất ngờ, trong khi chúng ta gần như chưa được trang bị những kỹ năng để ứng phó… Kỹ năng để thích nghi với việc bị cách ly là điều cần được chú trọng hình thành trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Nhờ đó, người lớn và trẻ biết cách vượt qua quãng thời gian này an toàn, tích cực nhất.
Nhận diện khó khăn
TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Sự lo lắng là hoàn toàn có căn cứ khi cả người lớn và trẻ em đều chưa được chuẩn bị về mặt tinh thần cũng như những kỹ năng để ứng phó với tình huống hoàn toàn mới và chưa có tiền lệ.
"Tuy nhiên, lo lắng, hoang mang hay bất an đều không phải là phản ứng tích cực trước yêu cầu phòng dịch cấp bách. Khi người lớn và trẻ em cùng nhận thức được đây là tình huống cần thiết để phục vụ công tác phòng dịch và được chuẩn bị tâm lý tốt sẽ bình tĩnh, đón nhận và thích nghi mà không bị rơi vào suy nghĩ tiêu cực; ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi cá nhân và quyết sách chung của đất nước...", TS Hoàng Trung Học nhận định.
Theo TS Học, trước tiên chúng ta phải nhận thức được những khó khăn trẻ em có thể sẽ gặp phải khi đi cách ly tập trung. Khó khăn ở đây chủ yếu về mặt tâm lý. Các yếu tố khác như điều kiện sinh hoạt, quy định phòng bệnh được triển khai rất tốt để người bị cách ly yên tâm thực hiện các quy định.
Có 3 nguy cơ trẻ em, học sinh có thể sẽ đối mặt: Các em gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường cách ly, phải tuân theo các quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Tuổi nhỏ, hầu như chưa xa vòng tay của cha mẹ, nay phải sống trong môi trường xa lạ với nền nếp, nội quy khác biệt với khi ở nhà, trường.
Người tiếp xúc cũng khác lạ, các mối quan hệ tương tác trong sinh hoạt là sự khác biệt lớn. Hầu hết trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non, tiểu học sẽ gặp khó khăn này.
Ngoài ra, các em cũng có thể đối mặt với một số biểu hiện lo âu, thậm chí phản ứng sợ hãi trước kích thích không nhìn thấy (Covid-19) nhưng có thể cảm nhận được thông qua thái độ và sự khác biệt của những người xung quanh.
Với trẻ, nỗi lo hãi trở nên khó kiểm soát khi không nhìn thấy, sờ thấy, không hiểu... Nhiều trẻ sẽ khóc đòi về nhà. Có em thì thu mình, hoặc phản ứng tiêu cực bằng cách không hợp tác với mọi người xung quanh...
Mặt khác, trẻ khi không được hỗ trợ tâm lý tốt có thể sẽ rơi vào trạng thái sốc tâm lý trong thời gian bị cách ly. Cú sốc này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý của các em sau khi cách ly.
Hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng cho trẻ
Theo TS Hoàng Trung Học, trước tiên người lớn cần nhìn nhận đây là tình huống bắt buộc và phải đối mặt khi dịch bệnh bùng phát. Chúng ta cần nhìn thấy những điểm tích cực, coi đây là cơ hội để trẻ em, học sinh trải nghiệm, biết cách ứng phó với những tình huống khó khăn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống.
TS Học khuyến cáo: Chúng ta cần hướng dẫn các con tôn trọng quy định về mặt y khoa; giúp trẻ hiểu rằng đây là yêu cầu bắt buộc của phòng, chống dịch. Quan trọng hơn, hãy làm cho trẻ hiểu, trẻ không cô đơn, không có lỗi trong hoàn cảnh này. Cha/mẹ hoặc thầy/cô luôn bên cạnh và cùng con vượt qua những khó khăn này.
Cần truyền động lực và niềm tin cho trẻ trước việc dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Trẻ cũng cần được chăm sóc một cách tốt nhất về mặt dinh dưỡng, sức khỏe khi đi cách ly để có sức khỏe thể chất và tinh thần tích cực.
Thực tế, nhiều trẻ khó thích ứng với những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt hơn khi ở nhà, trường. Lúc này, người lớn phải làm gương và nghiêm túc, dứt khoát thực hiện các quy định đề ra. Trẻ theo đó mà chấp nhận và thực hiện theo. Dạy cho trẻ năng lực tự lo cho bản thân; hướng dẫn trẻ biết tự phục vụ trong sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó cần rèn kỹ năng lắng nghe để hiểu và làm theo hướng dẫn của cô giáo phụ trách, lực lượng trong khu cách ly.
Cùng với đó là kỹ năng chia sẻ để trẻ biết nói lên cảm xúc của bản thân với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Từ đó, trẻ bớt lo lắng, nhanh chóng hòa nhập môi trường lạ trong khu cách ly.
Trên cơ sở các quy định phòng dịch, trẻ cần được tham gia các hoạt động phù hợp. Mỗi ngày trẻ cần được rèn luyện thể chất, tập luyện thể thao, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, đọc sách. Thậm chí, trẻ phải được học kiến thức, kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh phù hợp với lứa tuổi, bài bản.
"Với học sinh phổ thông, cần tập trung vào kỹ năng phòng dịch, những khó khăn, rủi ro, bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống để bình tĩnh đón nhận và có ý thức vượt lên nghịch cảnh. Đây cũng là dịp tốt để giáo dục ý thức công dân và tinh thần trách nhiệm cho các em.
Trước tình huống phát sinh này, các nhà tâm lý, giáo dục cần vào cuộc, xây dựng chương trình phòng ngừa, hỗ trợ tâm lý trong thời gian cách ly; xây dựng chương trình huấn luyện kỹ năng ứng phó với dịch bệnh trong hoàn cảnh đặc biệt". - TS Hoàng Trung Học
Theo Báo GDTĐ