Học marketing ra trường có phải đứng ngoài đường phát tờ rơi?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều người hiểu lầm học marketing ra trường phải đứng ngoài đường phát tờ rơi. Thực ra, chuyên viên marketing là người lập chiến lược, nghiên cứu hành vi người mua và định hướng thị trường...

Marketing ngày càng quan trọng

Theo thạc sĩ Võ Công Trí, Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), quản trị marketing là vị trí không thể thiếu trong bất cứ nền kinh tế nào. Công việc này bao gồm các hoạt động nhằm thỏa mãn mong muốn của khách hàng thông qua quá trình tiếp thị sản phẩm, phát triển thương hiệu. Nhân viên marketing là chiếc cầu nối bền chặt giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ, nhiều người hiểu lầm học marketing ra trường phải đứng ngoài đường phát tờ rơi. Thực ra, chuyên viên marketing là người lập nên những chiến lược marketing, nghiên cứu hành vi người mua, định hướng thị trường nhằm kết nối người mua và người bán với nhau.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, công việc chủ yếu của người làm marketing là tổ chức các kế hoạch truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu; Truyền tải thông điệp đến công chúng và mong muốn khách hàng nhận thức đúng; Giúp thương hiệu "giao tiếp" với khách hàng chuẩn xác và ấn tượng nhất...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định marketing là một trong những ngành đang có sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu nhân sự rất lớn. Bởi trong nền kinh tế hiện đại ngày nay, vai trò của marketing ngày càng quan trọng, nhất là marketing ứng dụng các công nghệ hiện đại (digital marketing) đang trở thành nghề thời thượng và có thu nhập rất cao.

Học marketing ra trường có phải đứng ngoài đường phát tờ rơi? - 1

Trong nền kinh tế hiện đại ngày nay, vai trò của marketing ngày càng quan trọng (Ảnh minh họa: BKC).

Dù ngành học này rất hấp dẫn nhưng các chuyên gia vẫn khuyên học sinh nghiên cứu cẩn thận trước khi lựa chọn vì khá kén người học. Theo thạc sĩ Võ Công Trí, để phát triển trong nghề marketing, người học cần có một số tố chất cần thiết như: Kiên trì, nhẫn nại; Hiểu được tâm lý khách hàng; Biết cách giải quyết vấn đề phát sinh; Ham học hỏi; Giỏi giao tiếp và thành thạo ngoại ngữ...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng bổ sung thêm một tố chất khá quan trọng là sáng tạo và nhanh nhạy. Theo cô Phụng, người làm nghề marketing phải cực nhanh nhạy để kịp nắm bắt các kênh thông tin, sự thay đổi của thị trường và sáng tạo để có chiến lược phù hợp nhất với lĩnh vực, sản phẩm của mình.

Ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng

Theo thạc sĩ Võ Công Trí, quản trị marketing vẫn luôn là ngành học có cơ hội xin việc dễ dàng, dù kinh tế thuận lợi hay khó khăn thì doanh nghiệp đều cần người làm marketing. Khi khó khăn thì cần nhân viên marketing giỏi để vực dậy công ty, khi thuận lợi thì đẩy mạnh quá trình phát triển.

Sinh viên học cao đẳng ngành quản trị marketing cũng có thể cạnh tranh khá nhiều vị trí trong doanh nghiệp như: Chuyên viên phòng marketing; Chuyên viên nghiên cứu thị trường tại các công ty quảng cáo, truyền thông; Chuyên viên chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng; Chuyên viên phát triển và quản trị thương hiệu…

Ngoài cấp chuyên viên, người làm công việc này có thể phấn đấu lên cấp quản lý tầm trung (trưởng nhóm, trưởng phòng, trưởng bộ phận), hoặc quản lý cấp cao (giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách khối…).

Học marketing ra trường có phải đứng ngoài đường phát tờ rơi? - 2

Sinh viên theo học ngành quản trị marketing còn được rèn luyện khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng (Ảnh: Dân trí). 

Về thu nhập, đây là ngành có mức thu nhập thuộc nhóm khá khi mới bắt đầu sự nghiệp. Cụ thể, sinh viên cao đẳng mới ra trường có thể hưởng được mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng. Còn thu nhập khi đã thành thạo công việc thì tùy vào năng lực của bản thân và quy mô doanh nghiệp, thông thường mức lương vị trí quản lý tầm trung của ngành này sẽ vượt ngưỡng 20 triệu đồng.

Điểm đặc biệt của ngành này là có hệ thống đào tạo hoàn thiện từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học giúp cho người học có thể lựa chọn học tổng hợp ở bậc đại học, hoặc chọn một nhánh chuyên ngành rồi học liên thông nâng cao trình độ phù hợp với tiến trình thăng tiến nghề nghiệp.

Dù có nhiều trình độ nghề khác nhau nhưng các kỹ năng chính người học ngành này được trang bị là phương pháp nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, tổ chức phân phối sản phẩm, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện...

Ngoài ra, sinh viên theo học ngành quản trị marketing còn được rèn luyện khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng, nghiên cứu hành vi tiêu dùng và nhu cầu khách hàng; trang bị một số kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý vấn đề, phân tích và xây dựng chiến lược...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm